Doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng về nghị quyết mới cho sự phát triển TP.HCM

Hồng Nga| 23/06/2023 00:00

Ông Lê Hữu Nghĩa - Tổng giám đốc Công ty Xây dựng Thương mại Lê Thành cho rằng, thị trường bất động sản ngưng trệ thời gian qua và các doanh nghiệp đang rất trông chờ, kỳ vọng nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/QH/2017 sẽ giúp TP.HCM tháo gỡ phần nào những rào cản, vướng mắc, giúp thị trường dần phục hồi.

Doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng về nghị quyết mới cho sự phát triển TP.HCM

* Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản TP.HCM nửa đầu năm 2023?

- Nền kinh tế cả nước nói chung và TP.HCM đang chậm lại. Riêng lĩnh vực bất động sản, các doanh nghiệp còn vô cùng khó khăn, cộng với tâm lý e dè của người dân đối với ngành này càng làm cho thị trường thêm ảm đạm. Hiện tại, các doanh nghiệp không còn sản phẩm phù hợp cho người tiêu dùng thật.

Trong khi đó, lãi suất 14% khiến nhiều người có ý định vay mua nhà càng thêm khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết liệt trong thực hiện các chính sách mới, hy vọng cuối năm 2023, thị trường bất động sản sẽ bắt đầu khởi sắc. Trong quý I và II/2024, với việc Luật Đất đai, Luật Nhà ở và một số vấn đề pháp luật liên quan đến vướng mắc của bất động sản được tháo gỡ, thị trường sẽ dần phục hồi.

Riêng với TP.HCM, tôi kỳ vọng khi nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 được Quốc hội thông qua (dự kiến vào ngày 24/6/2023) sẽ giúp tháo gỡ phần nào cho lĩnh vực bất động sản để thành phố giải quyết những rào cản, vướng mắc đang bị kẹt lâu nay. Từ đó sẽ đẩy nhanh được tiến độ, những vấn đề pháp lý bị vướng, giúp ngành phát triển trở lại.

* Nghĩa là hiện có rất nhiều dự án thành phố không có thẩm quyền giải quyết?

- Những vấn đề vướng mắc của thị trường bất động sản TP.HCM có thể chia làm 3 nhóm. Nhóm thứ nhất là những dự án thuộc thẩm quyền thành phố và hiện thành phố đang đẩy nhanh giải quyết. Nhóm thứ hai vướng ở cấp Trung ương và phải chờ Trung ương giải quyết. Hy vọng với các luật sửa đổi (Luật Đất đai, Luật Nhà ở) những vướng mắc này sẽ được giải quyết. Nhóm thứ ba liên quan đến Nghị quyết 54 và thành phố cũng đã đưa vấn đề này vào nghị quyết mới.

Khi cơ chế đặc thù được thông qua, thành phố được phân quyền và sẽ chủ động hơn trong việc tháo gỡ. Như vậy, với nghị quyết mới, thành phố sẽ giải quyết được hai nhóm vấn đề đang bị vướng hiện nay của thị trường bất động sản. 

-4867-1687489614.jpg

* Được biết, TP.HCM đã tháo gỡ được một số dự án trong 156 dự án bị vướng và cũng đặt mục tiêu trong năm nay sẽ giải quyết 50 dự án. Theo ông, mục tiêu này có khả thi khi chỉ còn 6 tháng nữa là hết năm?

- Từ đầu năm đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã gỡ vướng được 9/156 dự án và trong 9 dự án đó có 3 dự án nhà ở xã hội của Lê Thành.

Có một điều bất cập là trước nay, nhà ở xã hội được thực hiện theo quy trình của nhà ở thương mại mà không có sự ưu tiên nào khiến các dự án bị chậm. Từ năm 2022 trở về trước, các chính sách, quy trình triển khai nhà ở xã hội cũng giống như những dự án nhà ở khác đã khiến các doanh nghiệp e ngại đầu tư, triển khai.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2023, được sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội, thành phố đã đẩy nhanh tiến độ giải quyết các dự án nhà ở xã hội. Đến nay, đã có 5 dự án với hơn 5.000 căn hộ được tung ra thị trường.

* Về nhà ở xã hội, mặc dù đã có gói hỗ trợ 120.000 tỷ đồng nhưng thực tế chưa có dự án nào được giải ngân từ chương trình này. Theo ông, có cần thiết có quy trình riêng để đáp ứng được hai mục tiêu là vừa có nhà ở xã hội vừa có thể sử dụng hiệu quả các chính sách về nhà ở xã hội quốc gia?

- Trong nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 cũng như thông tin từ Bộ Xây dựng, chúng ta sẽ có nghị quyết riêng để trình Quốc hội cho vấn đề phát triển nhà ở xã hội. Hy vọng nghị quyết này sớm được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua để làm sao đẩy nhanh tiến độ pháp lý của nhà ở xã hội. 

Riêng TP.HCM, vấn đề này đã có quy định tại Điều 6 của dự thảo nghị quyết mới về giải quyết các vướng mắc của nhà ở xã hội. Và khi nghị quyết mới được thông qua, bản thân TP.HCM sẽ có được cơ chế giải quyết thoáng hơn nhà ở xã hội, như vậy sẽ đẩy nhanh pháp lý cho phân khúc này. 

* Còn việc ban hành giá đất mỗi năm một lần, theo ông có khả thi?

- Tôi cho rằng nên ban hành bảng giá đất 3 năm một lần là phù hợp. Để có bảng giá đất, các chuyên viên sở ngành và các chuyên gia mất rất nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu, thế nhưng loay hoay chưa giải quyết được gì đã hết năm. Và như vậy, các chuyên gia, sở ngành lại phải tiếp tục nghiên cứu bảng giá mới. Hơn nữa, việc liên tục thay đổi bảng giá như vậy cũng không tốt cho kế hoạch bồi thường, triển khai của các doanh nghiệp để triển khai, thực hiện dự án. 

* Xin cảm ơn ông!

Chiều 22/6/2023, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội từ năm 2015 đến hết năm 2023".

Theo Nghị quyết, Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn làm Trưởng Đoàn giám sát; Phó trưởng Đoàn thường trực là ông Vũ Hồng Thanh - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Nghị quyết của Quốc hội nêu rõ việc giám sát nhằm đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc; xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân. Rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

220620230252-z4453933133621-d7a8cd6bb868

Qua đó, đề xuất, kiến nghị nhiệm vụ, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan, nhất là sau khi Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật Đất đai (sửa đổi) được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 6.

Về nội dung giám sát, Nghị quyết Quốc hội nêu rõ đối với thị trường bất động sản, sẽ làm rõ các khó khăn, vướng mắc của các dự án bất động sản; tình hình xử lý các sai phạm trong lĩnh vực bất động sản. Làm rõ các tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế; việc tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, quy hoạch, đầu tư, nhà ở, đô thị, xây dựng, nguồn vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp…

Đối với phát triển nhà ở xã hội, đoàn giám sát sẽ giám sát chương trình, kế hoạch, các hình thức phát triển nhà ở xã hội; đối tượng và điều kiện được thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội; quỹ đất, nguồn vốn để xây dựng nhà ở xã hội; việc thực hiện dự án nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; việc xác định giá thuê, giá thuê mua, giá bán nhà ở xã hội; nguyên tắc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội; quản lý, vận hành nhà ở xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp bất động sản rất kỳ vọng về nghị quyết mới cho sự phát triển TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO