Hội thảo “Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn”
Tổng hội Y học Việt Nam vừa phối hợp với AstraZeneca tổ chức tọa đàm “Góc nhìn đa chiều trong ứng dụng tiến bộ y khoa về quản lý bệnh thận mạn”. Tọa đàm thu hút trên 50 chuyên gia y tế tham dự.
Tại Việt Nam, ước tính có hơn 10 triệu người mắc bệnh thận mạn, chiếm 10,1% dân số. Mỗi năm có 8.000 người mắc bệnh thận được phát hiện và 800.000 bện nhân cần lọc máu nhưng Việt Nam mới chỉ có 5.500 máy phục vụ 33.000 bệnh nhân.
Tử vong do bệnh thận mạn đứng thứ 8 trong số 10 nguyên nhân hàng đầu gây tử vong tại Việt Nam. Có 50% bệnh nhân chạy thận nhân tạo tử vong trong vòng 5 năm, với chi phí y tế cho điều trị lọc máu tăng gấp 3 lần chi phí quản lý bệnh thận mạn ở giai đoạn sớm.
Tại buổi toạ đàm, các thử nghiệm lâm sàng lớn được công bố trên thế giới về kiểm soát bệnh thận mạn đã được các chuyên gia đưa ra phân tích và đánh giá chi tiết, trong đó có nhóm thuốc ức chế SGLT-2i.
Nghiên cứu DAPA-CKD, một thử nghiệm lâm sàng toàn cầu khảo sát tác dụng của thuốc Dapagliflozin thuộc nhóm thuốc này trên bệnh nhân mắc bệnh thận mạn đến từ các quốc gia khác nhau trong đó có cả bệnh nhân Việt Nam, đã được công bố và cho thấy hiệu quả giảm 39% nguy cơ tiến triển của bệnh và giảm 31% nguy cơ tử vong. Hiện thuốc này đã được Bộ Y tế Việt Nam phê duyệt sử dụng cho bệnh nhân mắc bệnh thận mạn tính với chỉ định từ bác sĩ điều trị.
Chủ tịch kiêm tổng giám đốc AstraZeneca Việt Nam Nitin Kapoor cho biết, việc chẩn đoán và điều trị bệnh thận mạn từ giai đoạn sớm rất quan trọng trong điều trị. AstraZeneca Việt Nam cam kết đồng hành cùng các tổ chức y tế và chăm sóc sức khỏe nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc khám sàng lọc và can thiệp sớm đối với các bệnh này.