Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, hiện nay tình hình thế giới vẫn diễn biến khó lường, trong khi nền kinh tế trong nước vẫn có những vấn đề nội tại, phải giải quyết những vấn đề tồn đọng, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên và ứng phó với các phát sinh. Thủ tướng nhấn mạnh, chúng ta xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, chủ động hội nhập kinh tế sâu rộng, hiệu quả; trong đó phải phát triển cộng đồng doanh nghiệp lớn mạnh, đóng góp tích cực cho nền kinh tế nước nhà.
Tại hội nghị, các đại biểu cùng nhau đánh giá những mặt được, chưa được; nguyên nhân khách quan, chủ quan; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển doanh nghiệp đúng hướng, lành mạnh, bền vững; góp phần phục hồi nhanh và phát triển bền vững kinh tế - xã hội đất nước.
7 giải pháp để cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển
Thủ tướng cơ bản đồng tình với các giải pháp thời gian tới được nêu trong báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và ý kiến của các bộ, ngành, địa phương tại hội nghị, nhấn mạnh thêm một số nội dung lớn mang tính chất nền tảng để nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát triển.
Thứ nhất, tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, thúc đẩy các loại thị trường phát triển mạnh mẽ, an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai, minh bạch, như thị trường bất động sản, thị trường vốn, thị trường lao động…
Thứ ba, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính, xây dựng nền kinh tế số, Chính phủ số, xã hội số, công dân số.
Thứ tư, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm trật tự xã hội, an ninh, an toàn, an dân; đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho người dân.
Thứ năm, các bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc của tất cả loại hình doanh nghiệp, đồng thời có kế hoạch xử lý, kịp thời, hiệu quả, giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo chức năng nhiệm vụ, quyền hạn, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân các nguồn vốn đầu tư công (gồm vốn trung ương và địa phương, vốn đầu tư công trung hạn, vốn từ chương trình phục hồi và phát triển, vốn tăng thu, tiết kiệm chi), dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn vốn trong xã hội, trong đó có nguồn vốn của doanh nghiệp.
Thứ bảy, làm tốt công tác nắm tình hình, nghiên cứu, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các loại thị trường, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số…
6 nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn
Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nêu rõ các nhiệm vụ cụ thể trong ngắn hạn cần tập trung triển khai.
Nhiệm vụ thứ nhất, khẩn trương tháo gỡ các vướng mắc, rào cản về pháp lý tồn tại từ lâu chưa được giải quyết, còn cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thủ tướng lấy ví dụ, Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn về pháp lý, thủ tục đầu tư xây dựng đối với các dự án thuộc lĩnh vực quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan nghiên cứu, đẩy mạnh các giải pháp khắc phục "thẻ vàng" IUU của Liên minh châu Âu. Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, báo cáo, đề xuất các giải pháp về thuế, phí…
Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua khó khăn |
Nhiệm vụ thứ hai là tiếp tục hỗ trợ nhằm giảm thuế, phí xăng dầu, các nguyên, nhiên vật liệu đầu vào cho sản xuất kinh doanh; nghiên cứu phát triển vùng nguyên liệu thay thế nguyên liệu nhập khẩu.
Thứ ba là tiếp tục triển khai đồng bộ, hiệu quả chương trình phòng chống dịch Covid-19, đặc biệt là thần tốc hơn nữa trong tiêm chủng vaccine theo mục tiêu đã đề ra.
Thứ tư là đẩy mạnh kết nối cung - cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại cho người lao động nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường. Chính phủ đã dành một khoản ngân sách cho nhiệm vụ này trong chương trình phục hồi và phát triển; đang yêu cầu các cơ quan liên quan chuẩn bị tổ chức hội nghị về vấn đề này trong thời gian sắp tới.
Thứ năm là đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Thủ tướng khẳng định chưa bao giờ chúng ta dành nguồn lực lớn như trong nhiệm kỳ này cho phát triển hạ tầng chiến lược, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Các doanh nghiệp tham gia vào các công trình hạ tầng chiến lược cũng phải vào cuộc trên tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", chung sức, đồng lòng cùng cả nước vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay.
Thứ sáu là cải cách thể chế, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh triển khai thủ tục trực tuyến, tránh giao tiếp trực tiếp giữa người dân, doanh nghiệp và cơ quan nhà nước, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, không gây khó khăn mà tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp, chống tham nhũng, tiêu cực, thủ tục "lòng vòng", sách nhiễu, kể cả tham nhũng vặt.
3 nhiệm vụ, giải pháp trong dài hạn
Thủ tướng yêu cầu: Thứ nhất, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thực chất thủ tục hành chính; đẩy mạnh công tác xây dựng chiến lược ngành, quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội, tạo thuận lợi và niềm tin cho doanh nghiệp xây dựng định hướng đầu tư sản xuất kinh doanh dài hạn và bền vững.
Thứ hai, thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp.
Thứ ba, tăng cường hiệu quả triển khai các chính sách và nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, chủ động hội nhập quốc tế, nắm bắt và đón đầu các xu hướng kinh doanh mới, xu hướng thị trường mới.