Hội nghị “Liệu pháp kháng EGFR cải thiện cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn”
Merck Healthcare Việt Nam vừa tổ chức Hội nghị chuyên đề về liệu pháp kháng EGFR - liệu pháp nhắm trúng đích đầu tiên trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn, giúp cải thiện đáng kể kết cục cho bệnh nhân khi kết hợp với y học chính xác.
Bệnh ung thư đại trực tràng có những triệu chứng không nghiêm trọng và thường bị bỏ qua, cho đến khi được chẩn đoán ung thư thì đã ở giai đoạn muộn với tỷ lệ tử vong cao.
Tại Hội nghị các chuyên gia đã phân tích những dữ liệu cho thấy liệu pháp kháng EGFR có thể giúp cải thiện đáng kể kết cục cho bệnh nhân ung thư trực tràng di căn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng ở những bệnh nhân ung thư đại trực tràng di căn không còn khả năng phẫu thuật, cá thể hóa điều trị với liệu pháp kháng EGFR dựa trên tình trạng đột biến gen có thể giúp tăng thời gian sống trên 30 tháng. Các chuyên gia cũng nhận định, sự ra đời và phát triển của liệu pháp kháng EGFR cũng đồng thời mở ra những triển vọng tương lai trong điều trị ung thư đại trực tràng di căn.
Tuy nhiên, để lựa chọn liệu pháp nhắm trúng đích phù hợp và đạt hiệu quả cao, bệnh nhân cần được làm xét nghiệm sinh học phân tử nhằm phát hiện các đột biến gen họ RAS (KRAS và NRAS) và gen BRAF, tình trạng bất ổn định vi vệ tinh với sự hỗ trợ công nghệ NGS, kỹ thuật PCR.
Cùng ngày, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM và Công ty TNHH Merck Healthcare Việt Nam cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác trong việc nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư. Theo đó, Merck Healthcare Việt Nam sẽ đồng hành cùng Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM trong các hoạt động khoa học, nâng cao nhận thức bệnh nhân cũng như tài trợ cho các chương trình y tế liên quan.
Cụ thể, hai bên sẽ hợp tác xây dựng và triển khai các chương trình hội nghị hội thảo khoa học, cập nhật thông tin y khoa, đào tạo chuyên môn cho nhân viên y tế chuyên ngành ung bướu và hỗ trợ người bệnh theo luật và quy định hiện hành của Việt Nam cũng như các quy định của Merck. Phối hợp và đồng hành trong các chương trình giáo dục bệnh nhân và nâng cao chất lượng chăm sóc người bệnh.