TPP: Doanh nghiệp Việt cần tập trung đối phó thách thức

LÊ LOAN| 12/04/2016 00:09

Thách thức lớn nhất khi DN Việt Nam tham gia TPP là phải thấu hiểu và áp dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa phức tạp, dễ nhầm lẫn, đồng thời, cần phải có sự chuẩn bị đối với những rào cản thương mại, pháp lý

TPP: Doanh nghiệp Việt cần tập trung đối phó thách thức

Trong hội nghị với chủ đề "Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam" vừa diễn ra tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hội ngành nghề trong và ngoài nước đã có những phân tích sâu về TPP và đưa ra những khuyến cáo cần phải lưu ý ngay cả trước khi hiệp định này có hiệu lực. 

Đọc E-paper

Thông qua những nội dung liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam khi tham gia TPP, nhất là cơ hội, thách thức đối với đầu tư và thương mại, sở hữu trí tuệ và những thay đổi chính sách về lao động, gần 20 diễn giả đến các tổ chức tham gia đàm phán TPP của Việt Nam, đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các hiệp hội doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước, tham tán thương mại các nước tại Việt Nam đã có những phân tích khá chi tiết về TPP.

Theo bà Virginia Foote - Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (VBF), Chủ tịch, Giám đốc Điều hành Bay Globay Strategies (Mỹ), nền kinh tế Việt Nam rất nhỏ so với 11 nước tham gia TPP, nên Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để phát triển hơn. Điều này được minh chứng bằng việc Việt Nam đang ngày càng thu hút đầu tư của DN FDI.

Song theo nguyên tắc TPP, dù là DN đến từ quốc gia nào cũng sẽ được đối xử tương tự như DN nước sở tại trong các vấn đề về đầu tư, lao động, môi trường kinh doanh, hải quan... Bà Virginia Foote lưu ý thêm: "Một trong những điểm quan trọng Việt Nam cần lưu ý là quyền sở hữu trí tuệ - động lực tăng trưởng cho toàn thế giới với xu thế ngày càng thông minh hơn".

Trong vai trò cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA), ông Nestor Scherbey cho rằng, thách thức lớn nhất mà DN Việt Nam phải đối phó khi tham gia TPP là phải thấu hiểu và áp dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa phức tạp và dễ nhầm lẫn. Đồng thời, đối với những rào cản thương mại trong TPP và các vấn đề pháp lý, DN Việt Nam cần phải có sự chuẩn bị.

"Đến thời điểm này, TPP là hiệp định tinh vi và phức tạp nhất thế giới, với rất nhiều nội dung được liệt kê trong 5.544 trang, bản thân tôi cũng không thể nhớ hết. Do đó, TPP có hiệu lực năm 2017 hay 2018 không quan trọng, vấn đề là ngay từ bây giờ các DN phải tìm hiểu, phải thấu hiểu nó. Phải có chuyên gia để giúp DN Việt Nam áp dụng những quy tắc này sao cho thuận lợi nhất", ông Nestor Scherbey cho hay.

Theo ông Nestor Scherbey, nói thương mại tự do nhưng không hề tự do, vì DN phải làm rất nhiều việc mới hưởng sự tự do, và điều này chỉ được vận hành khi tính tuân thủ được đặt lên hàng đầu. Vì thế, ông Nestor Scherbey cho rằng, với TPP, Việt Nam nên tập trung đối phó với thách thức, đừng bàn quá nhiều về cơ hội.

Hiện Việt Nam đang phải trả mức thuế cao thứ hai sau Trung Quốc đối với hàng hóa xuất khẩu vào Mỹ do các vấn đề về bảo hộ, như bảo hộ may mặc, da giày, dệt nhuộm, thuỷ hải sản...

Tuy nhiên, cùng với thành quả được ghi nhận, Việt Nam đang là quốc gia xuất khẩu lớn vào Mỹ, điều này cũng đồng nghĩa DN Việt Nam phải đóng một lượng tiền thuế rất lớn trong thời gian qua khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường này. Theo TPP, 60% tiền thuế sẽ được cắt giảm ngay ngày đầu tiên khi hiệp định này có hiệu lực.

Tại hội nghị, các chuyên gia cho biết, để được giảm thuế, hàng hóa Việt Nam phải đáp ứng được các quy định về nguồn gốc, xuất xứ rất phức tạp. Ngay như ngành may mặc đòi hỏi phải xác định rõ ràng và kỹ lưỡng hơn về nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm.

Đại diện Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, ông Phạm Xuân Hồng phân tích: Hàng dệt may Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ TPP. Cụ thể, nếu kim ngạch xuất khẩu 30 tỷ USD/năm, thuế suất giảm từ 17% xuống 0% thì Việt Nam sẽ được lợi phần thuế trên 5 tỷ USD/năm. Nhưng thời gian qua, ngành dệt may Việt Nam gia công chiếm đến 70%. 30% còn lại đã làm FOB (tự chủ nguyên liệu), nhưng phần lớn nguyên liệu nhập từ nước ngoài, nhiều nhất là từ Trung Quốc.

"Thực tế, DN Việt Nam chưa chuẩn bị để khai thác lợi thế của TPP. Từ đây đến năm 2018, cũng có người nói còn dài, nhưng nhiều DN rất lo lắng vì trong bấy nhiêu thời gian phải làm sao để giải quyết được khâu xuất xứ hàng hoá”, ông Hồng nhấn mạnh.

Theo ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, FTA với EU và TPP là những hiệp định toàn diện, chất lượng cao, có mức độ tự do hóa rất sâu rộng, cơ chế thực thi chặt chẽ và chế tài xử phạt khi vi phạm nghiêm ngặt.

Nhưng việc cạnh tranh cũng sẽ diễn ra rất quyết liệt trên cả ba cấp độ (sản phẩm, DN và chất lượng thể chế, môi trường kinh doanh); thách thức về chất lượng nguồn nhân lực, về an ninh mạng.

Khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương, nếu sản phẩm không cạnh tranh được và nếu không bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm và phòng chống dịch bệnh thì sẽ không xâm nhập được vào thị trường các nước có FTA với Việt Nam, dù họ có đưa thuế nhập khẩu về 0%, trong khi sản phẩm của họ lại dễ dàng vào nước ta.

Điều này sẽ kéo theo một bộ phận người lao động Việt Nam mất việc làm, tạo sức ép về mặt xã hội. Song, tác động tích hợp của các hiệp định theo hướng tích cực còn lớn hơn, nhưng cơ hội không tự nó biến thành lợi ích, không tự nó biến thành sức mạnh trên thị trường mà phải thông qua chủ thể là Nhà nước và DN".

>TPP: Ngành dệt may, da giày cần tận dụng lợi thế từ công trình xanh

>TPP tác động ra sao đến ngành dệt may Việt Nam?

> 5 vấn đề cốt lõi trong Hiệp định TPP

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TPP: Doanh nghiệp Việt cần tập trung đối phó thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO