Phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân

NGUYỄN PHƯƠNG THANH - Cục Công tác phía Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông| 26/04/2016 04:19

Sau 41 năm, người dân Việt Nam, bằng lá phiếu của mình sẽ được phát huy cao nhất quyền làm chủ để chọn ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân

Nhiều đổi mới trong Luật Bầu cử 2015 và thực tiễn triển khai hoạt động hiệp thương lựa chọn người ứng cử vừa qua cho thấy, sau 41 năm, người dân Việt Nam, bằng lá phiếu của mình sẽ được phát huy cao nhất quyền làm chủ để chọn ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. 

Đọc E-paper

Trong không khí chào mừng kỷ niệm 41 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2016), cả nước cũng bước vào đợt sinh hoạt chính trị lớn, đó là chuẩn bị cho việc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 vào ngày 22/5 tới đây.

Chặt chẽ, công bằng, minh bạch

Ông Nguyễn Văn Pha - Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đánh giá, công tác hiệp thương lựa chọn người ứng cử ở trung ương và địa phương thời gian qua được thực hiện rất chặt chẽ qua 5 bước và 3 lần hiệp thương:

Bước 1, hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc các cấp thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thường trực HĐND.

Bước 2, các cơ quan, tổ chức được Mặt trận phân bổ sẽ giới thiệu người ứng cử.

Bước 3, tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ những người ứng cử.

Bước 4, danh sách ứng cử sơ bộ được lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử. Bước 5, hiệp thương để chọn ra danh sách ứng cử chính thức.

Theo ông Pha, một trong những điểm mới của hoạt động bầu cử là nhấn mạnh vai trò quan trọng của việc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú. Luật quy định nơi nào dưới 100 người thì phải đảm bảo 50 người trở lên, nơi nào trên 100 người thì phải đảm bảo 55 người trở lên đến dự hội nghị cử tri để đánh giá người ứng cử. Nếu người nào có tín nhiệm cử tri nơi cư trú dưới 50% thì nguy cơ bị loại khỏi danh sách chính thức là rất cao.

"Nhiều người cho rằng chỉ căn cứ vào ý kiến của số ít cử tri nơi cư trú để loại người ứng cử là chưa hợp lý. Tuy nhiên, phải căn cứ vào tiêu chuẩn của ĐBQH, đại biểu HĐND quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, trong đó đều có chung một tiêu chí là phải liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân và được nhân dân tín nhiệm. Một khi cá nhân đã không có uy tín tại nơi sinh sống thì cũng không thể đại diện cho một phường, một huyện, một tỉnh hoặc thậm chí một quốc gia", ông Pha nhấn mạnh.

Mặt khác, luật quy định số người được giới thiệu ứng cử luôn luôn nhiều hơn số đại biểu được bầu, để đảm bảo ở mỗi đơn vị được bầu đều có số dư cho cử tri lựa chọn, tránh tình trạng bầu tròn. Với quy định này, cử tri được phát huy quyền lựa chọn của mình.

So với Luật Bầu cử trước đây, hồ sơ ứng cử ĐBQH và đại biểu HĐND có bổ sung thêm bản kê khai tài sản giúp cơ quan, tổ chức có thẩm quyền biết được tài sản, thu nhập của các ứng cử viên trước khi tham gia ứng cử, nhằm phục vụ công tác quản lý cán bộ, góp phần phòng ngừa, ngăn chặn hành vi tham nhũng và có cơ sở để giải thích với cử tri khi cử tri có yêu cầu.

Việc biểu quyết lựa chọn người ứng cử cũng đảm bảo dân chủ, vì cho phép có hai hình thức: nếu đồng thuận cao thì biểu quyết bằng giơ tay, nếu có vấn đề thì được bỏ phiếu kín.

Theo ông Pha, tất cả hội nghị hiệp thương của Mặt trận các cấp để giới thiệu người ứng cử cho đến nay vẫn chưa có khiếu nại nào về vi phạm pháp luật hoặc mất dân chủ.

Phát huy vai trò phụ nữ, quyền làm chủ của dân

Ông Ngô Trung Thành - Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, cho biết, một điểm mới của Luật Bầu cử 2015 là quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định ngày bầu cử toàn quốc, quyết định việc bầu ĐBQH bổ sung trong thời gian giữa nhiệm kỳ, quyết định thành lập Hội đồng Bầu cử Quốc gia. Như vậy, thay vì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội như trước, luật mới đã trao quyền cho Quốc hội, nhằm tăng cường trách nhiệm của cơ quan quyền lực do dân cử.

Đặc biệt, luật lần này rất chú trọng đến vai trò của phụ nữ khi quy định danh sách chính thức những người ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND phải đạt tối thiểu 35% là phụ nữ.

"Đáng mừng là danh sách người ứng cử hiện nay có đến 344 phụ nữ, chiếm tỷ lệ 39%, trong đó, tỷ lệ phụ nữ ứng cử ở khối địa phương lên đến 46,19%, vượt khá xa con số tối thiểu. Trong lịch sử theo dõi bầu cử, tôi chưa bao giờ thấy có đông đảo phụ nữ tham gia ứng cử như kỳ này. Trước đây, Quốc hội Khóa XIII chỉ có 262 người ứng cử là phụ nữ (chiếm khoảng 31%). Trong một số đề án do Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng, chúng tôi đều đặt chỉ tiêu phấn đấu đạt tỷ lệ phụ nữ trúng cử là 30%, hoặc táo bạo hơn là 35% trở lên. Muốn như vậy, tỷ lệ tham gia ứng cử phải vượt con số này", ông Nguyễn Văn Pha cho biết.

Hiện nay, luật không quy định cơ quan, tổ chức phải giới thiệu người đứng đầu tham gia ứng cử. Tuy nhiên, nhiều cơ quan trung ương, nhất là các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ đa phần giới thiệu người đứng đầu, chủ yếu là nam, điều này thiệt thòi cho nhiều cấp phó là phụ nữ có năng lực, đạo đức tốt. Ông Pha cho rằng, các tổ chức, đơn vị cần lưu ý điều này để tránh tình trạng như hiện nay đại biểu khối trung ương rất ít phụ nữ.

Ông Phan Trung Tuấn - Phó vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ, cho rằng, một trong những điểm thể hiện rõ sự dân chủ, công khai là báo chí được tham gia đưa tin, tuyên truyền mọi hoạt động của quá trình bầu cử, kể cả tham gia chứng kiến việc kiểm phiếu, nhằm làm cầu nối giúp người dân thực hiện quyền giám sát, quyền làm chủ.

>Giới thiệu ứng cử viên đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân TP.HCM

>Lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh: Kịp thời lắng nghe ý kiến doanh nghiệp, tư duy nhanh, giải quyết gọn

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phát huy cao nhất quyền làm chủ của người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO