Nghĩ về hàng hóa “made in Vietnam”

Nguyễn Minh Tuấn| 15/02/2020 02:50

Với tư cách một người tiêu dùng Việt Nam, tôi thật vui khi có nhiều người nước ngoài chọn sản phẩm "made in Vietnam".

Nghĩ về hàng hóa “made in Vietnam”

Sài Gòn, 27 tháng Chạp, lượng người đến siêu thị thật đông đúc. Hầu như ai cũng tranh thủ thời điểm này, ngoài lựa chọn nhu yếu phẩm hoặc quà biếu, còn được trải nghiệm chương trình khuyến mãi những ngày giáp Tết. Tôi chọn đến Co.op Extra - một đại siêu thị trong lòng Trung tâm Thương mại SC Vivo City để mua sắm.

Đang mải mê với những món hàng đẹp mắt bày biện trên kệ, thì có một vị khách Tây hỏi tôi chỗ để sản phẩm này. Thì ra ông ấy để ý đến chai nước rửa chén Mỹ Hảo trên tay tôi. Sau khi chào hỏi xã giao, tôi dẫn vị khách Tây đến kệ trưng bày sản phẩm của Công ty TNHH Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo. Với tư cách người tiêu dùng Việt Nam, tôi thật vui khi có người nước ngoài chọn sản phẩm "made in Vietnam".

Phải công nhận những năm gần đây, thói quen tiêu dùng hàng hóa do doanh nghiệp (DN) trong nước sản xuất có chuyển biến tích cực, nhất là trong cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đã qua rồi cái thời mà trên kệ các siêu thị trưng bày chủ yếu hàng hóa làm tại Thái Lan, Indonesia, Pháp, Anh hoặc Mỹ... Hiện nay, các siêu thị của DN Việt Nam như Co.opmart, SATRA, siêu thị của DN FDI như Big C, MM Maga Market, Aeon, Lotte và các cửa hàng tiện lợi, tỷ trọng hàng Việt chiếm 80-90%. Đạt được kết quả ấy là do sự tin tưởng lựa chọn tiêu dùng không chỉ của người Việt Nam, mà có cả người nước ngoài lưu trú ở nước ta.

Dù thói quen mua hàng nội chuyển biến tích cực, nhưng hàng hóa do DN trong nước sản xuất không phải loại nào cũng có chất lượng cao, mẫu mã, bao bì hấp dẫn, nên vẫn có một bộ phận khách hàng ưa hàng ngoại. 

Vì thế, ngoài đầu tư cơ sở hạ tầng, dây chuyền sản xuất hiện đại, người tiêu dùng rất mong nhà sản xuất chủ động thay đổi mẫu mã ngày càng bắt mắt, thân thiện với môi trường. Cam kết sản phẩm sản xuất ra, dù giá cả cạnh tranh vẫn bảo đảm được chất lượng, phải hiểu triết lý bán cái khách hàng cần chứ không phải bán cái mình đang có, tránh chụp giật vì những lợi ích trước mắt mà quên đi cuộc đua với hàng hóa ngoại nhập là cuộc đua lâu dài.

Khảo sát thị trường và hậu mãi là một trong những công việc quan trọng của nhà sản xuất và nhà phân phối. Song song với chương trình ưu đãi về giá, tặng hàng mẫu hoặc voucher, việc đa dạng hóa phương thức thanh toán hiện nay cũng quan trọng không kém. Ngoài tiền mặt thì phiếu mua hàng, thẻ ngân hàng, đến e-voucher, got it, gần đây có thêm ví điện tử như MoMo, Viettel Pay, Zalo Pay cũng rất tiện ích, vừa được tích điểm, vừa được hoàn tiền, nhanh chóng, tiện lợi và an toàn.

Thuế, phí, với Nhà nước là nguồn thu quan trọng nhất, với DN và người tiêu dùng đó là nghĩa vụ. Nếu Nhà nước thu thuế, phí hợp lý sẽ là động lực thúc đẩy DN trong nước sản xuất ngày càng nhiều hàng hóa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng, ngược lại sẽ là rào cản. Công tác kiểm định hàng Việt trước hết phải thể hiện bằng văn bản rõ ràng, sau kiểm định phải công bố ngay chất lượng. Nếu hàng Việt đạt chất lượng cao, mẫu mã, bao bì đẹp thì đủ sức cạnh tranh với hàng nước ngoài.

Những năm trước, tôi còn lưỡng lự trong việc chọn mua hàng Việt Nam, nhưng hiện giờ, khi một bà Tây hỏi tôi rằng mua sản phẩm nước nào sản xuất, tôi sẽ không ngần ngại chỉ ngay lên kệ và nói “made in Vietnam” bằng sự tôn trọng, bằng niềm tự hào!

Sự chia sẻ của người tiêu dùng với hàng Việt tác động tích cực đến sản xuất và ảnh hưởng trực tiếp trở lại người tiêu dùng, cũng giống như nước bốc hơi ngưng tụ tạo thành mưa, khép kín một chu trình. Muốn nâng hàng nội lên tầm cao mới, không chỉ nhà sản xuất cố gắng, mà cần lắm những đóng góp chân thành của khách hàng.

Tôi nghĩ, với sự cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, có nhiều DN thành công, nhưng cũng có DN “chùng xuống”. Hàng Việt Nam, thương hiệu Việt Nam cũng vậy, giữa mảnh đất màu mỡ của thị trường tiêu dùng, nhà sản xuất phải luôn học hỏi, luôn tìm thị phần phù hợp để tồn tại và phát triển.

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Nghĩ về hàng hóa “made in Vietnam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO