Ngành gỗ Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng ở thị trường EU

MAI PHƯƠNG - PHẠM THỦY| 20/06/2017 06:53

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được doanh nghiệp (DN) thực hiện ở thị trường EU thời gian gần đây đã dẫn đến dự báo ngành đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2017.

Ngành gỗ Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng ở thị trường EU

Nhiều hoạt động xúc tiến thương mại được doanh nghiệp (DN) thực hiện ở thị trường EU thời gian gần đây đã dẫn đến dự báo ngành đồ gỗ và hàng thủ công mỹ nghệ sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2017.  

Đọc E-paper

Cục Xúc tiến thương mại Bộ Công Thương vừa phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA) tổ chức Hội thảo Đẩy mạnh xuất khẩu đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ vào thị trường châu Âu. Chương trình nằm trong khuôn khổ hỗ trợ DN gỗ tìm hiểu, nắm bắt nhiều hơn thông tin thị trường Liên minh châu Âu (EU).

Chia sẻ tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, thị trường EU vốn là một trong những thị trường lớn của ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ của Việt Nam. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu gỗ và đồ gỗ sang EU đạt 741,8 triệu USD trong năm 2016, đứng thứ 4 sau Hoa Kỳ, Nhật Bản và Trung Quốc. Châu Âu cũng là thị trường lớn tiêu thụ hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam, trong đó kim ngạch xuất khẩu mặt hàng mây tre lá vào thị trường này đạt 95,18 triệu USD và là thị trường lớn nhất, chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu năm 2016 của ngành.

Các DN ngành gỗ Việt Nam đang kỳ vọng xuất khẩu vào EU khả quan hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) được thực thi. Việt Nam đang xuất khẩu sang EU nhiều nhất là đồ gỗ ngoại thất, giường gỗ, ghế gỗ, hầu hết đều được hưởng ưu đãi thuế 0%. Theo lộ trình giảm thuế của EVFTA, trong 7 năm tới, tất cả đồ gỗ của Việt Nam xuất vào EU sẽ được hưởng thuế suất bằng 0.

EU đang cung cấp gỗ tròn, gỗ ép, gỗ nội thất lớn nhất cho thị trường Việt Nam. Như vậy, điều kiện để được hưởng thuế quan theo EVFTA có thể đáp ứng được theo hướng nhập khẩu nguyên liệu và sản xuất đồ gỗ rồi xuất sang EU và các thị trường khác. DN gỗ Việt Nam còn được mua thiết bị công nghệ cao của EU với thuế suất 0% để sản xuất đồ gỗ có chất lượng cao.

Việt Nam phải đảm bảo chất lượng đồ gỗ và tuân thủ quy trình truy xuất xuất xứ gỗ nguyên liệu mới cạnh tranh được với Nga, một số nước châu Phi đã có hiệp định tự do thương mại với EU.

Phân tích vấn đề trên, bà Bùi Thị Việt Anh - đại diện Viện Chính sách phát triển nông nghiệp - nông thôn chia sẻ, đối với nguồn gốc xuất xứ gỗ nguyên liệu, EU quy định khá phức tạp. Cụ thể, nếu như cây cho gỗ trồng ở Việt Nam hay EU sẽ được xác nhận nguồn gốc xuất xứ. Thế nhưng hiện nay, phần lớn gỗ nguyên liệu lại được Việt Nam nhập từ Lào, Campuchia, Trung Quốc nên mức độ rủi ro tương đối cao.

Do đó, để đảm bảo an toàn trong kinh doanh, DN phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ gỗ. Để làm được điều này, DN gỗ phải lưu giữ đầy đủ các chứng từ nhập khẩu từ một năm trở lên, phải đảm bảo việc nhập khẩu gỗ từ nguồn có uy tín, đồng nghĩa phải chấp nhận việc gia tăng chi phí cho sản phẩm. Đáng quan tâm nữa là hiện nay cây cho gỗ trong nước phần lớn được trồng phân tán theo hộ gia đình nên tỷ lệ cấp chứng chỉ FSC (chứng nhận về quản lý rừng) vẫn quá thấp nên truy xuất nguồn gốc sẽ rất khó.

EU vẫn áp dụng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn đối với đồ gỗ nên hàng hóa sẽ bị trả lại nếu bao bì không đảm bảo vệ sinh, bề mặt đồ gỗ bị nhiễm khuẩn. Không những vậy, bà Bùi Thị Việt Anh còn cho biết, một số công đoạn trong khâu sản xuất phải thực hiện ở nước thành viên của EVFTA, nhưng công đoạn bào, chà nhám phải sản xuất ở Việt Nam hoặc các nước EU thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan.

Đồng thời, tổng giá trị nguyên liệu không vượt quá 7% giá trị đồ gỗ xuất xưởng. Tiếp đó, sản phẩm xuất khẩu phải có mã HS (mã phân loại hàng hóa) đúng theo biểu của EVFTA thì mới được hưởng ưu đãi thuế quan. Bên cạnh đó, việc kỳ vọng vào bảo hộ nhà nước thông qua hàng rào kỹ thuật hầu như chưa có.

Phía HAWA cho rằng, lâu nay đồ gỗ Việt Nam chỉ mới ở bước gia công nên chưa có thương hiệu, khâu thiết kế còn yếu, không nắm được xu hướng tiêu dùng của người châu Âu. Trong khi đó, người tiêu dùng EU tìm kiếm đồ gỗ theo nét khác biệt, sản phẩm phải có hồn, đa dạng về màu sắc để thể hiện cá tính.

Điều này phần nào lý giải nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ của Việt Nam sang EU vẫn chưa nhiều trong khi hằng năm EU có nhu cầu nhập khẩu đến vài chục tỷ USD đồ gỗ. Hy vọng EVFTA sẽ giúp mở rộng thị trường xuất khẩu đồ gỗ sang cả 28 nước thành viên EU thay vì chỉ tập trung vào một số nước như Anh, Pháp, Đức, Italy, Tây Ban Nha.

Đồng tình với các phân tích trên, bà Miriam Garcia-Ferrer - đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng, châu Âu cũng như các thị trường Nhật Bản, Úc, có yêu cầu khá khắc khe về chất lượng, mẫu mã đồ gỗ. Do để, để đặt được kỳ vọng nâng kim ngạch xuất khẩu vào thị trường EU, DN ngành gỗ và thủ công mỹ nghệ Việt Nam nên lưu ý vấn đề này.

>>Doanh nghiệp ngành gỗ: Muốn phát triển, phải hợp tác

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng ở thị trường EU
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO