Ngành gỗ cam kết hành động thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững

TM| 10/11/2020 03:44

Các hiệp hội ngành gỗ trong cả nước đồng lòng nhất trí ký cam kết cùng thúc đẩy sự phát triển của ngành gỗ theo hướng bền vững. Một trong những hành động cụ thể hóa cam kết này là sự ra đời của Qũy “Việt Nam xanh” với sứ mang xây dựng hình ảnh nhân văn của ngành kinh tế chế biến gỗ, gắn sự phát triển của ngành với lợi ích và phát triển của cộng đồng.

Ngành gỗ cam kết hành động thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững

Ngày 9/11/2020, chương trình gặp gỡ “Ngành gỗ vì một Việt Nam xanh” tại GEM Center (TP.HCM) đã diễn ra với sự tham dự của đại diện các hiệp hội gỗ trong cả nước: Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST), Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM (HAWA), Hiệp hội Chế biến gỗ tỉnh Bình Dương (BIFA), Hiệp hội Gỗ và Thủ công mỹ nghệ Đồng Nai (DOWA), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định (FPA BINH DINH), Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Thanh Hóa (THVIFORES), Chi hội Gỗ dán, Chi hội Dăm gỗ. 

Hiệp hội VIFOREST, HAWA, FPA Bình Định, BIFA, DOWA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh Hóa cùng ký cam kết thúc đẩy phát triển ngành gỗ Việt Nam theo hướng có trách nhiệm và bền vững trong tương lai. Các cam kết thể hiện trách nhiệm của ngành với sự phát triển của ngành và với cộng đồng bao gồm:

-Tuân thủ nghiêm pháp luật của Nhà nước để đảm bảo toàn bộ các hoạt động trong các khâu nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, vận chuyển, mua bán, chế biến gỗ là hợp pháp. Các hiệp hội ủng hộ Chính phủ Việt Nam trong việc tăng cường kiểm tra, giám sát nguồn gỗ nhập khẩu, đặc biệt là gỗ nhiệt đới từ các nước lân cận và từ châu Phi, được nhập khẩu vào Việt Nam từ các khu vực địa lý rủi ro và loài rủi ro, bao gồm cả các loài nằm trong danh mục CITES.

-Yêu cầu tất cả thành viên của các hiệp hội tuân thủ nghiêm ngặt tinh thần của Nghị định VNTLAS; tuyệt đối không sử dụng gỗ nhiệt đới, đặc biệt từ nguồn châu Phi, Lào và Campuchia để làm các sản phẩm xuất khẩu. Các hiệp hội kêu gọi các doanh nghiệp thành viên sử dụng gỗ rừng trồng trong nước, sản phẩm làm từ gỗ rừng trồng, gỗ nhập khẩu từ vùng địa lý tích cực và loài không rủi ro.   

-Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa theo hướng sử dụng gỗ có trách nhiệm, minh bạch thông tin chuỗi cung, chuyển đổi nguồn gỗ nguyên liệu đầu vào là gỗ nhiệt đới nhập khẩu sang gỗ rừng trồng.  

-Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng nhằm phát hiện, ngăn chặn và loại bỏ các hành vi gian lận thương mại và đầu tư trong ngành. 

Để triển khai các nội dung trong cam kết này, mỗi hiệp hội sẽ tiến hành xây dựng chương trình hành động, theo lộ trình và bố trí đủ nguồn lực để thực hiện hiệu quả.

Ngành chế biến gỗ xuất khẩu Việt Nam đã trở thành một ngành quan trọng không chỉ về kinh tế mà còn về khía cạnh xã hội và môi trường từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, cách nhìn chung của cộng đồng về ngành chưa tương hợp, khi cho rằng sự phát triển của ngành gắn liền với suy giảm trữ lượng rừng, gây nhiều hệ lụy về môi trường lẫn xã hội, là nguyên nhân chủ yếu của những biến cố thiên tai, lũ lụt nặng nề vừa qua.

Thực tế, cách hiểu này không còn đúng. Từ lâu nay, ngành gỗ Việt Nam đã quen với việc sử dụng gỗ nguyên liệu được khai thác từ rừng trồng để đưa vào sản xuất, chế biến xuất khẩu. Điều này phù hợp với sự phát triển của diện tích rừng trồng trong cả nước, ngành gỗ thừa hưởng được thành quả từ các chương trình 327 phủ xanh đất trống đồi núi trọc từ năm 1994. Việt Nam đã đóng cửa rừng từ tự nhiên năm 1994. Theo công bố mới nhất về hiện trạng rừng toàn quốc của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Quyết định 1423/QĐ-BNN-TCLN ngày 15/4/2020), Việt Nam hiện có 14,6 triệu hecta rừng, trong đó bao gồm khoảng 10,3 triệu hecta rừng tự nhiên và 4,3 triệu hecta rừng trồng. Tỷ lệ che phủ gần 42%. Các diện tích này hiện tại đang được quản lý bởi 7 nhóm chủ rừng khác nhau, bao gồm ban quản lý rừng đặc dụng (2,15 triệu hecta), ban quản lý rừng phòng hộ (3,1 triệu hecta), hộ gia đình (3 triệu hecta), UBND xã (gần 3 triệu hecta), tổ chức kinh tế (1,76 triệu hecta) và một số đơn vị khác. 

Trữ lượng gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước hằng năm ước đạt trên 35 triệu mét khối. Nhu cầu nguyên liệu đã thúc đẩy diện tích rừng trồng tăng giúp cho độ che phủ rừng tăng theo, hoàn thiện chuỗi cung ngành lâm nghiệp, tạo ra công ăn việc làm thay đổi đời sống các hộ trồng rừng, tác động tích cực đến môi trường và xã hội. 

Việc sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu rừng trồng cũng phù hợp với nhu cầu và xu hướng tại các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Đây hầu hết là các thị trường có quy định ngặt nghèo về nguồn gốc gỗ, tính hợp pháp của gỗ. Người tiêu dùng tại các thị trường này không chấp nhận các sản phẩm gỗ có nguồn gốc từ rừng tự nhiên, đặc biệt là các loài gỗ nhiệt đới, gỗ quý. Các doanh nghiệp ngành gỗ Việt Nam nhận thức được rõ các quy định cũng như thị hiếu tiêu dùng tại các thị trường này, và đã chấp hành nghiêm túc các quy định và yêu cầu này. Bên cạnh đó, ngành gỗ Việt Nam cũng sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu từ các nước Mỹ, châu Âu, Úc, Canada, NewZeland… Đây hầu hết là các nước có nền lâm nghiệp phát triển, rừng được trồng, quản lý và khai thác bền vững. 

Từ thực tế trên cho thấy cách nghĩ sự phát triển của ngành gỗ gắn liền với thiên tai, mất rừng, phá hủy nguồn đa dạng sinh học... cần phải được thay đổi. 

Quỹ “Việt Nam xanh” được thành lập bởi các hiệp hội ngành gỗ: VIFOREST, HAWA, FPA Bình Định, BIFA, DOWA, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản tỉnh Thanh hóa; Chi hội Gỗ Dán và Chi hội Dăm gỗ. 

Mục tiêu của quỹ là thay đổi nhận thức xã hội về ngành theo hướng bền vững về xã hội, môi trường và kinh tế, thể hiện trách nhiệm và cam kết của cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội. 

Các mảng hoạt động ưu tiên của quỹ bao gồm các dự án trồng rừng, bảo vệ rừng, bảo vệ đa dạng nguồn tài nguyên sinh học. Thông qua đó, quỹ sẽ hỗ trợ các hoạt động phát triển sinh kế cho các tổ chức, cá nhân trực tiếp tham gia bảo vệ rừng.  

Quỹ “Việt Nam xanh” sẽ thúc đẩy các kết nối giữa các hộ sản xuất đồ gỗ tại các làng nghề gỗ và các doanh nghiệp trong ngành, mở rộng thị trường, thúc đẩy việc chuyển đổi các loại gỗ nguyên liệu từ các loại gỗ quý nhập khẩu sang các loại gỗ rừng trồng, sản phẩm gỗ rừng trồng và gỗ nhập khẩu từ các nguồn rủi ro thấp. Thông qua đó truyền thông để thay đổi nhận thức và thói quen của cộng đồng về sử dụng gỗ hợp pháp và bền vững. 

Sau thành lập, quỹ sẽ tiến hành các hoạt động và sẽ được ra mắt chính thức trong sự kiện lễ kỷ niệm 75 thành lập ngành lâm nghiệp được tổ chức tại Nghệ An vào ngày 1/12/2020.

Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ, các hiệp hội cùng chung tay hướng đến mục tiêu một ngành gỗ có trách nhiệm, với các hoạt động sản xuất và thương mại hợp pháp, bền vững về mặt lợi ích kinh tế, môi trường và xã hội, thúc đẩy một ngành lâm nghiệp bền vững tại Việt Nam, bảo vệ các diện tích rừng tự nhiên, tăng độ che phủ rừng, mở rộng diện tích rừng có chứng chỉ.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Ngành gỗ cam kết hành động thúc đẩy phát triển theo hướng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO