Năm 2016: Phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của hiệp hội

MAI PHƯƠNG| 29/12/2016 09:38

Nếu năm 2015 được xem là năm thành công lớn của Chính phủ trong việc hoàn tất đàm phán các FTA thế hệ mới, thì năm 2016 được xem là năm bản lề ghi nhận sự đột phá về vai trò của hội trong công tác hỗ trợ DN.

Năm 2016: Phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của hiệp hội

Song hành cùng rất nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết với các nước trong khu vực ASEAN và toàn cầu là những động thái và sự chuẩn bị của các hiệp hội ngành nghề, câu lạc bộ doanh nghiệp (gọi tắt là hội) trong công tác hỗ trợ doanh nghiệp (DN). 

Đọc E-paper

Nếu như năm 2015 được xem là năm thành công lớn của Chính phủ trong việc cùng các đối tác hoàn tất đàm phán các FTA thế hệ mới, thì năm 2016 được xem là năm bản lề ghi nhận sự đột phá về vai trò của hội trong công tác hỗ trợ DN.

Cụ thể, trong rất nhiều chương trình hội thảo, sự kiện liên quan đến các FTA do các bộ, ngành tổ chức trong năm 2016 đều có phần nội dung nhấn mạnh vai trò của hội.

Còn nhớ, tháng 12/2015, tại Hội nghị Hội đồng Trung ương các hiệp hội doanh nghiệp, giao ban hiệp hội doanh nghiệp năm 2015, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) từng đề nghị các hiệp hội DN cần phát huy hơn nữa vai trò của mình trong quá trình hội nhập.

Mặc dù từng ghi nhận các hội đã có nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng DN, nhưng theo nhận định thực tế về hoạt động hội, ông Lộc vẫn cho rằng các hội hoạt động chưa “đều tay” nên chưa tạo được tiếng nói mạnh mẽ với cộng đồng kinh doanh. Chính vì điều này mà lãnh đạo VCCI đã yêu cầu các hội xem Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ là “phương châm hoạt động” của mình trong việc góp ý cho các thể chế cũng như tham gia vào việc liên kết các DN và hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN.

Song song đó, người đứng đầu VCCI cũng nhận định năm 2016 sẽ là năm có nhiều khó khăn đối với DN. Chi phí về tiền lương, về bảo hiểm xã hội, lãi suất tăng cao cũng được xem là gánh nặng của DN.

Để cải thiện tình hình, phía VCCI đã chính thức phát động năm 2016 là năm DN hội nhập. Theo đó, các vấn đề về FTA, TPP liên tiếp được bàn luận, phân tích tại rất nhiều hội nghị, sự kiện trong năm 2016. Bên cạnh những lợi ích sẽ có những khó khăn, thách thức... là những gì mà các chuyên gia kinh tế khuyến cáo khối DN, đặc biệt là khối DN tư nhân.

>>Chủ tịch nước: Hiệp hội phải "sát sườn" với doanh nghiệp

Cụ thể, tại Hội nghị với chủ đề Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương: Cơ hội và thách thức trong kinh doanh tại Việt Nam diễn ra tại TP.HCM trong năm 2016, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo các hội ngành nghề trong và ngoài nước đã có những phân tích sâu về TPP, FTA và đưa ra những khuyến cáo DN cần lưu ý.

Thời điểm đó, trong vai trò cố vấn cấp cao Liên minh Thuận lợi hóa thương mại Việt Nam (VTFA), ông Nestor Scherbey cùng các chuyên gia kinh tế đến từ các nước cho rằng, thách thức lớn nhất DN Việt Nam phải đối phó khi tham gia TPP hay các FTA là phải thấu hiểu và áp dụng các quy tắc xuất xứ hàng hóa. Bên cạnh đó, DN Việt Nam phải có sự chuẩn bị kỹ về vấn đề pháp lý, rào cản thương mại để luôn ở thế chủ động trong các vấn đề liên quan đến tranh chấp thương mại...

Không chỉ có các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước, rất nhiều hội đầu ngành như: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, Hiệp hội Dệt May Việt Nam, Hiệp hội Da Giày - Túi xách Việt Nam, Hiệp hội Điều Việt Nam, Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Hiệp hội Rau quả Việt Nam... đã có những động thái hỗ trợ DN hội viên.

Tuy nhiên, sự nỗ lực hỗ trợ DN chỉ mới đột phá ở các hội lớn, các hội có tầm ảnh hưởng rộng, liên quan đến ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hoặc trên địa bàn khu vực trong nước.

Theo nhìn nhận của đại diện Hội Dệt May Thêu Đan TP.HCM, đối với ngành dệt may, dù Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa hội nhập nhưng thực tế, nhiều DN Việt Nam chưa chuẩn bị để hội nhập.

Còn nói về mặt hàng rau củ quả, ông Huỳnh Quang Đấu - Phó chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam cũng đã từng lo lắng khu vực nông nghiệp, nông thôn sẽ dễ bị tổn thương nếu sản phẩm đầu ra không cạnh tranh được với hàng hóa các nước. Hoặc sản phẩm không đáp ứng tiêu chí về chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh... thì cũng sẽ không được thị trường các nước nhập khẩu dù thuế nhập khẩu vào thị trường các quốc gia đó có giảm đến 0%. Điều này sẽ dẫn đến hệ lụy được mùa mất giá, hay mất mùa thì cây trồng cũng bị đốn bỏ..., làm mất cân đối trong phát triển nông nghiệp.

Trước những khó khăn về nội lực của DN, trong năm 2016, nhiều hội có quy mô địa phương đến hội có tầm vóc quốc gia đều đã xây dựng chương trình hỗ trợ DN như: hỗ trợ vốn, trao đổi, mua bán sản phẩm của nhau, hợp tác cùng xuất khẩu hàng hóa...

Bên cạnh đó, rất nhiều DN đầu ngành cũng đã chủ động nâng cấp, hoàn thiện hệ thống sản xuất, quy trình quản lý, thay đổi mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đây, các DN lớn cũng hỗ trợ các DN nhỏ theo các chương trình mà các hội khuyến khích hội viên trong hội.

Dù các hội đã có những thay đổi sơ bộ trong vấn đề hỗ trợ, song hành cùng những khó khăn của DN, cũng kịp thời kiến nghị đến các sở, ngành, cấp Trung ương tìm hướng giải quyết cho DN, nhưng vấn đề mà các chuyên gia kinh tế đặt ra là làm gì để nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN trong nước, đặc biệt là DN khối tư nhân, là bài toán mà các nhà chức trách cần sớm có lời giải.

Theo phân tích chung, thách thức lớn nhất Việt Nam phải vượt qua là tăng năng suất lao động, vì nếu chỉ dựa vào lao động giá rẻ để tăng trưởng kinh tế thì không đạt được sự bền vững.

Chính vì điều này, vai trò của hội cần được phát huy hơn nữa trong năm 2017, bám sát hơn các chủ trương, chính sách, chỉ thị từ Chính phủ, các bộ, thành phố để kịp thời phổ biến và kiến nghị nếu chính sách chưa thực sự tạo điều kiện thông thoáng cho DN trong các năm tới.

>>Cộng đồng doanh nghiệp: Muốn phát triển, phải liên kết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Năm 2016: Phát huy vai trò hỗ trợ doanh nghiệp của hiệp hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO