Hàng Việt về nông thôn dịp Tết: Lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp

Trương Thanh Liêm| 07/02/2020 02:18

Từ nhiều năm nay, cứ đến dịp Tết Nguyên đán, nhiều doanh nghiệp tăng cường việc đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa và miền núi. Đây là cách làm rất hiệu quả bởi mang lại nhiều lợi ích cùng lúc cho nhiều bên.

Hàng Việt về nông thôn dịp Tết: Lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp

Về phía doanh nghiệp, đây là cơ hội giới thiệu, quảng bá, bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng, không qua đơn vị trung gian nên giá thành thấp. Ở chiều ngược lại, người tiêu dùng tiếp cận được nhiều sản phẩm mới, giá thành phù hợp, không phải mất thời gian đi mua sắm xa.

Về chất lượng và xuất xứ sản phẩm, người tiêu dùng hoàn toàn yên tâm bởi đều có nguồn gốc rõ ràng, có địa chỉ cụ thể để cần thì liên hệ, góp ý. Đây chính là yếu tố để người tiêu dùng an tâm sử dụng hàng Việt chất lượng cao.

Nhiều người tiêu dùng thẳng thắn cho rằng, sẵn sàng ủng hộ hàng Việt bởi đó còn là trách nhiệm của người dân yêu nước, nhưng trên thực tế đã có nhiều sản phẩm chất lượng kém, hàng giả, hàng nhái làm lòng tin suy giảm, dẫn đến sự hoài nghi. Vì vậy, những phiên hàng Việt chất lượng cao sẽ là biện pháp lấy lại lòng tin của người tiêu dùng hiệu quả nhất, bền vững nhất. Những phiên hàng Việt về nông thôn ngày Tết đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của bà con nông dân, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận đặc sản vùng miền, có thêm hiểu biết về các loại hàng Việt. Nhiều doanh nghiệp còn tổ chức từ thiện, như tặng quà cho người nghèo, tặng nhà tình thương cho người thiếu chỗ ở, tặng xe đạp, dụng cụ học tập cho học sinh... Đó là những hoạt động nhân đạo rất có ý nghĩa, góp phần tạo thêm lòng tin, sự tín nhiệm của khách hàng đối với doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thời gian tổ chức các phiên chợ như vừa nêu là quá ngắn (kéo dài lắm cũng chỉ vài ngày) nên người tiêu dùng bị động về tài chính. Nhiều mặt hàng tuy có tiếng là bán giá gốc, bán giá khuyến mãi nhưng mức chênh lệch so với các chợ, các trung tâm thương mại chẳng đáng là bao. Cạnh đó, đội quân bán hàng còn thiếu chuyên nghiệp, nhất là nhân viên mới vào làm việc chưa nắm vững những tính năng sản phẩm nên tỏ ra bị động, lúng túng trong khâu tư vấn, hướng dẫn khách hàng sử dụng.

Một thực trạng nữa là hàng nước ngoài vẫn được bày bán xen lẫn với hàng Việt, chất lượng lại kém, khiến người tiêu dùng bức xúc. Song song đó, nhiều phiên chợ lại có mặt của những quầy vui chơi, giải trí chưa lành mạnh, vô bổ (thường do các địa phương cho thuê mặt bằng để có thêm nguồn thu). Nhiều phiên chợ được tổ chức với quy mô hoành tráng nhưng số lượng hàng Việt quá ít, chưa tương xứng với hình thức đầu tư. 

Một hạn chế cũng cần nhắc đến là hầu hết doanh nghiệp chỉ tập trung quảng bá cho sản phẩm của mình mà không quan tâm đến việc tuyên truyền, cổ động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để góp phần tạo chuyển biến trong nhận thức của người tiêu dùng, trong khi đây mới chính là mục tiêu hướng đến của các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, nhất là vào dịp Tết.

Nhìn chung, những phiên chợ hàng Việt về nông thôn dịp Tết mang lại nhiều kết quả đáng phấn khởi đối với người bán lẫn người mua, nhưng nếu sớm khắc phục những hạn chế như vừa nêu thì sẽ được người tiêu dùng đón nhận nồng nhiệt hơn. 

(Bài dự thi Chương trình Doanh Nhân với Người tiêu dùng)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hàng Việt về nông thôn dịp Tết: Lòng tin của khách hàng đối với doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO