Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Động lực để doanh nghiệp phát triển

HẢI VÂN| 04/04/2017 01:05

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2016 vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.

Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Động lực để doanh nghiệp phát triển

Với kết quả gần 80 doanh nghiệp (DN) vừa đoạt Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2016 do Bộ Khoa học và Công nghệ trao tặng ngày 2/4, nhiều hiệp hội cho rằng DN cần phải có chiến lược phát triển thương hiệu. 

Đọc E-paper

Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định tặng 15 Giải Vàng và 62 Giải Bạc Chất lượng Quốc gia. Dịp này cũng có 3 DN đạt Giải thưởng Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương. Kết quả mùa giải 2016 đã góp phần nâng tổng số DN đạt giải qua 20 năm lên 1.767 DN, trong đó có 148 giải Vàng, 128 DN được Thủ tướng tặng bằng khen và 40 DN nhận giải thưởng châu Á - Thái Bình Dương.

Thế nhưng, với tổng số DN đang hiện hữu, vấn đề chất lượng sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Cụ thể, theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2017, ngành dệt may xuất khẩu trên 4,3 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, xuất khẩu nhiều nhưng ngành dệt may Việt Nam lại thiếu chiến lược quảng bá thương hiệu. Trong khi đó, để khẳng định chất lượng, vị thế của sản phẩm dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế thì không thể thiếu yếu tố thương hiệu.

Trên thực tế, báo cáo mới nhất của Hãng Nghiên cứu thị trường Statista (Đức) đã chỉ rõ hàng Việt Nam được đánh giá có chất lượng và giá cả thấp, với hầu hết các đặc tính sản phẩm dưới trung bình so với hàng hóa trên thế giới. Kết quả khảo sát được thu thập từ hơn 43.034 người tiêu dùng tại 52 quốc gia, vùng lãnh thổ, đại diện cho khoảng 90% dân số thế giới.

Theo đó, hàng hóa Việt Nam được đánh giá cao về tính kinh tế nhưng chỉ xếp thứ 42/52 về mức độ uy tín đối với người tiêu dùng nội địa. Cụ thể, Việt Nam được 34 điểm và đứng thứ 46 trong bảng xếp hạng sản phẩm của các nước theo mức độ tin tưởng của người tiêu dùng, trong khi đó Đức dẫn đầu với 100 điểm.

Điều này cho thấy uy tín cũng như những đòi hỏi khắt khe của Bộ Khoa học và Công nghệ đối với DN tham gia giải thưởng, trong đó tiêu chí chất lượng và độ phủ của sản phẩm trên thị trường thế giới được đặt lên hàng đầu.

Như trường hợp của Công ty CP Gốm Đất Việt (Quảng Ninh), một trong số 15 DN đoạt Giải Vàng Chất lượng Quốc gia, sản phẩm của DN này đã có mặt tại 41 thị trường trên thế giới. Theo đại diện DN, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia một lần nữa khẳng định thương hiệu Gốm Đất Việt và đã tạo động lực để DN tự tin đẩy mạnh chiến lược xuất khẩu sang các thị trường mới.

Theo ông Trần Văn Vinh - Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường chất lượng, giải thưởng năm nay được luật hóa bởi Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa và luật này được ban hành theo quy tắc quốc tế. Do đó, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương 2016 vừa là mục tiêu, vừa là công cụ để DN nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường.

Ở khía cạnh khác, TS. Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển - Bộ Kế hoạch và Đầu tư lại cho rằng, Giải thưởng Chất lượng Quốc gia và Chất lượng Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương suy cho cùng cũng chỉ mang tính khích lệ. Vì thương hiệu được quyết định bởi chất lượng sản phẩm, nhưng các tiêu chí của giải thưởng lại chưa đề cập hết những vấn đề liên quan đến hai yếu tố này. Do đó, các DN, nhất là DN đạt giải thưởng, không nên quá lạc quan, mà cần kịp thời đẩy mạnh đầu tư, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Vì chỉ có như vậy mới hy vọng có được những thương hiệu mạnh ở khu vực và quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ trao giải thưởng, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giải thưởng được dành cho những DN có nỗ lực, sáng tạo, đổi mới không ngừng trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, năng suất, hiệu quả kinh doanh. Song, để động viên DN, Phó thủ tướng cũng nêu rõ, một nền kinh tế muốn có sức cạnh tranh cần phải hội tụ nhiều yếu tố.

Trong đó, DN phải biết phát huy lợi thế sẵn có, không ngừng đổi mới, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Về phía chính quyền, cần tạo môi trường kinh doanh, đầu tư thông thoáng để DN hoạt động thuận lợi nhất, có như vậy mới có nhiều DN được hình thành.

>>Phát triển thương hiệu: Sư tử gầm ở đâu?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải thưởng Chất lượng Quốc gia - Động lực để doanh nghiệp phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO