Áp lực tăng lương tối thiểu, BHXH đè nặng lên DN dệt may

MAI PHƯƠNG| 11/10/2017 05:08

Doanh nghiệp dệt may kiến nghị Nhà nước tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1 - 2 năm để có thời gian củng cố nội lực.

Áp lực tăng lương tối thiểu, BHXH đè nặng lên DN dệt may

Doanh nghiệp (DN) dệt may kiến nghị Nhà nước tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng từ 1 - 2 năm để có thời gian củng cố nội lực.  

Đọc E-paper

Mới đây, tại Hội thảo Tác động của các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) đến các DN ngành dệt may do Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS) thực hiện, ông Mai Đức Thiện - Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã cập nhật các cơ chế, chính sách mới trong lĩnh vực lao động tiền lương và BHXH.

Trong đó có các vấn đề như: tăng tiền lương bình quân tối thiểu vùng thêm 6,5% vào năm 2018, tăng tỷ lệ đóng BHXH, đóng thêm BHXH cho người lao động có hợp đồng từ 1 - 3 tháng... Các DN ngành dệt may cho rằng, các chính sách mới này có nhiều điểm bất cập và gây khó khăn cho DN, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay.

Thông cảm với khó khăn của DN, đại diện khối DN ngành dệt may, VITAS đã kiến nghị Nhà nước tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng, có thể từ 1 - 2 năm để DN có điều kiện củng cố nội lực, chuẩn bị đối đầu trước áp lực các DN khối ngoại trong ngành dệt may đầu tư ngày càng nhiều vào Việt Nam.

VITAS thống kê, tính từ năm 2008 đến năm 2017, trong vòng chưa đến 10 năm, Nhà nước đã tăng lương tối thiểu vùng 10 lần với tỷ lệ ngày một cao. Khối DN dệt may nội địa tăng bình quân 21,9%/năm, khối DN đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng bình quân 15,2%, trong khi GDP (2008 - 2016) tăng bình quân 5,96%, CPI tăng 8,77%. Theo đó, VITAS cho rằng, việc tăng lương tối thiểu vùng liên tục như vậy khiến chi phí nhân công tăng lên, góp phần làm giảm sức cạnh tranh cũng như khả năng mở rộng đầu tư, sản xuất của DN.

>>TPP: Doanh nghiệp dệt may hợp lực tạo chuỗi cung ứng

Cùng với tăng lương tối thiểu vùng, việc tăng tỷ lệ đóng BHXH dựa trên nền lương tối thiểu tăng cũng tạo áp lực lớn đối với DN lẫn người lao động. Chưa kể chính sách mới còn quy định DN phải đóng BHXH cho người lao động có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng.

Tại Hội thảo, hơn 50 DN ngành dệt may thuộc khu vực các tỉnh phía Bắc đồng quan điểm là nhóm lao động có hợp đồng lao động từ 1 - 3 tháng thường có tỷ lệ biến động cao, do đó, chính sách mới áp dụng việc mở rộng đóng BHXH cho các đối tượng này sẽ không chỉ làm tăng chi phí của DN mà còn tăng các thủ tục hành chính. Ngược lại, ở góc độ người lao động làm việc ngắn hạn từ 1 - 3 tháng, việc phải đóng BHXH cũng không khuyến khích họ làm việc tích cực.

Trên thực tế, vì nhu cầu cũng như tính chất công việc, thu nhập của người lao động làm việc ở DN ngành dệt may luôn cao hơn mức quy định tiền lương tối thiểu vùng. Và để giữ chân người lao động có năng suất cao, DN luôn cân nhắc mức lương chứ không chỉ làm theo quy định. Do đó, ngoài kiến nghị Nhà nước tạm dừng việc tăng lương tối thiểu vùng một vài năm, DN cũng đề nghị nên bỏ việc quy định giới hạn giờ làm thêm trong tháng, vì làm thêm cũng giúp người lao động có thêm thu nhập.

Ở khía cạnh khác, các DN cho rằng, chính sách mới thực tế có quá nhiều điểm bất cập. Đơn cử như việc rút ngắn thời gian tập huấn về an toàn và vệ sinh lao động, đồng thời chỉ nên để một bộ tập huấn thay vì cả hai Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Công Thương cùng làm.

Trước những kiến nghị của DN, Nhà nước nên xem xét để cập nhật, bổ sung nhanh, sớm thông qua những cuộc họp đối thoại. Theo DN, việc đối thoại giữa chính quyền và DN có thể diễn ra 6 tháng/lần, không nhất thiết phải 3 tháng/lần, nhưng những kiến nghị của DN cần sớm được giải quyết.

Về vấn đề hợp đồng cho thuê lại lao động, do dệt may là ngành đặc thù, có tính chất mùa vụ cũng như phụ thuộc nhiều vào tình hình đơn hàng, việc đàm phán, ký kết, nên thực tế đã có việc các DN trong ngành cho thuê lại xưởng, lao động trong một khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, DN đề nghị Nhà nước nên bổ sung ngành dệt may vào danh mục ngành nghề được phép cho thuê lại lao động.

Đại diện Vụ Pháp chế - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đánh giá cao những đề xuất của DN ngành dệt may, vì đã giúp các nhà làm luật hiểu rõ hơn những vướng mắc DN đang gặp phải khi những chính sách, cơ chế Nhà nước đưa ra chưa phù hợp với thực tiễn.

Trước khó khăn của DN, trong thời gian tới, VITAS sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của DN hội viên, kiến nghị bằng văn bản lên các cơ quan quản lý về những bất cập của chính sách đối với tình hình thực tế của DN.

>>Sự chuyển mình của các doanh nghiệp dệt may Việt Nam

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Áp lực tăng lương tối thiểu, BHXH đè nặng lên DN dệt may
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO