Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0) với nền tảng là trí thông minh nhân tạo, robot, công nghệ nano, công nghệ sinh học sẽ đẩy các doanh nghiệp (DN) vào thế phải không ngừng nâng cấp công nghệ cũng như sáng tạo ra các mô hình kinh doanh tiên tiến và phù hợp. Và Hoa Kỳ được xem là nơi hình thành nhiều công nghệ mới cũng như ý tưởng kinh doanh khác biệt và đầy tính cạnh tranh mà Việt Nam có thể học hỏi.
Đọc E-paper
Hoa kỳ hiện đang là đối tác thương mại lớn của Việt Nam, và Việt Nam đang xuất siêu. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có sử dụng nhiều công nghệ gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng.
Mặc dù còn dựa nhiều vào DN FDI và chủ yếu là hàng lắp ráp với phần giá trị gia tăng tại Việt Nam còn thấp, nhưng việc xuất khẩu các sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao vào Hoa Kỳ sẽ giúp DN Việt Nam học hỏi kinh nghiệm quản lý công nghệ quốc tế do được làm việc với các tập đoàn đa quốc gia.
Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của các DN Hoa Kỳ, các DN tại Việt Nam (cả FDI và nội địa) phải đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe và được hướng dẫn, hỗ trợ về công nghệ của Hoa Kỳ (gián tiếp qua các công ty FDI tại Việt Nam), khi đó các DN này sẽ buộc phải nâng cấp công nghệ và trình độ quản lý nhằm duy trì khả năng cạnh tranh.
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực Hoa Kỳ có thế mạnh như công nghệ cao, được kỳ vọng sẽ tăng lên trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam cần có chiến lược để thu hút nguồn vốn này, đặc biệt trong khâu nghiên cứu và phát triển (R&D - khâu có giá trị rất cao trong chuỗi giá trị toàn cầu).
Học hỏi công nghệ phải trải qua quá trình tích lũy từ những nền tảng đơn giản để có khả năng hấp thụ công nghệ cao hơn và đi đến tự phát triển công nghệ trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ thông tin, sự giao lưu của du học sinh cũng như người di cư và lao động nước ngoài, quá trình tích lũy kiến thức nền tảng có thể được rút ngắn nếu những thành phần kể trên được trang bị kỹ năng tư duy và tự học, tinh thần sáng tạo và khởi nghiệp, để họ có thể "tự chinh chiến" mà không cần sự trợ giúp trong quá trình học tập. Và khi có được khả năng công nghệ, họ có thể tham gia vào các công ty trong nước để nâng cấp công ty hoặc tự khởi nghiệp.
Không chỉ Hoa Kỳ, mà cả các nhà đầu tư có công nghệ cao khác (như Nhật Bản, các nước châu Âu...), trong bối cảnh toàn cầu hóa của hoạt động sáng tạo và trọng tâm chuyển sang Đông Á, Việt Nam sẽ có cơ hội tham gia mạng lưới đổi mới sáng tạo quốc tế.
>>Thời của ngành công nghiệp sáng tạo
Vì vậy, cần có chiến lược để tạo ra sức hút của ngành R&D tại Việt Nam (yếu tố kéo) như tạo ra một lực lượng lao động gồm các kỹ sư, các nhà nghiên cứu hàng đầu có kiến thức chuyên ngành và trình độ ngoại ngữ cũng như tác phong công nghiệp (có thể thu hút du học sinh từng học và làm việc tại nước ngoài, các trí thức Việt kiều và các nhà khoa học có trình độ từ các nước khác đến Việt Nam); cùng với các chính sách (yếu tố đẩy) như quy định ưu đãi thuế lũy tiến dựa trên hàm lượng R&D tại Việt Nam (ví dụ tỷ lệ thuế được ưu đãi sẽ càng cao nếu công nghệ có tỷ lệ giá trị gia tăng và sự tham gia của người Việt cao) và quy định về các dự án quan trọng cụ thể nào đó phải có sự liên doanh của phía đối tác Việt Nam.
Các DN trong nước cũng được tạo điều kiện tối đa tham gia các liên doanh này (thông qua việc sàng lọc, cạnh tranh, tuyển chọn) với các chính sách ưu tiên để thương mại hóa sản phẩm của họ như các chương trình xúc tiến thương mại, nghiên cứu thị trường, hỗ trợ đăng ký tác quyền, mua tác quyền công nghệ hiện đại và các ưu đãi khác.
Để đảm bảo hiệu quả, các DN nội địa này phải được đánh giá sự tiến bộ về khả năng công nghệ trong suốt quá trình hợp tác bằng cách đo lường số lượng các đăng ký bản quyền sáng tạo, số mẫu sản phẩm với công nghệ cải tiến được tung ra thị trường, hay doanh thu sản phẩm công nghệ, lao động... để đánh giá hiệu quả của các chính sách hỗ trợ và xem xét khả năng tiếp tục hỗ trợ. Làm được điều này sẽ đánh vào chiến lược "mở rộng để tìm kiếm nguồn cung đầu vào với chi phí thấp" của các công ty đa quốc gia.
Ngoài các chính sách mang tính chủ động đó, Việt Nam cũng cần phải có một lực lượng tiêu dùng nội địa đủ lớn với khả năng chi tiêu cho các sản phẩm có hàm lượng công nghệ (với dân số hơn 90 triệu mà phần lớn là người trẻ, thu nhập ngày càng được cải thiện, sự tinh tế dần được hình thành và sự sẵn sàng chi trả cho những sản phẩm công nghệ thì đây là lợi thế nội tại) cũng như dựa vào các hiệp định thương mại để mở đường cho sản phẩm có "hàm lượng công nghệ Việt Nam" thâm nhập các thị trường khó tính như châu Âu, Đông Á. Điều này sẽ đánh vào chiến lược "mở rộng để tìm kiếm thị trường tiêu thụ” của các công ty đa quốc gia.
Vì vậy, để học hỏi khả năng công nghệ của Hoa Kỳ, Việt Nam cần sẵn sàng tham gia xuất khẩu các mặt hàng có yêu cầu về khả năng quản lý và đòi hỏi cao về công nghệ từ Hoa Kỳ, cũng như sẵn sàng nguồn lực để thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (đặc biệt ở khâu R&D) và tận dụng cơ hội này để nâng cấp khả năng công nghệ của DN trong nước nhằm chuẩn bị tốt cho cuộc cách mạng 4.0.