Hoạt động hội 2017: Nhiều chuyển biến tích cực

27/12/2017 06:31

Đầu năm 2016, Báo Doanh Nhân Sài Gòn đã từng ghi nhận vai trò của hội ngành nghề trong việc đồng hành cùng doanh nghiệp (DN). Những phân tích về sự tương tác giữa hội và DN trước thềm hội nhập từ phía Chính phủ và chuyên gia kinh tế đã cho thấy tầm quan trọng của các tổ chức hiệp hội DN, ngành nghề (gọi tắt là hội).

Hoạt động hội 2017: Nhiều chuyển biến tích cực

Chương trình Cà phê doanh nhân do HUBA tổ chức tạo được nhiều tiếng vang. Ảnh: Quý Hòa

Cùng với những đóng góp từ thời điểm đó, năm 2017 có lẽ là khoảng thời gian các hội đã thực hiện được nhiều thay đổi.

Mặc dù chưa có sự cải thiện đồng bộ về cách tổ chức và tương tác giữa các hội và DN, nhưng hoạt động của các tổ chức như Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA), Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP)... đã phần nào cho thấy sự tích cực của các hội lớn trong thời gian qua.

Link bài viết

Ra đời với vai trò là "cầu nối" giữa chính quyền và DN, đến nay nhiều hội đã định hình rõ vai trò, trách nhiệm trong tổ chức theo từng nhóm như nhóm chuyên tư vấn pháp lý, nhóm dịch vụ hỗ trợ DN về đào tạo, huấn luyện, nhóm thực hiện các công tác xúc tiến thương mại, hội chợ, hội nghị, nhóm ghi nhận những ý kiến đóng góp của DN về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động kinh doanh... để từ đó hội truyền đạt đến các cấp chính quyền.

Theo đó, trước bất kỳ một quyết định nào, ngay từ bước dự thảo, các hội cũng đã tổ chức lấy ý kiến của DN nhằm hỗ trợ chính quyền đưa ra những quyết định hữu ích, phù hợp với tình hình thực tế của DN. Điều này không chỉ giúp kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu với kinh tế thế giới cũng như tạo điều kiện cho DN Việt Nam ngày càng tạo ra nhiều giá trị thặng dư, mà còn đóng góp lại cho ngân sách nhà nước, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Thực tế cũng cho thấy, từ việc đóng góp ý kiến cho các chính sách liên quan đến sự phát triển kinh tế Việt Nam, tính đến thời điểm này, các cơ quan hành chính đang ngày càng tiết giảm được nhiều thời gian khi thực hiện các thủ tục hành chính về kê khai thuế, nộp thuế cũng như thủ tục hải quan...

Là một trong những hội mạnh, lãnh đạo hội luôn đồng hành cùng DN trong các vụ kiện tụng, phải nhìn nhận VASEP gần như giữ khá vững "phong độ” trong các hoạt động đấu tranh cho lợi ích của DN trong ngành trước những chính sách chưa hợp lý mà các tổ chức quốc tế áp đặt cho DN ngành thủy hải sản Việt Nam. Theo đó, gần đây nhất, VASEP đã phối hợp với các bộ, ngành chứng minh nguồn gốc rõ ràng của thủy hải sản Việt Nam, tạo uy tín cho ngành khi xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Một cuộc họp mặt hội viên của HUBA

Một cuộc họp mặt hội viên của HUBA

Không chỉ có thủy hải sản, vừa qua, tại Đại hội tổng kết của VITAS, lãnh đạo Hội cũng cho biết, dù vẫn còn rất nhiều khó khăn, song với sự chỉ đạo của Chính phủ, sự quan tâm, giúp đỡ từ các bộ, ngành, ngành dệt may Việt Nam đã vượt qua khó khăn, duy trì được mức tăng trưởng ổn định. Cũng trong năm 2017, các hội lớn đã tổ chức thành công nhiều chương trình xúc tiến thương mại ra nước ngoài được DN nhiệt tình ủng hộ.

Thực tế cho thấy, trong năm 2017, VITAS đã rất nỗ lực trong xây dựng chiến lược và các chương trình phát triển ngành dệt may Việt Nam, tích cực tham gia các tổ chức dệt may quốc tế và khu vực. Đặc biệt, Hội đã phối hợp với các bộ, ngành, các tổ chức trong và ngoài nước trong việc kiến nghị cải thiện môi trường sản xuất, kinh doanh cho DN, vận động đầu tư nước ngoài vào ngành dệt may Việt Nam.

Hơn thế nữa, VITAS còn đẩy mạnh nhiều hoạt động mở cửa thị trường xuất khẩu và chống các rào cản thương mại quốc tế, thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, góp phần tích cực vào việc xây dựng thương hiệu dệt may Việt Nam trên thị trường quốc tế. Thông qua tình hình thực tế, VITAS còn đưa ra những kiến nghị về hoàn thiện quy hoạch ngành dệt may để sớm trình Chính phủ.

Việt Nam đã tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) và các FTA này chuẩn bị có hiệu lực nên Chính phủ cần sớm đưa ra các hướng dẫn và khuyến cáo cho DN. Dù Nhà nước đã thực hiện những thay đổi về phương thức nộp thuế điện tử giúp DN tiết kiệm thời gian, công sức, song khối DN ngành dệt may còn kỳ vọng Nhà nước nên sớm có cơ chế kiểm soát vấn đề chuyển giá, tạo sự bình đẳng giữa các DN FDI và DN Việt Nam, cũng như nên kiểm soát chặt chẽ hơn vấn đề hàng hóa nhập khẩu qua biên giới, cần có cơ chế, biện pháp hữu hiệu trong việc chống hàng giả, hàng nhái, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng không chỉ giữa DN trong nước, DN FDI mà còn với cả hàng nhập lậu.

Ở góc độ là hiệp hội bao gồm rất nhiều hội thành viên, thời gian qua, HUBA đã xây dựng một số chương trình như Cà phê thứ bảy, tạo sự lan tỏa đến nhiều hội DN trên địa bàn TP.HCM. Đã có rất nhiều tổ chức trong và ngoài nước tìm đến HUBA thăm hỏi, đặt vấn đề hợp tác, giao lưu, tạo không gian xúc tiến thương mại về hàng hóa, dịch vụ không chỉ giữa các DN từ nhiều địa phương mà còn từ các nước.

Trưng bày sản phẩm tiêu biểu dịp 13/10

Trưng bày sản phẩm tiêu biểu dịp 13/10

Đơn cử như hồi tháng 11/2017, đã có khá nhiều đoàn DN, tổ chức hội ngành nghề các nước, các tỉnh, thành tìm đến HUBA, bởi theo họ, thông qua HUBA, DN phía đối tác muốn đẩy mạnh kết nối xúc tiến thương mại cho các DN giao thương, trao đổi thông tin, giới thiệu hàng hóa, thị trường.

Trong đó có đại diện Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đắc Nông mong muốn HUBA phối hợp với họ, hỗ trợ họ tổ chức hội nghị giới thiệu những tiềm năng đầu tư vào tỉnh ở các lĩnh vực như du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản...

Về phía các tổ chức nước ngoài có đại diện đoàn DN Ý, Hong Kong, Trung Quốc... với mong muốn đầu tư vào Việt Nam. Dự kiến tháng 9/2018, Cục Phát triển mậu dịch Hong Kong sẽ tổ chức Gala Dinner CEO dẫn đầu, có thể quy tụ hơn 400 DN, doanh nhân tham dự.

Bên cạnh các hội lớn, tại TP.HCM, các hội ngành nghề trên địa bàn cũng đã xây dựng được nhiều chương trình hữu ích cho DN. Đơn cử như Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM (FFA), Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM... đều được đánh giá là những hội có nhiều hoạt động thường niên nhằm kết nối các DN trong hội với nhau.

Điều đáng ghi nhận là FFA đã thể hiện rất rõ vai trò của Hội trong việc đồng hành cùng DN kiên quyết đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, chung tay hỗ trợ DN phát triển thương hiệu Việt ngày càng vững mạnh. Theo thống kê từ các sở, ngành và từ FFA, năm 2016, cùng với chi phí đầu vào tăng, DN ngành lương thực - thực phẩm tuy còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh nhưng tất cả đều cố gắng nắm giữ thị phần ở thị trường nội địa.

Kết thúc năm 2017 tuy vẫn còn nhiều khó khăn, song nỗ lực của các tổ chức hội và DN đã cho thấy vai trò của hội ngày càng cần thiết đối với sự phát triển của DN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoạt động hội 2017: Nhiều chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO