Quản trị

Hiểu rõ động lực: Nền tảng để có công việc xuất sắc và thỏa mãn

Khởi Vũ 11/11/2023 13:00

Trước khi có thể dẫn dắt tổ chức, nhà lãnh đạo phải dẫn dắt được bản thân - điều đòi hỏi năng lực tự nhận thức hành vi và xác định động lực làm việc.

Một cách đơn giản, có thể hiểu động lực là nguồn năng lượng hay sức mạnh tinh thần thúc đẩy một người tiến về phía trước và giúp họ làm việc hiệu quả.

hieu-ro-dong-luc-nen-tang-de-co-cong-viec-xuat-sac-va-thoa-man.jpg
Kỹ năng của một người có sự nghiệp không thành công có thể không hợp với công việc, nhưng thông thường động lực của họ mới là điều không phù hợp nhất với công việc.

Có nhiều lý thuyết để giải thích và xác định yếu tố tạo nên động lực, nhưng nhìn chung nhu cầu cá nhân có thể được xem là nền tảng của động lực. Do đó, khi nhu cầu được đáp ứng, hạnh phúc và sự sung sức sẽ theo sau; còn nếu ngược lại, mệt mỏi và bất mãn sẽ hình thành, dẫn đến đánh mất động lực rồi rốt cục khiến họ chỉ làm việc ở mức "bình bình" hay tệ hơn là rời khỏi tổ chức (để tìm nơi khác thỏa mãn nhu cầu của họ).

Theo chuyên gia khai vấn lãnh đạo Brooke Vuckovic, kỹ năng chủ chốt của một người không có sự nghiệp thành công có thể không hợp với công việc, nhưng thông thường động cơ của họ mới không phù hợp với công việc.

Đó là vấn đề tiềm ẩn. Họ làm những việc mình giỏi nhưng không thật sự hứng thú với chúng hoặc ở trong một môi trường không phù hợp với những gì họ trân trọng.

Chuyên gia khai vấn lãnh đạo Brooke Vuckovic

Trong khi đó, một khảo sát trên 60.000 người vào năm 2022 của Anphabe cho thấy, hơn 40% người đi làm ở trong trạng thái căng thẳng, từ thường xuyên cho đến rất thường xuyên. Kết quả, mối quan hệ giữa tổ chức và họ cũng theo đó mà "đứt gánh", khi tỷ lệ nhân viên không tìm thấy niềm vui có ý định nghỉ việc cao hơn tới 250% so với những người ít bị căng thẳng thường xuyên và cảm nhận được niềm vui tại nơi làm việc.

Nói như triết gia, nhà cải cách xã hội Jeremy Bentham - tác giả của chủ nghĩa vị lợi, thì "nỗi đau và sự vui sướng dẫn dắt mọi việc chúng ta làm, mọi lời chúng ta nói và mọi điều chúng ta nghĩ". Đây cũng là tiền đề cho lý thuyết "cây gậy và củ cà rốt" nổi tiếng trong việc tạo động lực cho người khác. Trong đó, "củ cà rốt" biểu tượng cho sự vui sướng, thường gắn liền với phần thưởng, còn "cây gậy" là sự đau đớn thông qua hình phạt.

Tuy nhiên, chỉ "cây gậy và củ cà rốt" là chưa đủ, vì nhà lãnh đạo chưa thể xác định đâu là các yếu tố góp phần tạo nên động lực. Về điều này, cựu CEO của Walmart là Carter Cast - tác giả quyển Thoát khỏi điểm mù: bí quyết làm chủ cuộc đời, cho rằng có 5 yếu tố căn bản cấu thành động lực, gồm thành tựu, sự liên kết, quyền lực, sự tự chủ và mục đích.

hieu-ro-dong-luc-nen-tang-de-co-cong-viec-xuat-sac-va-thoa-man-1.jpg
Chỉ "cây gậy và củ cà rốt" là chưa đủ để tạo nên động lực làm việc bền vững

Cần biết rằng, tỷ lệ ảnh hưởng của các yếu tố này trên mỗi người là khác nhau. Ví dụ, một người có thể bị thúc đẩy mạnh mẽ bởi sự liên kết và mục đích, song lại ít bị chi phối bởi quyền lực, trong khi người khác có thể bị quyền lực và thành tựu hấp dẫn và lại ít để ý đến sự liên kết. Dưới đây là 5 yếu tố căn bản tạo nên động lực:

1. Thành tựu

Người sở hữu nhu cầu này không ngừng nâng cao thành tích và nỗ lực hoàn thành các mục tiêu vừa mang tính thách thức vừa có ý nghĩa với bản thân. Do đó, người có nhu cầu mạnh mẽ về yếu tố thành tựu thường thích làm việc trong môi trường có thang đánh giá kết quả cụ thể và rõ ràng, vì đây là nơi sự tiến bộ của họ có thể được nhìn thấy và theo dõi. Đồng thời, người có nhu cầu này có thể luôn muốn được phản hồi để cải thiện và phát triển.

2. Sự liên kết

Người sở hữu nhu cầu này sẽ muốn duy trì các mối quan hệ thân thiện và mật thiết với người khác, có cảm giác muốn thuộc về một tổ chức, đội nhóm hay tập thể nào đó cũng như nhận được sự yêu mến từ những người xung quanh. Họ cũng thích sự hợp tác hơn cạnh tranh và ganh đua. Do đó, họ sẽ là những người làm việc theo nhóm tốt, biết lắng nghe tốt và thường sở hữu trí tuệ cảm xúc (EQ) cao, nên có thể rất giỏi trong việc xây dựng tinh thần đồng đội.

3. Quyền lực

Quyền lực là nhu cầu muốn gây ảnh hưởng lên người khác. Do đó, người sở hữu nhu cầu này sẽ có khuynh hướng tìm kiếm vị trí, sự công nhận và nỗ lực trong việc gây ảnh hưởng lên người khác, trong trường hợp người ấy muốn quyền lực cá nhân. Còn với người muốn quyền lực tập thể, họ sẽ nỗ lực đặt ra nhiệm vụ hoặc công việc cho cả nhóm mà họ thuộc vào, để đẩy tất cả cùng đi.

4. Sự tự chủ

Đây là nhu cầu kiểm soát công việc của bản thân, đi cùng với năng xác định nên theo đuổi con đường nào. Người sở hữu nhu cầu này có thể bạn thích thực hiện công việc theo ý mình (bản thân quyết định cần làm gì), quyết định thời gian (bản thân xác định lượng thời gian cần thiết), phương pháp (bản thân tự tìm cách thực hiện) và đội nhóm (bản thân chọn người cùng làm việc). Điều này không đồng nghĩa với việc người ấy muốn một mình làm mọi thứ, mà là muốn được tùy ý sắp xếp và hoàn thành nhiệm vụ

5. Mục đích

Người sở hữu nhu cầu này muốn trở thành một phần của điều gì đó lớn lao hơn bản thân họ. Thế nên, họ có thể bị thu hút bởi các tổ chức và công việc với sứ mệnh định hướng, kết nối công việc lẫn giá trị cá nhân của từng người với một hoạt động ở tầm vóc xã hội. Theo Daniel Pink - tác giả cuốn Drive, "người được thúc đẩy bởi mục đích sẽ tìm những doanh nghiệp dùng lợi nhuận làm chất xúc tác hơn là làm mục tiêu".

Sau khi nắm bắt 5 yếu tố này, nhà lãnh đạo trước tiên cần tự nhận thức và xác định động lực làm việc của bản thân rồi mới có thể giúp đỡ cho người khác. Cần biết rằng, động lực là nhu cầu tiềm ẩn và khó xác định hơn những điều được bộc lộ như niềm tin hoặc lý tưởng, nên hoạt động tham vấn nhất định phải được thực hiện và nên được thực hiện một cách kỹ lưỡng.

hieu-ro-dong-luc-nen-tang-de-co-cong-viec-xuat-sac-va-thoa-man-2.jpg
Để dẫn dắt tập thể hiệu quả và hạnh phúc, nhà lãnh đạo cũng phải giúp những người xung quanh hiểu rõ động lực làm việc của chính họ.

Và, dưới đây là các câu hỏi trắc nghiệm để xác định động lực dựa trên 5 yếu tố nói trên. Với từng câu hỏi, người trả lời hãy chấm điểm từ 1 đến 5, với 1 là không giống bản thân còn 5 là cực kỳ giống bản thân. Yếu tố có tổng số điểm cao nhất sẽ cho biết động lực tiềm ẩn của người trả lời.

Thành tựu

- Tôi làm việc chăm chỉ để cải thiện thành tích.
- Tôi thích công việc có mục tiêu cụ thể, có thể đo lường.
- Tôi dễ chấp nhận trách nhiệm.
- Tôi hoàn toàn tập trung vào nhiệm vụ trước mắt và không ngừng lại cho đến khi hoàn thành.
- Tôi nỗ lực hết sức ở các công việc mang tính thử thách.
- Tôi xem trọng việc phải đạt thành tựu đặc biệt.
- Tôi thích đọc sách tự lực và sách hướng dẫn.
- Tôi thích tham gia hoạt động giúp nâng cao năng lực bản thân khi rảnh.

Sự liên kết

- Tôi nỗ lực kết bạn mới ở chỗ làm.
- Tôi thích làm việc nhóm hơn một mình.
- Tôi có hứng thú với cuộc sống của đồng nghiệp.
- Tôi thường giúp người khác và an ủi khi họ buồn.
- Tôi xem trọng việc được người khác yêu mến.
- Tôi có nhiều đồng nghiệp là bạn.
- Tôi thích đọc truyện viễn tưởng và sách có nhân vật được phát triển tốt.
- Tôi tham dự các buổi tiệc và hoạt động xã hội khác liên quan đến gia đình và bạn bè khi rảnh.

Quyền lực

- Tôi rất xem trọng sự đồng thuận quan điểm từ người khác.
- Tôi thích điều hành các câu lạc bộ và tổ chức.
- Một trong các mục tiêu của tôi là được kiểm soát nhiều hơn các sự kiện xung quanh bản thân.
- Tôi ăn nói rất trôi chảy và có sức thuyết phục.
- Tôi thích cho lời khuyên.
- Tôi thích đọc tiểu sử về nhân vật lịch sử và chính trị.
- Tôi tìm kiếm các vị trí lãnh đạo trong cộng đồng khi rảnh.
- Tôi tham dự các sự kiện uy tín.

Sự tự chủ

- Tôi rất xem trọng việc xác định ưu tiên công việc.
- Tôi muốn tự chọn thành viên cho nhóm mình thay vì nhận người được giao.
- Tôi thà tốn thời gian tự giải quyết vấn đề còn hơn nhờ người khác.
- Tôi là người chủ động với đầu óc của một doanh nhân.
- Tôi tin việc của sếp là ra đường lối công việc rõ ràng, còn việc của tôi là xác định cách hoàn thành.
- Tôi làm việc tốt nhất khi được tự do thực hiện ý tưởng và dự án.
- Tôi thích đọc sách truyền cảm hứng có nhân vật mạnh mẽ và được phát triển tốt.
- Tôi tham gia hoạt động tự định hướng như viết lách, đọc sách, vẽ, nâng cấp nhà cửa, đi bộ đường dài và tập gym khi rảnh.

Mục đích

- Tôi có thể xác định các giá trị của mình và đã chọn công việc phù hợp với chúng.
- Tôi sẽ hứng thú với một công ty khi nơi này có một mục đích cao cả hơn chỉ tạo ra tiền.
- Tôi sẽ không làm việc ở một công ty nếu văn hóa của nó không phù hợp với các giá trị của tôi, dù chính sách lương thưởng rất hấp dẫn.
- Kinh doanh có thể là một nguồn lực to lớn giúp tạo ra các thay đổi tích cực trên thế giới.
- Tôi thích đọc sách đề cao tầm ảnh hưởng xã hội mà các công ty có thể tạo ra cho cộng đồng.
- Tôi từng đọc sách và/hoặc thực hiện các bài tập giúp hiểu rõ hơn về mục đích và sứ mệnh của bản thân.
- Tôi tham gia hoạt động tình nguyện và dẫn dắt sự kiện quan trọng với mình khi rảnh.
- Tôi thích thảo luận về giá trị và mục đích của mình với người khác cũng như học về giá trị mục đích của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hiểu rõ động lực: Nền tảng để có công việc xuất sắc và thỏa mãn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO