Tại các siêu thị, hàng hóa sản xuất trong nước đã chiếm tỷ trọng từ 80-90%.
![]() |
Theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại lễ tổng kết Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" giai đoạn 2014-2020 (Đề án), sau 6 năm thực hiện, Đề án đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đồng thời bảo đảm cân đối cung cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống của gần 100 triệu người dân Việt Nam.
Việc tăng cường tuyên truyền quảng bá sâu rộng thường xuyên và liên tục chương trình "Tự hào hàng Việt Nam" gắn với cuộc vận động trên các phương tiện truyền thông đã thay đổi tích cực về nhận thức và hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa, dịch vụ Việt Nam.
Kết quả điều tra dư luận xã hội của Viện Nghiên cứu Dư luận Xã hội cho thấy, có 88% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ quan tâm tới cuộc vận động, 67% người tiêu dùng xác định khi mua hàng hóa sẽ ưu tiên lựa chọn hàng Việt Nam và 52% người được hỏi cho biết luôn khuyên người thân, bạn bè của mình nên sử dụng hàng Việt Nam.
Đến nay, hệ thống phân phối hàng Việt đã được phát triển rộng khắp trên cả nước với trên 100 "điểm bán hàng Việt Nam" cố định tại 61 địa phương. Cùng với đó, đã có gần 70 hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa được sản xuất trong nước được tổ chức cùng với gần 100 lớp đào tạo về kỹ năng bán hàng, mở rộng thị trường cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh Việt Nam...
Đến nay, hàng Việt chiếm tỷ lệ cao trong các kênh phân phối của doanh nghiệp trong nước (trên 90%), tại các hệ siêu thị nước ngoài, chiếm từ 60-96%. Đối với kênh bán lẻ truyền thống, tỷ lệ hàng Việt tại các chợ, cửa hàng tiện lợi chiếm từ 60% trở lên, trong đó, các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh đạt trên 80%.