Ở một số quốc gia Châu Á phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, tồn tại một bộ phận không nhỏ những người trưởng thành từ 35 đến 40 tuổi vẫn còn sống với bố mẹ do không thể tự mình trang trải cuộc sống.
Tốc độ già hóa dân số đang ngày một tăng song song với tăng trưởng kinh tế "ì ạch" đã khiến một nhiều người già ở các nước Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn phải làm việc để kiếm sống và nuôi những "đứa trẻ" to xác của mình. Nói cách khác, nhiều người cao tuổi buộc phải làm việc ở cái tuổi mà lẽ ra họ phải được nghỉ ngơi và an phận tuổi già.
Tỷ lệ giới trẻ Hàn Quốc thất nghiệp ngày một gia tăng đã và đang trở thành vấn đề lớn và tồn tại dai dẳng ở quốc gia này. Tương tự đối với Nhật Bản, quốc gia với tỷ lệ lao động trong các công việc bán thời gian và công việc thời vụ đang có xu hướng tăng chóng mặt. Những công việc này thường được trả mức lương rất thấp và ít được đảm bảo về an toàn lao động.
Qua hai ví dụ trên ta có thể thấy cơ hội kiếm được công việc ổn định của những cử nhân mới ra trường thấp hơn nhiều so thế hệ bố mẹ của họ.
Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi Chính phủ Nhật Bản cho thấy có tới 3 triệu người độc thân trong độ tuổi 35 đến 40 vẫn còn sống chung với bố mẹ trong đó 620.000 người không có việc làm hoặc làm những công việc không ổn định. Ông Fumihiko Nishi, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu va Thống kê cho biết "Hầu hết những người này không có thu nhập". Ông còn nói thêm, ở độ tuổi này việc bắt đầu thay đổi một cuộc sống mới là vô cùng khó khăn, cuối cùng họ vẫn phải chọn cách "ăn bám" đồng lương ít ỏi của bố mẹ.
Cũng theo thống kê của ông Fumihiko Nishi tiết lộ cứ hai người Nhật trong độ tuổi từ 20 đến 34 lại có một người độc thân đang sống cùng cùng bố mẹ, tương đương với 10 triệu người.
Tại Hàn Quốc, tình hình cũng không khá khẩm hơn là mấy so với Nhật Bản khi tỷ lệ các hộ gia đình có con ở độ tuổi từ 25 trở lên chưa kết hôn tăng vọt từ 9% vào năm 1985 lên 26% năm 2010, theo báo cáo của Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc.
Báo cáo cũng bao gồm đối tượng đã tốt nghiệp đại học nhưng vẫn trì hoãn việc kết hôn và tìm kiếm việc làm để sống dựa vào gia đình.
Chúng ta thấy khá nhiều điểm tương đồng trong xu hướng làm việc của người cao tuổi ở cả hai quốc gia bất kể nguyên nhân là vì họ muốn kiếm thêm khoản tiết kiệm hay vì phải những nuôi đứa con đã trưởng thành nhưng vẫn sống phụ thuộc vào mình.
Trong những năm gần đây, Hàn Quốc đang phải chứng kiến tỷ lệ lao động trên 60 tuổi ngày một tăng trong khi những người ở độ tuổi "vàng" trong lao động ( trong khoảng 20 tuổi) lại đang giảm.
Theo số liệu từ cơ quan thống kê cho thấy, số lượng lao động độ tuổi từ 60 tuổi trở lên đã chạm mốc 4,1 triệu người trong quý 3, trong khi chỉ có 3,8 triệu lao động ở độ tuổi từ 20 đến 29.
Điều tương tự cũng xảy đến với Nhật Bản khi lao động cao tuổi ở quốc gia này đang có dấu hiệu tăng nhanh trong vòng 5 năm trở lại đây. Các chuyên gia kinh tế Hàn Quốc cho rằng chính việc người già tiếp tục bám trụ lấy công việc đã giảm cơ hội việc làm cho người trẻ.
Trong tháng 10, tỷ lệ thanh niên Hàn Quốc thất nghiệp độ tuổi từ 15 đến 19 là 8.5% gấp đôi con số 3.4% tỷ lệ thất nghiệp của toàn nước.
Hiện tại vẫn chưa con số thống kê chính thức về tỷ lệ thanh niên thất nghiệp ở các quốc gia Châu Á khác như Trung Quốc, Philipines, Malaysia...Tuy nhiên, đối với một số quốc gia như Trung Quốc, việc chung sống trong một đại gia đình đã trở thành điều bình thường trong văn hóa của quốc gia này.
Tại Hồng Kông, nơi được mệnh danh là một trong những thành phố có giá nhà đất đắt đỏ nhất thế giới, có khoảng 53% nam giới và gần 47% nữ giới ở độ tuổi từ 15 đến 34 sống chung với bố mẹ, theo số liệu thống kê năm 2015.
Đáng chú ý hơn, con số này tại Singapore lên tới 97%, trong khi tỷ lệ những người đã kết hôn nhưng vẫn sống chung với bố mẹ là 37%.
Còn tại Indonesia, quốc gia với đa số người dân theo đạo Hồi, đa phần những người trưởng thành sống với gia đình cho đến khi họ kết hôn. Theo số liệu thống kê chính thức năm 2015, 67% thanh niên độ tuổi từ 16 đến 30 sống trong gia đình nhiều thế hệ trong khi chỉ có 1,5% dân số Indonesia ở độ tuổi này sống tự lập một mình.
Theo khảo sát của tổ chức CBRE cho thấy sự thật đáng buồn là có tới 2/3 thanh niên ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương trong độ tuổi từ 22 đến 29 vẫn đang sống cùng với gia đình, 18% trong số họ chưa có ý định dọn ra ngoài ở riêng do chưa có đủ điều kiện về tài chính. Không phải những người này không muốn có nhà riêng mà vì họ không có đủ tiền để mua nhà trong bối cảnh giá cả bất động sản ngày càng đắt đỏ. 65% những người được hỏi đều bày tỏ họ muốn có nhà riêng.
Mặc dù Châu Á được đánh giá là khu vực kinh tế đang trỗi dậy mạnh mẽ nhưng dường như những người trẻ vẫn chưa sẵn sàng để rời "tổ ấm" của mình.