![]() |
Các loại vắc-xin cho kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan là cơ sở quan trọng để chính phủ các nước quyết định đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng đại trà. |
Một năm sau khi ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được ghi nhận tại Trung Quốc, tổng số trường hợp mắc bệnh trên toàn thế giới đã vượt 61 triệu, theo cập nhật từ WorldoMeter.
Tuy nhiên, tín hiệu tích cực là nhiều loại vắc-xin Covid-19, từ sản phẩm của Pfizer, Moderna của Mỹ, cho đến Sputnik V của Nga, đều cho kết quả thử nghiệm lâm sàng rất khả quan. Đây là cơ sở quan trọng để chính phủ các nước quyết định đẩy nhanh kế hoạch tiêm chủng đại trà để phòng bệnh.
Châu Âu: Tây Ban Nha, Đức hoàn thiện kế hoạch tiêm ngừa toàn quốc
Tờ Telegraph dẫn các nguồn tin từ Chính phủ Anh cho biết, các nhà lập pháp tại đây đang chuẩn bị đánh giá chính thức vắc-xin của Pfizer và BioNTech - sản phẩm có kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 được công bố là hơn 90%. Đồng thời, Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cũng được yêu cầu sẵn sàng phân phối vắc-xin từ ngày 1/12.
Được biết, Chính phủ Anh đã đặt tổng cộng 40 triệu liều vắc-xinCovid-19 và trong cuối năm nay có thể nhận được 10 triệu liều, đủ để tiêm cho 5 triệu người.
Tại Đức, Thủ tướng Angela Merkel ngày 26/11/2020 cho biết, Đức có thể phê chuẩn và triển khai kế hoạch tiêm vắc-xin cho các đối tượng ưu tiên ngay trước ngày 25/12. Đối tượng được ưu tiên là các nhân viên y tế tuyến đầu và người cao tuổi tại các cơ sở dưỡng lão. Tiếp đó, Chính phủ Đức sẽ tiêm ngừa cho người già hoặc mắc các bệnh kinh niên.
Đặt kế hoạch trễ hơn so với Anh và Đức, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết nước này sẽ bắt đầu tiêm vắc-xin Covid-19 từ tháng 1/2021 thông qua khoảng 13.000 trung tâm chủng ngừa, với mục tiêu tiêm chủng cho phần lớn dân số trong 3 tháng đầu năm.
Link bài viết
Trong số các nước châu Âu, Đức và Tây Ban Nha là 2 quốc gia hoàn thiện sớm nhất kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 ở quy mô toàn quốc để nhanh chóng đẩy lùi đại dịch. Trong khi đó, Nga sẽ công bố giá vắc-xin Sputnik V vào tuần này, với mức giá dự kiến thấp hơn đáng kể so với sản phẩm từ Pfizer và Moderna.
Mỹ: Dự kiến phân phối vắc-xin sau 10/12
Tổng thống Mỹ đương nhiệm Donald Trump mới đây tuyên bố sẽ khởi động chương trình tiêm ngừa cho bác sĩ, nhân viên y tế và người cao tuổi trong tuần tới, song chưa rõ vắc-xin của các hãng nào sẽ được phân phối. Ngoài 2 "ứng viên" với hiệu quả hơn 90% từ Moderna và Pfizer, Mỹ cũng đã đặt trước hàng trăm nghìn liều vắc-xin của AstraZeneca.
"Các loại vắc-xin sẽ được cung cấp trong tuần sau và tuần sau nữa. Bác sĩ tuyến đầu, y tá và rất nhiều người sẽ được tiêm chủng", ông Trump nói.
Còn Theo Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ Alex Azar, nước này có thể bắt đầu phân phối vắc-xin ngừa Covid-19 ngay sau ngày 10/12. "Chúng tôi hy vọng vào cuối tháng 12 sẽ có đủ vắc-xin để tiêm chủng cho những người dễ bị tổn thương nhất. Vào cuối tháng 1, chúng tôi sẽ có đủ vắc-xin để tiêm phòng cho những người cao tuổi cũng như các nhân viên chăm sóc sức khỏe", ông Azar nói
"Và sau đó, khi vắc-xin được sản xuất nhiều hơn, đến quý II năm tới, chúng tôi tin rằng sẽ có đủ vắc-xin tiêm ngừa cho tất cả người dân có nhu cầu", ông bổ sung.
Châu Á và thế giới: Sẽ tiêm ngừa vào cuối năm
Trước những tiến triển đạt được gần đây trong công tác điều chế vắc-xin Covid-19, chính phủ các nước Thái Lan, Canada cũng như Mexico dự kiến sẽ thực hiện tiêm chủng đại trà từ cuối năm nay hoặc đầu năm tới.
Trong khi đó, Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) đang làm việc với hơn 350 hãng hàng không và công ty vận chuyển hàng hóa để có thể cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin và khoảng 1 tỷ ống tiêm đến các nước như Burundi, Afghanistan và Yemen trong khuôn khổ COVAX - sáng kiến phân bổ vắc-xin Covid-19 toàn cầu phối hợp cùng Tổ chức Y tế thế giới.
Ngoài ra, tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 vừa diễn ra ở Saudi Arabia vào cuối tuần qua, lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng đã cam kết sẽ phân bổ công bằng vắc-xin, thuốc và kit xét nghiệm Covid-19 để các nước nghèo không bị bỏ rơi trong bối cảnh đại dịch.