Để góp phần giảm thiểu đến mức triệt tiêu khí nhà kính trên phạm vi toàn cầu, nhiều nước lớn đã cam kết sử dụng toàn bộ năng lượng tái tạo vào năm 2050. Song cũng có không ít nước nuôi tham vọng đạt mục tiêu trên trong vòng nửa đầu thế kỷ 21. Trong số này, phải kể đến Hàn Quốc.
Ngày 30/10 vừa qua, một diễn đàn do Viện Phát triển Năng lượng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc với sự tham dự của các chuyên gia ở cả 2 lĩnh vực công và tư, đã bàn bạc một cách nghiêm túc những vấn đề liên quan đến nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian sắp tới. Họ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm về việc chuyển đổi năng lượng đã diễn ra ở Anh, Na Uy, Nhật Bản, Đan Mạch, Mông Cổ và thảo luận những biện pháp có thể giúp Hàn Quốc chuyển đổi nguồn năng lượng từ chất liệu than đá và hạt nhân sang năng lượng tái tạo.
Hiện nay, mặc dù các nỗ lực phi carbon hóa (decarbonisation) chưa đủ đáp ứng tham vọng của Thỏa ước Paris (Paris Agreement), song diễn đàn cũng đã góp phần đưa ra những biện pháp giúp quá trình này được đẩy mạnh hơn. Anh là nước dẫn đầu các nỗ lực giảm thiểu carbon trong 18 năm qua, trong lúc vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kinh tế nhanh. Na Uy xây dựng một thủ đô với toàn ô tô chạy điện, chuyển tiếp từ dầu hỏa sang năng lượng tái tạo; tại Đan Mạch, thủ đô Copenhagen trở thành thành phố xanh của thế giới với hệ thống đường ống dẫn tại các quận dùng để sưởi ấm các căn hộ và có triển vọng trở thành thành phố không carbon đầu tiên trên thế giới vào năm 2025.
Song chuyển biến mạnh mẽ nhất lại đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, trong quá khứ vốn là 2 nước sản xuất năng lượng hạt nhân hàng đầu thế giới. Song họ cũng nhanh chóng gia nhập vào cộng đồng những quốc gia chuyển đổi sang năng lượng tái tạo.
Theo nhà nghiên cứu Hans-Josef Fell - Chủ tịch nhóm Tầm nhìn Năng lượng (Energy Watch Group) thành lập năm 2006, gồm nhiều nhà khoa học và nhà lập pháp độc lập trên thế giới: “Có thể đạt được 100% năng lượng tái tạo, và chúng tôi đang cùng làm việc với Hàn Quốc để đạt đến 100% mục tiêu đề ra”.
Cũng theo những dự báo của ông Fell, vào năm 2030, năng lượng mặt trời và năng lượng gió sẽ là những nguồn năng lượng rẻ nhất thế giới. Những nguồn năng lượng này đã tạo ra 10,3 triệu công ăn việc làm trong năm 2017, phần lớn tại châu Á. Các nhà nghiên cứu cũng dự kiến tỷ lệ đạt được về nguồn năng lượng tái tạo trên phạm vi toàn cầu vào năm 2050 như sau:
– Năng lượng mặt trời: 69%
– Năng lượng sinh học: 20%
– Năng lượng gió: 18%
– Năng lượng hydro: 8%
Fell tin rằng ý chí chính trị của các nhà lãnh đạo quốc gia sẽ đủ mạnh để nắm bắt nguồn năng lượng tái tạo trong thời kỳ chuyển tiếp, song cần có sự đầu tư trực tiếp của khu vực tư nhân trong những dự án sắp tới.
Một trong những nước thể hiện ý chí này mạnh mẽ nhất là Nhật Bản. Họ cam kết giảm thiểu việc lệ thuộc năng lượng hạt nhân vào năm 2030 và hoàn toàn phi carbon hóa vào năm 2050.
Về phần mình, Hàn Quốc đưa ra “Dự án thực hiện năng lượng tái tạo năm 2030”. Năm 2016, 25 lò phản ứng hạt nhân của nước này tạo ra 1/3 khối lượng điện của cả nước và biến Hàn Quốc thành nhà sản xuất năng lượng hạt nhân lớn thứ năm trên thế giới.
Để sớm đạt được thành công trong giai đoạn chuyển tiếp sang nguồn năng lượng tái tạo, chính phủ Seoul quyết định thực thi phương châm công - tư hợp tác. Họ cũng hy vọng sự chuyển đổi này sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm trong nước. Dự kiến đến năm 2030, Hàn Quốc sẽ có 68,3GW điện trên cả nước, chia ra như sau:
– Năng lượng mặt trời: 57%
– Năng lượng gió: 17,7%
– Năng lượng sinh học: 5%
– Thất thoát năng lượng: 6%
Các nhà quản lý ở Seoul tin tưởng vào mục tiêu đặt ra, biến Hàn Quốc thành một trong những quốc gia hàng đầu trên thế giới sử dụng năng lượng tái tạo, góp phần vào việc khắc phục tình trạng ô nhiễm đang lan rộng phạm vi toàn cầu.