Nhà quản lý IT chỉ có thể giải tốt bài toán kinh doanh khi trả lời được câu hỏi, bộ phận IT có thể làm gì để tăng lợi nhuận, giảm chi phí, với điều kiện và hoàn cảnh hiện tại của doanh nghiệp. |
Trước tốc độ thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ và sức ép ngày một lớn từ các doanh nghiệp sử dụng hệ thống công nghệ thông tin (Information Technology - IT) như một công cụ cạnh tranh, không thể phủ nhận tầm quan trọng của bộ phận IT tại doanh nghiệp hiện nay.
Nhưng trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn vướng phải quan niệm cho rằng, nơi này là “lỗ đen” hay “lò đốt tiền” - bộ phận mà đầu tư đổ vào không biết bao nhiêu cho đủ, song giá trị thu về lại rất khó xác định.
Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Vũ Mạnh Cường - Giám đốc IT của Tập đoàn Wilmar CLV - cho biết, cả nhà quản trị IT lẫn những người trực tiếp làm IT thường mắc phải thiếu sót là không chủ động tìm hiểu cũng như nắm bắt rõ ràng mục tiêu kinh doanh. Bên cạnh đó, khi nhìn nhận và trình bày vấn đề, bộ phận IT lại thường có khuynh hướng nói bằng ngôn ngữ kỹ thuật, gây khó hiểu cho những phòng ban khác, dù cả hai đang chia sẻ cùng một nội dung.
Tọa đàm “Nhà quản lý CNTT giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?” do Apex Global Corporation tổ chức |
Chia sẻ tại tọa đàm “Nhà quản lý CNTT giải quyết bài toán kinh doanh như thế nào?” do Apex Global Corporation tổ chức, vị giám đốc này nói: “Doanh nghiệp sống vì hai mục tiêu là tăng lợi nhuận và giảm chi phí. Do đó, cái mà bộ phận IT cần chính là đảm bảo thực hiện hai mục tiêu này. Nếu cung cấp được giải pháp tối ưu, bám sát với hai mục tiêu nói trên, bộ phận IT có thể đề xuất bất cứ điều gì mình mong muốn”.
Dĩ nhiên, sẽ không có một hình mẫu phần mềm hay hệ thống IT chung dành cho tất cả doanh nghiệp, vì các yếu tố cấu thành nó ở mỗi tổ chức là khác nhau. Một hệ thống, phần mềm, website hay ứng dụng di động... mang lại giá trị cho doanh nghiệp này chưa chắc sẽ có giá trị với doanh nghiệp khác.
Thế nên, nhà quản lý IT chỉ có thể giải bài toán kinh doanh một cách hiệu quả nhất khi trả lời được câu hỏi, bộ phận IT có thể làm gì để tăng lợi nhuận, giảm chi phí, với các điều kiện và hoàn cảnh hiện tại của doanh nghiệp? Mọi giải pháp, hệ thống hay phần mềm được bộ phận IT xây dựng và phát triển cho doanh nghiệp đều cần dựa trên sự nhận thức này.
Và để giúp nhà quản lý IT đi tới đề xuất giải pháp phần mềm phù hợp nhất cho doanh nghiệp, ông Cường cũng chia sẻ quy trình phân tích kinh doanh đơn giản với các bước như sau. Đầu tiên, dựa trên điều kiện doanh nghiệp và diễn biến thị trường, nhà quản lý IT cần thiết khoanh vùng phạm vi phân tích.
Tiếp theo, nhà quản lý cần xác định không chỉ cơ hội mà cả những vấn đề có thể phát sinh, đi kèm tham khảo ý kiến từ các chuyên gia. Bước cuối cùng mới là đề xuất giải pháp tối ưu, đảm bảo mang lại giá trị kinh doanh, bám sát mục tiêu và thoả mãn đầy đủ các tính năng mà người sử dụng cuối cùng yêu cầu.
Ngoài việc bám sát mục tiêu “tăng lợi nhuận, giảm chi phí”, người quản lý IT cần thiết xây dựng mối quan hệ chặt chẽ cùng các phòng ban khác, mà cụ thể là những nơi sẽ trực tiếp sử dụng giải pháp của mình, bên cạnh các cấp lãnh đạo.
Thêm vào đó, người quản lý cũng nên vận dụng linh hoạt các hình thức quản trị, như “cây gậy và củ cà rốt”, khơi gợi giá trị bằng sức mạnh của truyền thông nội bộ hay thậm chí dùng “quyền lực cứng” trong một vài trường hợp, để có thể khiến bộ phận IT thực sự hiểu và nhận ra tầm quan trọng của công việc kinh doanh. Đây là cách để người quản lý và bộ phận IT có thể “bơi ra” từ ốc đảo biệt lập của mình.
Liên quan đến vấn đề này, ông Bùi Minh Long - Giám đốc Trung tâm phát triển phần mềm ở Sendo.vn - khuyên, nhà quản lý IT phải giúp cho các thành viên trong bộ phận hiểu rõ và nhìn thấy tầm nhìn chung, mục tiêu chung, để từ đó cùng phân tích, tìm và giải bài toán kinh doanh.
Còn theo ông Cường, nếu muốn rời khỏi “ốc đảo” của mình, nhà quản lý lẫn bộ phận IT cần thiết trau dồi thêm kiến thức cũng như kỹ năng khác ngoài chuyên môn công nghệ thông tin như sale, marketing, kế toán... để chí ít có thể hiểu những gì mà các phòng ban khác chia sẻ và tìm được tiếng nói chung, giúp giải pháp công nghệ đề xuất không xa rời thực tế, bám sát mục tiêu kinh doanh.