Hà Nội tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây
Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền vừa ký ban hành Kế hoạch số 328/KH-UBND ngày 18/11/2024 về việc triển khai Đề án “Tăng cường quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn TP. Hà Nội năm 2025.”
Kế hoạch nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan trong công tác quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn Thành phố theo đúng quy định của pháp luật, góp phần thiết lập trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Mục tiêu là định hướng, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch; hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm; tăng cường thanh kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo trái cây lưu thông trên địa bàn được kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, điều kiện an toàn thực phẩm; xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây tự phát không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm và trật tự đô thị.
Đồng thời, kế hoạch cũng nhấn mạnh việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các chủ thể kinh doanh trái cây trên địa bàn thành phố và nhận thức của người tiêu dùng, tạo thói quen mua sắm tại các cửa hàng được cấp biển nhận diện, không mua trái cây tại các điểm kinh doanh không rõ nguồn gốc và không đảm bảo chất lượng.
Đến năm 2025, Hà Nội phấn đấu đạt 100% cửa hàng kinh doanh trái cây thuộc đối tượng của Đề án có đăng ký kinh doanh; 100% người kinh doanh trái cây được đào tạo, tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm; 100% cửa hàng kinh doanh thuộc đối tượng của Đề án được cấp biển nhận diện "cửa hàng kinh doanh trái cây an toàn," có biển hiệu và đầy đủ trang thiết bị, phương tiện bảo quản trái cây bảo đảm chất lượng, lưu giữ trái cây tươi theo quy định khi đến tay người tiêu dùng.
UBND TP. Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ động phối hợp với các sở, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan tham mưu, đề xuất kịp thời với UBND TP. Hà Nội các giải pháp nhằm thực hiện Đề án hiệu quả. Đồng thời, phối hợp, hướng dẫn ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã, các đơn vị liên quan triển khai các nội dung tại Đề án. Thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc, nhiệm vụ phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây trên địa bàn nghiêm túc chấp hành quy định pháp luật và các quy định tại Đề án. Đầu tư nâng cấp, cải tạo cửa hàng và trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh trái cây, bố trí người lao động định kỳ khám sức khỏe, tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm.
Qua đó, tiến tới xây dựng hệ thống máy thu ngân, thanh toán nối mạng phục vụ nâng cao hiệu quả công tác quản lý và hoạt động kinh doanh chuỗi thực phẩm an toàn. Mặt khác, các tổ chức, cá nhân kinh doanh trái cây được yêu cầu phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị liên quan tham gia chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm trái cây an toàn của các tỉnh, thành phố phục vụ nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.