Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết - Thành ủy viên, Phó thường trực Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, Luật đất đai giữ vai trò căn bản trong hệ thống pháp luật, có ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách trong rất nhiều bộ luật khác nhau, tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Việc lấy ý kiến về các nội dung của dự thảo Luật là vấn đề quan trọng, giúp việc thực hiện không trở thành rào cản cho sự phát triển kinh tế xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của người dân và các tổ chức xã hội.
Cụ thể mục đích của việc thu hồi đất, mức bồi thường
Theo ông Ngô Thái Bình - Trưởng ban Pháp luật, Báo Pháp Luật TP.HCM, Điều 62 dự thảo Luật Đất đai sửa đổi quy định nhà nước sẽ thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích như phục vụ an ninh quốc phòng, phục vụ lợi ích quốc gia công cộng, phát triển kinh tế - xã hội. Theo ông Bình, việc “thu hồi đất vì mục đích quốc phòng” khiến người dân bất bình vì việc bồi thường, hỗ trợ không được như mục đích thương mại.
Ông Bình nêu thắc mắc: “Dù thu hồi đất vì mục đích gì thì tâm lý người dân cũng mong việc bồi thường như mục đích thương mại để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Mọi người đều có quyền lợi và nghĩa vụ đóng góp cho an ninh quốc phòng, tại sao những người dân có đất bị thu hồi lại phải thiệt thòi hơn?".
Đồng quan điểm, ông Đặng Tiến Long - Báo Tuổi Trẻ phân tích: Việc thu hồi đất cho mục đích an ninh quốc phòng hay thu hồi vì lợi ích kinh tế, phát triển kinh doanh hiện khá mơ hồ, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) lập lờ khái niệm để thu hồi đất của người dân, gây nên bức xúc trong xã hội, dẫn đến khiếu kiện về vấn đề này chiếm tỷ lệ cao nhất.
“Cần sửa Luật đất đai, coi đất đai là tài sản để người dân được xác lập các quyền với tài sản. Với việc thu hồi đất cho mục đích kinh tế nên để từng DN hay tổ chức kinh tế đứng ra thương lượng với người dân, còn mục đích an ninh quốc phòng thì Nhà nước mới đứng ra thương lượng”, ông Long nhấn mạnh.
Liên quan đến việc bồi hoàn cho người dân bị thu hồi đất, ông Lê Công Đồng - Giám đốc Đài tiếng nói Nhân dân TP.HCM (VOH) cho rằng, cần làm rõ khái niệm “bồi hoàn thỏa đáng”. Thời gian qua, nhiều vụ việc hỗ trợ, tái định cư của người có đất bị thu hồi chưa thỏa đáng dẫn đến tình trạng người dân không đồng thuận, bức xúc làm phát sinh các tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.
Do đó, theo ông Đồng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần cụ thể, minh bạch các quy định, nhằm bảo đảm quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, chẳng hạn như phải cụ thể hóa các tiêu chí như “bồi hoàn thỏa đáng”… Việc xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần thực hiện trước khi có quyết định thu hồi đất; bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, công khai, kịp thời và đúng quy định; việc tái định cư bảo đảm các điều kiện về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Trước đó Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng đã tổ chức lấy ý kiến của rất nhiều đối tượng về dự thảo luật này |
Đồng bộ Luật đất đai với các luật có liên quan
Theo ông Đồng, hiện tại trong Luật đất đai có nhiều nội dung mâu thuẫn, chồng chéo với các luật có liên quan “làm khó” cơ quan quản lý, chính quyền địa phương và người dân, DN, khiến đất đai chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả.
Bởi vậy, việc đồng bộ giữa Luật đất đai và các luật có liên quan là một yêu cầu quan trọng đặt ra trong tiến trình sửa luật. Đặc biệt, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban soạn thảo của các đạo luật có liên quan như Luật đấu thầu, Luật đầu tư, Luật nhà ở… để xác định phạm vi điều chỉnh của từng luật, bảo đảm có sự kết nối chặt chẽ giữa thủ tục hành chính về đất đai với các thủ tục hành chính khác, bên cạnh việc cần thiết giao Chính phủ bảo đảm việc áp dụng một cách thống nhất trên cả nước. Lãnh đạo VOH kiến nghị, trước khi Quốc hội thông qua dự thảo, nên có một kênh phản biện vấn đề chồng chéo này. Phải làm cho rõ các bộ liệu đã thống nhất đối với nội dung của luật này hay chưa. Nếu đã thống nhất, sau này có sự chồng chéo quy định giữa Luật đất đai với các luật, các bộ có chấp nhận lấy Luật đất đai làm gốc hay không?
Về nguyên tắc, thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền với đất, quy định hiện hành, trường hợp thửa đất có nhiều người sử dụng chung thì có hai hình thức cấp giấy chứng nhận: Một là, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cấp quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất cho từng cá nhân sau khi đã xác định được quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của từng người.
Hai là, cấp chung một giấy chứng nhận nếu những người sử dụng đất có thỏa thuận bằng văn bản (có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật) về việc cấp một giấy chứng nhận cho người đại diện của nhóm người cùng sử dụng đất (hoặc cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc cùng sử dụng đất và cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất).
Còn theo ông Bình, việc có hai phương án cho ghi tên một người đại diện hoặc mọi người cùng đứng tên sẽ tạo ra sự không đồng nhất. Vì thế, theo ông Bình, nên làm rõ ai có quyền sử dụng đất để chọn cách ghi tên thống nhất, ông nói: “Hoặc là ghi đầy đủ mọi thành viên, hoặc là chỉ ghi một người đại diện, không nên đưa ra hai phương án sẽ tạo ra sự không đồng nhất”.
Tại hội nghị này, nhiều đại biểu khác cũng nêu ý kiến về quy định thu hồi đất hiện nay và trong dự thảo Luật đất đai.