Theo Tờ trình của Chính phủ, ý kiến đóng góp của nhân dân sẽ được tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và được nghiên cứu, tiếp thu, giải trình nghiêm túc để hoàn thiện dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và báo cáo Quốc hội. Việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân sẽ thông qua hình thức góp ý trực tiếp bằng văn bản; tổ chức hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thông qua cổng thông tin điện tử của cơ quan có thẩm quyền và các các cơ quan thông tấn báo chí; điều tra xã hội học và các hình thức khác phù hợp. Thời gian lấy ý kiến nhân dân về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) bắt đầu từ ngày 3/1 - 28/2/2023. Tại phiên họp, nhiều đề xuất lấy ý kiến nhân dân từ ngày 3/1 - 15/3/2023.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, cần xác định vấn đề trọng tâm, trọng điểm, đối tượng và cách thức tổ chức để bảo đảm lấy ý kiến nhân dân thiết thực, hiệu quả, thực chất. Tinh thần chung là "mọi quyết sách lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm", việc lấy ý kiến nhân dân cần có cách thức phù hợp để tránh tính hình thức. Chủ tịch Quốc hội cũng gợi ý, cần làm rõ xác định vấn đề trọng tâm, địa bàn trọng điểm, lĩnh vực trọng điểm, đối tượng bị tác động trực tiếp khi tổ chức lấy ý kiến.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh:Doãn Tấn |
Kết luận nội dung thảo luận này, theo Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ UBTVQH cơ bản thống nhất mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung, hình thức lấy ý kiến nhân dân về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Chính phủ trình. UBTVQH đề nghị Chính phủ xác định đây là nội dung công việc đặc biệt quan trọng, cần thực hiện thực chất, hiệu quả để phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ của nhân dân, tạo sự đồng thuận, bảo đảm tính khả thi của luật khi áp dụng. Đồng thời, Chính phủ cần rà soát các vấn đề trọng tâm lấy ý kiến nhân dân để tập trung vào những nội dung cần thiết, phù hợp.