Xây dựng thương hiệu - con đường ra biển lớn

THANH NGÂN| 23/06/2016 03:25

Với hoạt động đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của DN, năm nay có đến 10 thương hiệu Việt Nam lọt vào danh sách Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á.

Xây dựng thương hiệu - con đường ra biển lớn

Thương hiệu là tài sản vô hình có giá trị đôi khi lớn hơn rất nhiều so với tài sản hữu hình của doanh nghiệp (DN). Với hoạt động đầu tư mạnh mẽ cho sự phát triển của DN, năm nay có đến 10 TH Việt Nam lọt vào danh sách Top 1.000 TH hàng đầu châu Á.  

Đọc E-paper

Có công mài sắt...

Theo báo cáo thường niên Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á - một nghiên cứu toàn diện về nhận thức thương hiệu dưới góc độ người tiêu dùng vừa được Tạp chí Campaign Asia - Pacific công bố, những công ty lớn toàn cầu tiếp tục dẫn đầu danh sách Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á. Theo đó, Samsung - thương hiệu điện tử đến từ Hàn Quốc vẫn là thương hiệu được ưa chuộng nhất tại khu vực châu Á năm thứ 6 liên tiếp.

Đứng vị trí thứ 2 trong danh sách này là Apple của Mỹ, thứ 3 là Sony, Nestlé ở vị trí thứ 4 và Panasonic đứng thứ 5. Bên cạnh đó, 5 thương hiệu khác tiếp tục giữ được vị trí trong top 10 lần lượt là Nike, LG, Canon, Chanel và adidas.

Điều đáng ghi nhận là trong Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á có 10 thương hiệu Việt Nam. Trong đó, Vietjet Air đứng thứ 490, Viettel xếp thứ 501, Petrolimex 512, Vinamilk 558, Mobifone 605, Trung Nguyên 626, Hảo Hảo 654, Vietnam Airlines 708, Vietcombank 753 và P/S 807. Đây là những thương hiệu Việt Nam được người tiêu dùng khu vực châu Á nhắc đến khi được hỏi đâu là thương hiệu tốt nhất trong tâm trí họ. Hiện các thương hiệu châu Á đang lớn dần lên và so kè cùng các thương hiệu toàn cầu như Samsung, Apple, Nestlé...

Trong danh sách 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á, số lượng các thương hiệu Việt Nam còn khiêm tốn nhưng cũng cho thấy sự nỗ lực của các DN trong việc đầu tư xây dựng hình ảnh công ty, họ đã nhận thức được thương hiệu là tài sản vô hình, có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh. Theo ông Lại Tiến Mạnh, Giám đốc Công ty Mibrand, thương hiệu chính là giá trị tài sản vô hình, lớn hơn nhiều so với tài sản hữu hình của DN. Giá trị thương hiệu mạnh sẽ tỷ lệ thuận với việc gia tăng tài sản DN.

(Nguồn: Báo cáo Top 1.000 thương hiệu hàng đầu châu Á 2016)

Thành công = chinh phục niềm tin người tiêu dùng

Tại Việt Nam, Brand Footprint năm 2016 - Bảng xếp hạng toàn cầu của những nhãn hàng tiêu dùng được chọn lựa nhiều nhất trên thế giới và của từng quốc gia do Kantar World Panel phát hành vào cuối tháng 5/2016 đánh giá Vinamilk là nhãn hiệu dẫn đầu (Number 1 brand by country) thông qua 3 hạng mục: hàng tiêu dùng nhanh, nước giải khát và thực phẩm.

Để có được vị thế này, Vinamilk đã trải qua hành trình 40 năm xây dựng và phát triển với việc đẩy mạnh đầu tư công nghệ, nghiên cứu sản phẩm mới, mở nhà máy mới trong và ngoài nước... Mới đây, Vinamilk đã tăng vốn đầu tư thêm 3 triệu USD vào Driftwood (Mỹ), nâng tổng vốn đầu tư vào đơn vị này lên 10 triệu USD và tăng tỷ lệ sở hữu từ 70% lên 100%.

Cùng với đó, Vinamilk cũng khánh thành nhà máy sữa Angkor (Vinamilk chiếm 51% cổ phần) - nhà máy sữa đầu tiên và duy nhất tại Campuchia. Tất cả những hoạt động này hướng đến mục tiêu đạt 3 tỷ USD doanh thu trong năm 2017 và lọt vào Top 50 DN sữa hàng đầu thế giới.

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2016 tổ chức tháng trước, các cổ đông Vinamilk đã được thông báo kế hoạch nới room cho nhà đầu tư ngoại. Nhiều cổ đông lo ngại việc này sẽ khiến thương hiệu Vinamilk thuộc về nước ngoài. Tuy nhiên, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk cho rằng, hiện nay, Vinamilk được định giá trên 7,5 tỷ USD, trong đó, riêng giá trị thương hiệu đã là 7 tỷ USD nên nhà đầu tư nước ngoài muốn mua cổ phần Vinamilk cũng vì thương hiệu của Công ty.

"Phải mất 40 năm để gây dựng thương hiệu được như ngày hôm nay nên tôi nghĩ nhà đầu tư nước ngoài không dễ gì bỏ qua một thương hiệu tốt như thế. Việc nới room cho nhà đầu tư ngoại sẽ mang đến nhiều cơ hội hơn để Vinamilk vươn ra nước ngoài và trở thành thương hiệu đa quốc gia", bà Mai Kiều Liên nói.

Đánh giá về việc đầu tư xây dựng thương hiệu của DN trong nước, bà Nguyễn Hương Quỳnh, Tổng giám đốc Công ty Nielsen Việt Nam cho biết, bà rất tự hào trước việc các DN gặt hái được những thành công nhất định khi đưa thương hiệu đến tầm khu vực. "Tôi tin, nếu các DN nội địa tiếp tục nâng cao hình ảnh thương hiệu, giữ vững niềm tin nơi người tiêu dùng và tiếp tục mang đến những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất thì thương hiệu sẽ còn lớn mạnh hơn nữa, vươn tầm quốc tế”, bà Hương Quỳnh nói.

>M&A: Lợi thế của tài sản vô hình

>Cần luật hóa tài sản vô hình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Xây dựng thương hiệu - con đường ra biển lớn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO