TP.HCM cần những chính sách hỗ trợ thiết thực

Nguyễn Mạnh Tuệ*| 29/07/2019 06:24

Để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, TP.HCM cần tháo gỡ những điểm nghẽn trong chính sách xuất nhập khẩu.

TP.HCM cần những chính sách hỗ trợ thiết thực

Thời gian qua, TP.HCM đã tập trung phát triển 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí chế tạo, điện tử - CNTT, chế biến tinh lương thực thực phẩm, hóa chất - cao su - nhựa), và đã được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, có thể thấy có rất ít chính sách hỗ trợ thiết thực đi kèm. Trong đó, nhà đầu tư khó khăn về tìm mặt bằng, vào khu công nghiệp (KCN) thì giá thuê cao, đặc biệt là có 3/4 ngành liên quan đến ô nhiễm môi trường không được khuyến khích (cơ khí, hóa chất, chế biến tinh lương thực thực phẩm). Do đó, cơ quan chức năng ở thành phố cần có những chính sách hỗ trợ thiết thực hơn, cụ thể như: Hỗ trợ một phần giá thuê đất trong các KCN; xây dựng và vận hành hệ thống tập trung xử lý nước thải, chất thải dài hạn cho doanh nghiệp (DN). Hỗ trợ làm các thủ tục liên quan cho DN thực hiện dự án (đăng ký kinh doanh, đất đai, sở hữu trí tuệ, hải quan, hoàn thuế, tư vấn pháp luật, xúc tiến thương mại, đào tạo nguồn nhân lực...). 

Những ngành hàng đang chiếm ưu thế xuất khẩu như dệt may, da giày, chế biến gỗ... vẫn chưa khắc phục được nhược điểm về thâm dụng lao động, năng suất phụ thuộc nhiều vào thiết bị lạc hậu. Tương lai phải đầu tư vào thiết kế thời trang, xây dựng thương hiệu, chuyển dịch theo hướng sản xuất bằng công nghệ cao. Mặt khác, cần trọng tâm vào các ngành có giá trị gia tăng cao, phù hợp điều kiện thành phố như phần mềm tin học, dịch vụ tài chính, du lịch y tế (phẫu thuật thẩm mỹ, nha khoa...). Về nông nghiệp, đặt trọng tâm vào sản xuất cây, con giống, công nghệ sinh học... 

Nhằm hỗ trợ DN sản xuất xuất khẩu sản phẩm, TP.HCM cũng có hỗ trợ xúc tiến thương mại (XTTM), tham gia hội chợ quốc tế nhưng hiệu quả chưa cao; chưa thiết thực so với nhu cầu DN. Việc tổ chức các đoàn đi XTTM thường do các cơ quan nhà nước chủ trì, chương trình tiếp xúc tìm đối tác không nhiều, không đúng đối tượng và chi phí cao hơn so với các hội ngành nghề tổ chức. 

Vì vậy, cần tái cơ cấu tổ chức hoạt động XTTM, như dành quỹ đất xây dựng trung tâm hội chợ, triển lãm mang tầm vóc quốc tế để DN trong nước kết nối với DN nước ngoài thường xuyên có giao dịch tại TP.HCM. Hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức hội chợ triển lãm, để tổ chức dẫn đoàn doanh nhân đi XTTM ra nước ngoài. Kinh phí này sẽ giao cho những đơn vị đủ điều kiện thực hiện với sự giám sát chặt chẽ việc sử dụng ngân sách đúng quy định (không nhất thiết chỉ giao cho đơn vị Nhà nước thực hiện). 

Khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung nổ ra, DN Việt Nam nhận được nhiều đơn đặt hàng sản xuất tại VN để xuất khẩu đi Mỹ, châu Âu. Để xuất khẩu thiết bị điện vào Mỹ cần chứng nhận UL, vào châu Âu cần CE Marking nhưng hiện nay ở Việt Nam chưa có tổ chức nào đứng ra hướng dẫn, thực hiện cấp hai chứng nhận này. DN phải tự tìm tòi thông tin từ trụ sở chính của UL bên Mỹ, rất mất thời gian... mà không có kết quả. Hiệp hội DN TP.HCM kiến nghị để những sản phẩm VN xuất khẩu mạnh mẽ, các cơ quan liên quan phải có định hướng giúp DN đạt các chứng nhận này, cũng như phổ biến các quy định khác trong giao thương quốc tế cho DN biết, làm theo; cần giao nhiệm vụ cho một Sở/ngành làm đầu mối hướng dẫn, cung cấp thông tin cho DN thành phố. 

Bên cạnh đó, cũng cần khắc phục tình hình kiểm tra DN nhiều lần. Thủ tướng Chính phủ đã quy định không kiểm tra DN quá một lần/năm nhưng thực tế DN vẫn bị kiểm tra nhiều lần. Khi bị kiểm tra thì DN không còn tập trung và ảnh hưởng không tốt đến sản xuất kinh doanh. Có nhiều trường hợp kiểm tra chỉ để... thương lượng. Cần chấn chỉnh lại, xóa bỏ hiện tượng này, ngăn ngừa các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN. 

* Ông Nguyễn Mạnh Tuệ - Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa - Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
TP.HCM cần những chính sách hỗ trợ thiết thực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO