Quyền sở hữu trí tuệ: Không thể lơ là

DANH BÙI| 07/01/2019 00:00

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, đặc biệt là những tranh chấp về sở hữu trí tuệ (SHTT), một lần nữa đánh động các nhà quản trị doanh nghiệp về tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp, tăng cường năng lực quản lý để bảo vệ cũng như tránh vi phạm quyến SHTT của bất cứ quốc gia nào khác, khi tham gia vào "cuộc chơi" toàn cầu.

Quyền sở hữu trí tuệ: Không thể lơ là

Nhận diện quyền sở hữu trí tuệ

Theo Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, quyền SHTT là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tài sản trí tuệ, bao gồm quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp và quyền đối với giống cây trồng, vật nuôi. Theo định nghĩa của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), SHTT chia thành hai nhóm chính.

Thứ nhất là sở hữu công nghiệp, bao gồm 6 nhóm đối tượng là sáng chế và các giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, thiết kế bố trí hoặc mạch tích hợp bán dẫn, chỉ dẫn địa lý và bí mật thương mại. Thứ hai là quyền tác giả và quyền liên quan, gồm các tác phẩm thuộc lĩnh vực văn học và nghệ thuật, kể cả phần mềm máy tính và sưu tập dữ liệu. Như vậy, quyền SHTT liên quan đến rất nhiều hoạt động sáng tạo, sản xuất, kinh doanh.

Trong những năm qua, pháp luật về SHTT của Việt Nam đã liên tục được cập nhật, cải tiến, từ Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, cho đến các bộ luật liên quan ít nhiều đến bảo hộ quyền SHTT, như Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Tố tụng hình sự, Luật Cạnh tranh, Luật Hải quan, Luật Công nghệ thông tin, Luật Điện ảnh, Luật Khiếu nại, Luật Xử lý vi phạm hành chính... Mặt khác, các văn bản dưới luật liên quan trực tiếp đến SHTT cũng đã được ban hành khá nhiều.

Việt Nam đã tham gia khá tích cực vào các tổ chức quốc tế liên quan đến bảo hộ quyền SHTT, như Công ước Paris về bảo hộ sở hữu công nghiệp, Hiệp định Madrid về đăng ký nhãn hiệu quốc tế, Tổ chức Sở hữu trí tuệ Quốc tế (World Intellectual Property Organization - WIPO), Hiệp ước Hợp tác sáng chế (PCT), Hiệp định khung ASEAN về Hợp tác Sở hữu trí tuệ, Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Công ước Geneva về bảo hộ người sản xuất bản ghi âm, Công ước Brussels liên quan đến việc phân phối các tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa, Nghị định thư Madrid, Liên hiệp hội Quốc tế các tác giả và nhà soạn nhạc, Hiệp định Song phương về bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ Việt Nam - Hoa Kỳ, Việt Nam - Thụy Sĩ...

Như vậy, có thể thấy pháp luật của Việt Nam về SHTT khá đầy đủ, kịp thời, phù hợp với những biến đổi của môi trường kinh doanh và tiến trình hội nhập quốc tế.

Vi phạm còn phổ biến

Tuy nhiên, trong thực tế, Việt Nam vẫn bị coi là một trong những quốc gia vi phạm quyền SHTT khá phổ biến. Trong Báo cáo về quyền SHTT công bố năm 2013, Liên minh Quyền sở hữu (Property Rights Alliance- PRA) đã xếp Việt Nam hạng 112/130 nước về bảo hộ quyền SHTT và hạng 13/18 nước trong khu vực về bảo hộ tác quyền.

Vi phạm bản quyền phần mềm là một trong những lĩnh vực vi phạm quyền SHTT nghiêm trọng tại Việt Nam. Từ năm 2006 đến 2015, Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã thanh tra gần 550 doanh nghiệp và kiểm tra hơn 27.600 máy tính, đã lập gần 500 quyết định xử phạt hành vi sử dụng phần mềm không có bản quyền, với số tiền phạt hơn 8,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo đánh giá của Liên minh Phần mềm doanh nghiệp (BSA), tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm máy tính tại Việt Nam mặc dù có giảm, vẫn còn rất cao (khoảng 80%) so với mức trung bình của khu vực Chấu Á - Thái Bình Dương (62%), Tây Âu (29%), Bắc Mỹ (19%).

Tình trạng kinh doanh phim, nhạc, sách lậu cũng diễn ra phổ biến. Trong lĩnh vực điện ảnh, vi phạm bản quyền phim ảnh tràn lan đến mức Liên minh Sở hữu trí tuệ Quốc tế (International Intellectual Property Alliance -IIPA) đã đưa Việt Nam vào danh mục các nước cần quan tâm.

Thống kê từ Cục Điện ảnh cho thấy hơn 400 website tiếng Việt đang hoạt động theo cách chiếu công khai hàng chục ngàn bộ phim Việt Nam và nước ngoài trên internet, hầu hết trong số đó không mua bản quyền. Báo cáo hằng năm của IIPA hay của Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) vẫn bày tỏ quan ngại về việc một số trang web hay dịch vụ chia sẻ file tại Việt Nam cho phép người dùng dễ dàng tải nhạc lậu. Trong lĩnh vực xuất bản, sách lậu hiện chiếm khoảng 20 - 30% trên thị trường, với cách thức ngày càng tinh vi.

Vấn đề không thể xem thường

Để giảm thiểu tình trạng vi phạm quyền SHTT và ứng phó với thách thức có thể xảy ra, Nhà nước đã tìm nhiều cách tăng cường hiệu quả trong cơ chế xử lý vi phạm quyền SHTT tại các cơ quan thanh tra, an ninh mạng và tòa án.
Tuy nhiên, về phía các nhà quản trị, cần thay đổi nhận thức và thói quen, tăng cường các phương thức tuyên truyền, giáo dục nhân viên tuân thủ pháp luật về quyền SHTT.

Đối với doanh nghiệp, cần quan tâm hơn tới vấn đề SHTT và thực thi quyền SHTT, xây dựng văn hóa tôn trọng quyền SHTT và đưa ra các tiêu chí cụ thể liên quan đến SHTT và thưởng, phạt nghiêm minh. Doanh nghiệp cũng cần có những bước chuẩn bị về tài chính, nhân lực và kỹ thuật để tránh khiếu kiện có thể xảy ra trong quá trình hội nhập. Các doanh nghiệp liên quan đến ngành kỹ thuật số cần trang bị công cụ bảo mật hiệu quả để chống bị ăn cắp bản quyền sản phẩm. Các nhà cung cấp dịch vụ internet (ISP) không cung cấp dịch vụ cho các tổ chức, doanh nghiệp vi phạm bản quyền.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Quyền sở hữu trí tuệ: Không thể lơ là
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO