Phong cách quản trị: Chọn “trên xuống” hay “dưới lên”

MBA. BÙI MẠNH THẮNG| 29/03/2016 06:38

Quản trị theo kiểu bottom up là phong cách khá phổ biến, được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn.

Phong cách quản trị: Chọn “trên xuống” hay “dưới lên”

Sau khi được bổ nhiệm làm HLV trưởng đội tuyển quốc gia Việt Nam, HLV Nguyễn Hữu Thắng đã phát biểu về quan điểm tuyển chọn đội ngũ trợ lý cho mình: “Tôi chọn đội ngũ trợ lý không phải để làm việc xách nước hay sếp marker, nhặt bóng. Tôi cần người có chính kiến, có tư duy phản biện để đưa ra các góp ý cho tôi, bởi vì tôi có thể đúng có thể sai trong quá trình làm việc”.

Người viết tin rằng HLV Nguyễn Hữu Thắng sẽ thành công với cương vị mới đầy thách thức. Cơ sở của niềm tin này chính là phong cách quản trị của anh, nó khá khác biệt ở Việt Nam nhưng đã phổ biến trên thế giới.

Gần đây, trên tạp chí Harvard Business Review có một bài viết về phong cách quản trị, có đoạn: “Trong một tổ chức, người lãnh đạo nên lắng nghe ý kiến phản biện khác nhau của nhân viên cấp dưới, nếu không người lãnh đạo có thể mắc sai lầm trong điều hành và quản trị tổ chức. Rộng hơn trong một quốc gia, người lãnh đạo không lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân thì rất dễ trở thành nhà độc tài”.

Quay lại trong vấn đề quản trị tổ chức, thông thường có hai trường phái: quản trị từ trên xuống (top down), quản trị từ dưới lên (bottom up). Mỗi phong cách có ưu/ nhược điểm khác nhau và phù hợp với mỗi giai đoạn khác nhau của một tổ chức. Các phân tích dưới đây có thể làm cơ sở giúp các nhà lãnh đạo lựa chọn phương pháp quản trị phù hợp với văn hóa và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp mình.

1. Phong cách quản trị từ trên xuống

Nhà lãnh đạo, nhà quản lý đưa ra chiến lược, kế hoạch, mục tiêu và yêu cầu nhân viên thực hiện.

Ưu điểm: Tính thống nhất, tính kỷ luật luôn được nhất quán, đảm bảo mục tiêu của nhà lãnh đạo/ người quản lý được thực hiện.

Nhược điểm: Không tận dụng được tối đa nguồn nhân lực của tổ chức, đôi khi không phản ánh đúng quy luật của thị trường và thường bị động trong điều chỉnh kế hoạch, chiến lược của tổ chức.

Phong cách này có thể thích hợp đối với công ty có quy mô nhỏ, dễ kiểm soát.

2. Phong cách quản trị từ dưới lên

Trước khi quyết định lập chiến lược,kế hoạch hay mục tiêu, nhà lãnh đạo/ nhà quản lý sẽ tổ chức các buổi họp, buổi thảo luận lắng nghe nhân viên cấp dưới trình bày ý kiến của mình về các vấn đề mà mình phụ trách. Sau khi trao đổi, phản biện, thu thập ý kiến, giải pháp, nhà lãnh đạo/ quản lý đưa ra chiến lược/kế hoạch hay mục tiêu để thực hiện.

Ưu điểm: Chiến lược/ kế hoạch hay mục tiêu của nhà lãnh đạo dễ dàng thực hiện vì có sự tham gia từ cấp dưới, phản ánh chính xác nhu cầu của thị trường, của khách hàng, do đó khả năng thành công rất cao. Ngoài ra, phong cách này cũng giúp nhà lãnh đạo chủ động và linh hoạt trong điều chỉnh khi thị trường có sự thay đổi, tối ưu hóa nguồn nhân lực của công ty. Phong cách này được sử dụng phổ biến trong các tổ chức lớn, các tập đoàn đa quốc gia.

Nhược điểm: Đôi khi “lắm thầy nhiều ma”, nhà lãnh đạo khó ra quyết định nhanh chóng và dứt khoát.

Được biết, quản trị theo kiểu bottom up là phong cách khá phổ biến, được nhiều doanh nghiệp trên thế giới lựa chọn.

>6 phẩm chất quan trọng của nhà lãnh đạo thành công

>5 cách truyền cảm hứng cho nhân viên

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Phong cách quản trị: Chọn “trên xuống” hay “dưới lên”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO