Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

Nguyễn Hoàng| 29/08/2019 06:58

Ngày 20/8/2019, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Nghị quyết số 50-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030.

Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030

Mục tiêu tổng quát của Nghị quyết số 50-NQ/TW là: “Hoàn thiện thể chế, chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài (ĐTNN) có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế; đáp ứng yêu cầu đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, bảo vệ môi trường, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khắc phục căn bản những hạn chế, bất cập đang tồn tại trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thực hiện thể chế, chính sách về hợp tác ĐTNN. Tạo lập môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc nhóm ASEAN 4 trước năm 2021, thuộc nhóm ASEAN 3 trước năm 2030”. Báo Doanh Nhân Sài Gòn trích đăng một số ý kiến của các chuyên gia kinh tế xung quanh những nội dung đề cập ở Nghị quyết quan trọng này.

GS-TSKH. Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ĐTNN

Tại Nghị quyết 50-NQ/TW, Bộ Chính trị đã đánh giá đầy đủ hơn thành quả Việt Nam đạt được trong hoạt động thu hút ĐTNN. Sau 30 năm đón vốn ĐTNN, Việt Nam đã có hơn 23.000 dự án ĐTNN với tổng số vốn đăng ký trên 300 tỷ USD, trong đó tổng số vốn thực hiện đạt khoảng 161 tỷ USD. Thành công này có được là nhờ Việt Nam biết chọn lựa các đối tác, những dòng đầu tư từ các nước có tiềm năng về vốn, công nghệ cũng như trình độ quản trị. Nhưng cũng phải thừa nhận rằng, hoạt động thu hút ĐTNN vẫn có những hạn chế. Đặc biệt, từ năm 2006, khi phân cấp cho các địa phương lựa chọn dự án, cấp giấy cấp phép đầu tư, đã nảy sinh những tiêu cực không đáng có, do không đặt trách nhiệm lên người đứng đầu. 

Một vấn đề rất lớn được Nghị quyết đặt ra, từ năm 2021-2025, vốn đầu tư đăng ký bình quân mỗi năm sẽ là 30-40 tỷ USD, vốn thực hiện là 20-30 tỷ USD. Với 5 năm sau đó, vốn bình quân đăng ký mỗi năm là 40-50 tỷ USD, vốn thực hiện là 30-40 tỷ USD. Điều đó có nghĩa, giải ngân bình quân mỗi năm sắp tới sẽ cao hơn 5 tỷ USD so với vốn thực hiện năm 2019. Trong khi đó, nếu như năm 2019 làm tốt, vốn thực hiện của Việt Nam có thể đạt 19,5 tỷ USD. 

Tinh thần của Bộ Chính trị là phải thay đổi nhanh thể chế kinh tế, các khâu về quản lý Nhà nước đối với ĐTNN và cách làm luật. Vấn đề chuyển giá được cảnh báo từ năm 2005, khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn Coca Cola chuyển giá, nhưng đến nay, nước ta chưa có luật về chống chuyển giá. Điều này, cho thấy phản ứng chính sách của nước ta quá chậm. 

TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam

Nghị quyết 50-NQ/TW được Bộ Chính trị vừa ban hành là cơ sở thiết yếu để giúp nâng cao thực sự hiệu quả và hiệu lực quản lý Nhà nước đối với ĐTNN. Trong bối cảnh có nhiều yếu tố mới lẫn cũ, với rất nhiều thách thức và cơ hội đan xen, cần thiết tăng cường vai trò của Đảng trong định hướng, chỉ đạo thực hiện và giám sát để chúng ta có thể chọn lọc được những dự án ĐTNN chất lượng cao, kiểm soát tốt hơn việc thực hiện các hiệp định FTA thế hệ mới, đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. 

Trong điều kiện phân cấp mạnh cho các địa phương và tình trạng “trên nóng - dưới lạnh” như hiện nay, mà rõ nhất là trong đầu tư công, và nhiều yếu tố mới, bất định từ chiến tranh thương mại và thực hiện các FTA tiêu chuẩn mới, sự vào cuộc sâu hơn, mang tính kiến tạo phát triển hơn của Đảng và các cơ quan liên quan là rất cần thiết và dễ hiểu để nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước về ĐTNN.

Thời điểm ban hành Nghị quyết 50-NQ/TW tương đối thích hợp, dựa trên cơ sở đã xác định tương đối rõ các vấn đề thách thức, thời cơ và liên quan tới chiến tranh thương mại Mỹ - Trung và lộ trình gia nhập, thực hiện của hai FTA thế hệ mới. Tầm nhìn, nội dung của Nghị quyết sẽ bị hạn chế nếu được ban hành trước đây một năm, khi bối cảnh chưa rõ ràng. Thứ nhất, diễn biến, tác động từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung lúc đó chưa rõ ràng. Thứ hai, triển vọng ký kết và thông qua hai hiệp định CPTPP và EVFTA chưa thực sự rõ ràng tại thời điểm giữa năm 2018, khi CPTPP chưa có hiệu lực và EVFTA chưa được ký kết. 

TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế

Bộ Chính trị đã ra được một Nghị quyết phù hợp với nhu cầu của đất nước, một văn bản rất quan trọng để giúp định hướng lại chiến lược và chính sách thu hút ĐTNN, đặc biệt nhấn mạnh tới khía cạnh công nghệ liên quan đến an ninh quốc gia, liên quan đến chất lượng của dự án. 

Nghị quyết chú ý đến yếu tố an ninh quốc phòng, một điểm riêng và mới trong các chính sách của Đảng về ĐTNN từ trước đến nay. Trước thực trạng biển Đông và những lỗ hổng trong vấn đề giao đất, thuê đất của các dự án liên quan đến ĐTNN, các vấn đề liên quan đến an ninh quốc gia cần được ưu tiên và đặt lên trên hết các mục tiêu. Thế nên, từ định hướng ưu tiên và gắn kết với an ninh quốc gia, có hai điểm quan trọng. Thứ nhất, với các vị trí nhạy cảm, cần kiên quyết từ chối các dự án ĐTNN từ những nước có tranh chấp ĐTNN với Việt Nam. Thứ hai, với các khu vực biển đảo, cần tăng cường các dự án ĐTNN đến từ các quốc gia có đủ ba năng lực: công nghệ, tài chính, đặc biệt là quốc phòng, đó là những quốc gia đủ rắn và không e ngại sự dọa nạt từ những nước không thân thiện với Việt Nam về vấn đề chủ quyền. 

Thực tế, thu hút ĐTNN thế hệ mới vẫn còn những khoảng trống về mặt chính sách. Nghị quyết mới chỉ định hướng, vấn đề quan trọng tiếp theo là Chính phủ và các bộ ngành phải có chính sách phù hợp hóa để đáp ứng được các mục tiêu Nghị quyết đặt ra. 

Nghị quyết rõ ràng là một tín hiệu mới, một động thái mới thể hiện khát vọng quyết liệt, cũng như kỳ vọng của đất nước trong thu hút ĐTNN. Hy vọng, những văn bản được ban hành trong thời gian tới sẽ trung thành, trung thực với yêu cầu của Nghị quyết này, tạo được một làn sóng ĐTNN mới vào Việt Nam với chất lượng tốt hơn.

Nghị quyết 50-NQ/TW đặt mục tiêu, vốn đăng ký giai đoạn 2021-2025 khoảng 150-200 tỷ USD (30-40 tỷ USD một năm); vốn thực hiện khoảng 100-150 tỷ USD (20-30 tỷ USD/năm). Giai đoạn 2026-2030 vốn đăng ký 200-300 tỷ USD, vốn thực hiện 150-200 tỷ USD. 

Nghị quyết 50-NQ/TW nhấn mạnh, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030: “Chủ động thu hút, hợp tác ĐTNN có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu”. 

Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng yêu cầu nghiên cứu bổ sung quy định “điều kiện về quốc phòng, an ninh” trong quá trình xem xét, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (hoặc các văn bản có giá trị pháp lý tương đương) đối với dự án đầu tư mới, và quá trình xem xét, chấp thuận đối với hoạt động đầu tư thông qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp. 

Nghị quyết 50-NQ/TW cũng lưu ý việc chú trọng kiểm tra, giám sát, thanh tra gắn với nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương và người đứng đầu; xử lý dứt điểm các dự án gây ô nhiễm môi trường, sử dụng đất không hiệu quả, kinh doanh thua lỗ nhiều năm, dự án không thực hiện đúng cam kết…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO