Doanh nghiệp Việt lo ngại xu hướng "nhảy việc" của thế hệ Y

HOÀNG DUY| 29/03/2018 03:24

99% doanh nghiệp Việt đang thay đổi chiến lược bắt đầu tư đổi mới quy trình cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh văn hóa và gắn kết nhân viên, theo khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017" do Anphabe thực hiện.

Doanh nghiệp Việt lo ngại xu hướng

Báo cáo tổng hợp những xu hướng nhân sự từ khảo sát "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam 2017" do Anphabe thực hiện với hơn 62.000 nhân sự trên cả nước, cho thấy nhiều thách thức của doanh nghiệp (DN) trong việc đổi mới nhân sự và nuôi dưỡng tài năng để phát triển.

Khảo sát cho thấy 99% DN đang thay đổi chiến lược bắt đầu tư đổi mới quy trình cải tiến sản phẩm, đẩy mạnh văn hóa và gắn kết nhân viên, 97% tái cấu trúc DN, tăng số lượng nhân viên và thay đổi các vị trí lãnh đạo; 46% đang gia tăng nhân lực và chỉ 24% đang cắt giảm nhân sự.

Lo ngại thế hệ Y rời bỏ doanh nghiệp

Tuy nhiên chỉ 54% người đi làm tự tin vào năng lực, là một trong những lý do dẫn đến nhiều người thuộc "thế hệ Y" rời bỏ công việc, khiến DN đau đầu do thiếu hụt nhân tài, khi thế hệ vàng với tài năng và đủ độ chín rời bỏ DN hoặc tách ra khởi nghiệp độc lập.

Link bài viết

Điểm nhấn của chương trình khảo sát là báo cáo Việt Nam 4.0, tương lai công việc, nguồn nhân lực và môi trường làm việc cho thấy đổi mới nhân sự là yếu tố quyết định tương lai DN. Tuy nhiên nhiều DN đổi mới gặp phải thất bại, chủ yếu do tư duy lãnh đạo không theo kịp sự biến động của thị trường và đòi hỏi của nguồn nhân lực.

Theo bà Thanh Nguyễn - Giám đốc Điều hành Anphabe, khảo sát cho thấy yếu tố quan trọng hàng đầu làm thay đổi tương lai DN chính là khách hàng. Đặc biệt những "khách hàng siêu quyền lực" vốn có sức mua lớn và quyền lựa chọn cao.

Đối tượng khách hàng có nền tảng là tầng lớp trung lưu Việt Nam (có thu nhập 15 triệu đồng/tháng) gia tăng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á, dự báo năm 2020 có 35 triệu người và 2025 là 44 triệu người. Họ tạo ra động lực tăng trưởng mới cho nhiều ngành như ô tô, bất động sản, du lịch và quyết định các xu hướng thị trường. Họ tạo ra cơ hội cho những DN mới nhắm đáp ứng những xu hướng tiêu dùng khác biệt, lấy trải nghiệm làm lợi thế cạnh tranh.

Thị trường cạnh tranh đa chiều hơn khi ngày càng hiện diện đông đảo DN vừa và nhỏ và siêu nhỏ, vốn năng động, linh hoạt. Lực lượng này đang chiếm 97% tổng số DN cả nước và đóng góp 45% GDP. Sự nổi lên của nhiều DN nhỏ trong nhiều ngành khiến thế trận cạnh tranh đang dần thay đổi, cạnh tranh đa ngành, đa phương tiện và linh hoạt hơn.

Lực lượng DN nhỏ được ví như "những ngôi sao đang lên" khi họ biết dùng công nghệ làm đòn bẩy đột phá. Bằng công nghệ, các DN nhỏ cạnh tranh, phát triển kênh phân phối, kênh thanh toán và thúc đẩy kinh doanh hiệu quả.

"Công nghệ góp phần thay đổi hành vi tiêu dùng, đòi hỏi nhân sự đo lường và phản ứng trước nhu cầu thị trường. Người làm nhân sự không biết những xu hướng đang diễn ra, không biết những thách thức kinh doanh sẽ không phản ứng kịp với sự thay đổi" - bà Thanh Nguyễn nhận định.

Tạo động lực hút nhân tài

Là DN nước ngoài có 5 năm liên tiếp dẫn đầu "Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" trong ngành nông, lâm nghiệp, thức ăn chăn nuôi, Cargill được nhận diện là nơi tạo ra môi trường làm việc tiến bộ trong ngành nông nghiệp. Cargill hiện hoạt động tại Việt Nam với khoảng 1.800 nhân viên.

Ông Manish Verma, Giám đốc Nhân sự Cargill Khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, phân tích: Ngành nông nghiệp Việt Nam chiếm khoảng 42% lực lượng lao động, vì vậy Cargill chú trọng tuyển dụng những nhân sự phù hợp và nuôi dưỡng, phát triển những nhân tài. Thông qua đó phát triển công ty, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, mang lại nhiều lợi ích cho ngành nông nghiệp nói chung và người nông dân, cộng đồng nông thôn nói riêng.

Theo bà Nguyễn Tâm Thanh - Giám đốc Nhân sự Cargill Việt Nam, đó là nỗ lực của đội ngũ gắn liền với định hướng chiến lược của Công ty là vừa tạo động lực vừa mang lại cả cơ hội lẫn thử thách cho họ.

Cargill còn đặt việc thu hút và bồi đắp nhân tài cụ thể trong bối cảnh thế hệ "thiên niên kỷ” (millennials) đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động. Họ là lớp nhân sự sẽ định hình lại thị trường lao động, theo đó Cargill cũng phải thực hiện nhiều thay đổi nhằm sẵn sàng cho tương lai. "Biết lắng nghe nhân viên, đảm bảo họ được làm việc trong môi trường lành mạnh, tiến bộ là phương châm Cargill" - bà Thanh nói.

Trong khảo sát 2017, Viettel là doanh nghiệp có thương hiệu tuyển dụng hấp dẫn nhất ngành công nghệ thông tin, hạ tầng, viễn thông. Viettel cũng là DN 100% vốn nhà nước duy nhất thuộc Top 10 công ty có môi trường làm việc tốt nhất Việt Nam (Viettel xếp thứ 3). Theo bà Nguyễn Hà Thành - Giám đốc Truyền thông Viettel, đội ngũ Viettel hiện lên đến hàng chục ngàn người.

Một môi trường làm việc nhiều thách thức đã giúp đội ngũ của họ trưởng thành, thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của cuộc sống, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ để tạo ra được sản phẩm, dịch vụ hướng đến giải quyết nhu cầu xã hội, phổ cập công nghệ đến người dùng. Viettel hiện còn là DN có giá trị thương hiệu lớn nhất Việt Nam, xếp thứ hai ASEAN trong lĩnh vực viễn thông. Yếu tố cốt lõi của thành công là nhờ đội ngũ nhân sự thế hệ trẻ tự tin hơn, họ không ngại thử thách và sẵn sàng thay đổi.

Trong khi Coca-Cola Việt Nam thuộc top 5 nơi làm việc tốt nhất và xếp thứ 4 trong ngành hàng tiêu dùng FMCG. Chia sẻ kinh nghiệm Công ty, bà Huỳnh Thị Ngọc Trúc - Giám đốc Nhân sự Coca-Cola Việt Nam, cho biết, để phục vụ cho 4.000 lao động và nhân sự thứ cấp gấp nhiều lần từ các hoạt động trong chuỗi cung ứng, mỗi năm họ đầu tư 1,4 triệu USD để tuyển dụng, phát triển nguồn nhân lực.

Theo đó Coca-Cola Việt Nam thiết kế "Hệ thống đãi ngộ toàn diện" để đào tạo và tạo cơ hội cho nhân viên phát huy sáng tạo. Hệ thống này giúp người lao động được đánh giá, khen thưởng và hưởng phúc lợi tương xứng với năng lực.

Năm 2017, Coca-Cola đưa ra chương trình tuyển dụng nhân tài "Coke Spark" để tuyển dụng và đào tạo đội ngũ quản lý bán hàng kế thừa tại các khu vực nông thôn song song với chương trình nhà lãnh đạo thế hệ mới để thu hút tài năng trẻ cho các chiến lược dài hạn.

Trong chiến lược phát triển bền vững còn thực hiện các chương trình khơi mở tiềm năng cho lãnh đạo trẻ; các chương trình cộng đồng xã hội như hỗ trợ DN phát triển bền vững; trao quyền kinh tế cho phụ nữ với chương trình 5by20... "Chúng tôi không chỉ đầu tư sản xuất, mà còn phải đặt ưu tiên phát triển tài năng, nguồn nhân lực để nâng cao năng lực nhân lực địa phương, xây dựng đội ngũ chuyên viên theo tiêu chuẩn toàn cầu. Đây là những yếu tố giúp chúng tôi thu hút được lao động tại Việt Nam" - bà Trúc chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Doanh nghiệp Việt lo ngại xu hướng "nhảy việc" của thế hệ Y
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO