Cách mạng công nghiệp 4.0: Số hóa là xu thế không thể cưỡng

HOÀI ANH| 11/02/2019 00:00

Cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 sẽ là nền tảng để kinh tế chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình dựa vào tài nguyên, lao động chi phí thấp sang kinh tế tri thức.

Cách mạng công nghiệp 4.0: Số hóa là xu thế không thể cưỡng

Hiện có thể thấy CMCN 4.0 đang phá vỡ cấu trúc của hầu hết các ngành công nghiệp ở mọi quốc gia, báo trước sự chuyển đổi của toàn bộ hệ thống sản xuất, quản lý và quản trị.

Lao động chân tay sẽ bị thay thế nhanh chóng

Phần mềm nghiệp vụ, cánh tay robot, trí tuệ nhân tạo... đã và đang xuất hiện tại các doanh nghiệp Việt Nam, mang đến những thay đổi lớn lao trong sản xuất, kinh doanh hay tiếp thị.

Công ty Mía đường Lam Sơn (Lasuco) đã áp dụng công nghệ để tối ưu hóa quy trình sản xuất, từ theo dõi vùng nguyên liệu đến thu hoạch, vận chuyển, chế biến... và thậm chí là dự báo thời tiết để lên kế hoạch thu hoạch.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhã Nam - Giám đốc Công ty TNHH Giải pháp công nghệ Minerva (đơn vị cung cấp và triển khai công nghệ thông minh này cho Lasuco), Lasuco có khoảng 32.000ha mía. Để vận hành, công ty cần đến đội xe vận chuyển khoảng 1.000 chiếc (trong vụ thu hoạch) cùng rất nhiều kế toán theo dõi các hoạt động nghiệp vụ khác nhau. Nhờ hệ thống quản lý được số hóa cùng với các thiết bị, ứng dụng phụ trợ, Lasuco đã có thể thay thế nhân lực của 40 kế toán bằng hệ thống quản trị trí tuệ nhân tạo.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) trong một báo cáo gần đây đã chỉ ra một tỷ lệ lớn công nhân trong nhóm ngành dệt may, giày da sẽ có nguy cơ mất việc bởi tự động hóa: 64% tại Indonesia, 86% ở Việt Nam và 88% ở Campuchia. Viễn cảnh về một đời sống bấp bênh cho lao động trẻ của khu vực này đang ngày càng hiện rõ.

Lãnh đạo Công ty CP quốc tế Phong Phú chia sẻ, doanh nghiệp này đã đặt mua robot cho công đoạn phun màu cùng nhiều thiết bị khác để tự động hóa nhiều công đoạn.

Như vậy, ngay cả những nhân sự chuyên môn, lao động kỹ thuật trình độ cao cũng hoàn toàn có thể bị thay thế khi các quy trình làm việc được ứng dụng công nghệ mới. Trong giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi số này, khá nhiều doanh nghiệp tuyên bố việc sắp xếp, bố trí lao động dôi dư để  người lao động không bị mất việc. Song, trong tương lai, quá trình này diễn ra ở mức độ rộng lớn hơn, với số lao động tay nghề thấp dôi dư ngày càng tăng, không ai có thể biết trước được điều gì sẽ xảy ra!

Nhìn rộng sang các ngành nghề khác của xã hội, như luật sư, nhà báo, tư vấn viên cũng đang bắt đầu cảm nhận áp lực từ sự thay đổi vũ bão của công nghệ. Đó là khi các dữ liệu được thu thập và phân tích để đưa ra các tư vấn tức thời chính xác, khi các báo cáo được trích xuất ngay thời điểm nhà quản lý cần hay thông tin xuất hiện trên mạng xã hội nhanh hơn bất cứ nhà báo nào đang bám sát hiện trường.

Học để thích nghi. Và, còn hơn thế nữa...

Trong nhiều lần chia sẻ với các doanh nghiệp hay báo giới, ông Trương Gia Bình -  Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA), Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT - đều nhấn mạnh về cơ hội song hành cùng thách thức trong cuộc CMCN lần thứ 4. Theo ông, quá trình chuyển đổi số đã và đang diễn ra trên toàn cầu, đây là xu thế không cưỡng được.

Đó là một bối cảnh đặc biệt mà cơ hội không chỉ dành cho các doanh nghiệp lớn, các "đế chế” thống trị lâu năm trong từng ngành sản xuất, mà còn dành cho các doanh nghiệp nhỏ, thậm chí là cả các nhà khởi nghiệp.

Đổi lại, áp lực cũng rất lớn, không chỉ là nguy cơ mất việc của người lao động mà còn là sự sụp đổ của cả một doanh nghiệp, một tập đoàn lớn nếu không nhận thức được vấn đề và có hành động phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Cách mạng công nghiệp 4.0: Số hóa là xu thế không thể cưỡng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO