Bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo thành công thực sự

02/01/2019 05:00

Nhận thức và kiểm soát cảm xúc là một trong những bí quyết để đạt được thành công trong cuộc sống cá nhân cũng như tại nơi làm việc. Tình trạng đó còn được gọi là có trí thông minh cảm xúc.

Bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo thành công thực sự

Trí thông minh cảm xúc là sự thông minh trên phương diện tình cảm. Nó bao gồm khả năng nhận biết cảm xúc của mình cũng như của người khác, thấu hiểu những cảm xúc ấy và kiểm soát được chúng.

Định nghĩa trên được đưa ra bởi nhà tâm lý học lâm sàng Steven J.Stein, CEO của Multi-Health System (MHS), công ty hàng đầu thế giới trong lĩnh vực xuất bản các bài kiểm tra, đánh giá.  

Tiến sĩ Stein là một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đánh giá tâm lý và trí thông minh cảm xúc (Emotional Intelligence - EI). Tác phẩm Emotional Intelligence For Dummies của ông có thể xem là một cuốn bách khoa về trí thông minh cảm xúc, là một trong những cuốn sách hay nên đọc để thành công.

Trí thông minh cảm xúc là gì? Nó ảnh hưởng thế nào đến cuộc sống của bạn? Bạn có thể làm gì đối với trí thông minh cảm xúc của chính mình hay con cái bạn? Có cách nào giúp bạn kiểm soát trí thông minh cảm xúc của người thân và những người xung quanh tốt hơn không? Bạn có thể tìm thấy lời giải đáp cho những câu hỏi trên, và nhiều vấn đề liên quan khác nữa, trong cuốn sách trên của Tiến sĩ Stein - bản tiếng Việt của Thái Hà Books có tựa là Trí thông minh cảm xúc for Dummies.  

Nhận thức và kiểm soát cảm xúc là một trong những bí quyết để đạt được thành công trong cuộc sống cá nhân cũng như tại nơi làm việc. Trí thông minh cảm xúc for Dummies sẽ giúp người đọc thấu hiểu cảm xúc của bản thân và kiểm soát chúng thay vì để chúng điều khiển. Thông qua các phương pháp thực tế đã được kiểm chứng và những bài tập hữu ích, bạn sẽ khám phá cách để tăng cường sự tự tin, xây dựng những mối quan hệ bền vững với đối tác, gia đình bạn bè và tìm thấy hạnh phúc đích thực.

Bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo thành công thực sự

Tiến sĩ Steven J.Stein - tác giả cuốn Emotional Intelligence for Dummies

Theo Tiến sĩ Stein, chính khoa học đã chứng minh vai trò to lớn của trí thông minh cảm xúc trong cuộc sống. Ông cho biết:

Trong công trình nghiên cứu về tiến hóa và sinh tồn của mình, Charles Darwin đã ghi lại tầm quan trọng của cảm xúc trong vai trò báo hiệu. Cái nhìn giận dữ trên khuôn mặt của một con sói là dấu hiệu cho thấy nếu lờ đi, người thợ săn sẽ gặp nguy hiểm. Phản ứng “bỏ chạy hay chiến đấu” nhen nhóm khi người thợ săn đọc biểu hiện trên mặt con sói. Darwin cho rằng khả năng đọc cảm xúc này rất quan trọng đối với sự sống còn của con người. Các vùng não cấp thấp và nguyên thủy hơn làm trung gian cho phản ứng này. Đây cũng chính là vùng kiểm soát những phản ứng cảm xúc ngày nay. Chúng được gọi là hệ viền và hồi hải mã.

Các vùng não này ảnh hưởng đến cách hoạt động của các vùng não cấp cao và tiến triển hơn được gọi là tân vỏ não. Khi bạn đưa ra các quyết định phức tạp (như khi tương tác với mọi người, giải quyết các vấn đề v.v…), các vùng não cấp thấp vẫn hoạt động; chúng chịu trách nhiệm về việc thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ. Cảm xúc ảnh hưởng đến các quyết định cũng như các phản ứng trước những sự kiện (kể cả những sự kiện không quan trọng) và con người.

Trí thông minh cảm xúc giúp tối đa hóa chức năng của vùng não cấp cao và cấp thấp. Các vùng não cấp thấp, trong khi ngày trước giúp con người sống sót bằng cách báo hiệu nguy hiểm và cơ hội, thì ngày nay cũng có tầm quan trọng không kém vì chúng đảm bảo con người có được phản ứng thích hợp trước những mối lo và tiềm năng mà họ đối diện hằng ngày. Bằng việc kiểm soát phản ứng trước những con người và tình huống khó khăn - đọc chúng chính xác - bạn học cách kiểm soát phản ứng “bỏ chạy hay chiến đấu” theo chiều hướng phù hợp với chuẩn mực xã hội hơn. Một người thông minh vừa biết phải làm gì vừa biết làm như thế nào là tốt nhất.

Những người có trí thông minh cảm xúc cao có thể bắt nhịp được với cảm xúc của mình và hòa hợp với thế giới xung quanh họ. Nếu bạn là người thông minh cảm xúc, bạn sẽ:

- Nắm bắt được tâm trạng của mình trong phần lớn thời gian.

- Lý giải được tại sao lại có cảm xúc như vậy.

- Biết được những người xung quanh đang cảm thấy thế nào.

- Điều hòa được cảm xúc của mình, đặc biệt có thể làm nguội bớt những cảm xúc nóng nảy, tiêu cực.

- Điều hòa được cảm xúc của những người xung quanh, khiến họ cảm thấy thoải mái hơn.

Trí thông minh cảm xúc for Dummies được chia làm nhiều phần mà mỗi phần liên quan đến một lĩnh vực mà bạn có thể ứng dụng trí thông minh cảm xúc. Vì vậy, nếu đang quan tâm đến việc ứng dụng trí thông minh cảm xúc vào công việc hay nuôi dạy con cái, bạn có thể bỏ qua các phần khác và đi thẳng đến phần đề cập đến vấn đề đó trong cuốn sách. Tuy nhiên, tác giả khuyên bạn nên đọc Chương I (Cảm nhận sự thông minh) là phần cung cấp những kiến thức cơ bản về trí thông minh cảm xúc và cho bạn biết bạn sẽ được hưởng những lợi ích gì từ việc phát triển nó. Nếu mục tiêu của bạn là thay đổi hành vi của một người nào đó (không phải bạn), thì bạn cũng nên khuyến khích người đó đọc chương này trước.

Bản tiếng Việt của Motional Intelligence For Dummies do Thái Hà Books giữ bản quyền

Bản tiếng Việt của Motional Intelligence For Dummies do Thái Hà Books giữ bản quyền

Dưới đây trích dẫn một phần trong cuốn sách Trí thông minh cảm xúc for Dummies, dành cho những người mong muốn hoặc đang là một nhà lãnh đạo trở thành một nhà lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc.

Trở thành nhà lãnh đạo có trí thông minh cảm xúc

Mỗi người có quan điểm riêng về hình ảnh cũng như đức tính một lãnh đạo phải có. Nhưng chắc chắn một điều là không thể có lãnh đạo mà lại không có người đi theo. Việc cố gắng gây ảnh hưởng lên một ai đó trong cuộc sống chính là hình thức thể hiện của một lãnh đạo.

Làm thế nào để trở thành một lãnh đạo thành công? Dưới đây gợi ý những gì bạn phải làm để lãnh đạo người khác tốt hơn.

Yêu cầu người khác làm việc

Hầu hết mọi người đều phải dựa vào sự trợ giúp của người khác để hoàn thành nhiệm vụ. Nhưng thường thì bạn không có đủ quyền lực khiến những người đó làm việc cho bạn.

Trí thông minh cảm xúc giữ vai trò lớn trong khả năng thu hút trợ giúp từ tất cả mọi người. Ngoài ra, các kỹ năng cảm xúc cũng đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại trên con đường trở thành một lãnh đạo. Đồng cảm, lạc quan, khả năng phát triển các mối quan hệ giữa người với người hiệu quả đều là các yếu tố dự đoán mức độ thành công của một lãnh đạo.

Quyết định xem bạn có muốn làm một quản lý không

Chẳng có liên quan gì giữa việc làm một thợ ống nước, bác sĩ, nhân viên bán hàng lành nghề với việc quản lý được những thợ ống nước, bác sĩ, nhân viên bán hàng khác.

Thăng chức cho một người thành thạo một nhóm kỹ năng nhất định lên một vị trí đòi hỏi một nhóm kỹ năng hoàn toàn khác là hình thức đầu tư khá mạo hiểm.

Dưới đây là những câu hỏi có thể sử dụng để xác định xem bạn có tố chất quản lý hay không:

Bạn có thích quản lý người khác không?

Bạn có thích các loại công việc hành chính và giấy tờ không?

Bạn có hạnh phúc khi được từ bỏ công việc chính trong vị trí hiện tại của bạn không?

Bạn có thích làm công tác đánh giá thành tích của người khác không?

Bạn có thích việc báo cáo thành tích của mọi người trong nhóm lên sếp của bạn không?

Bạn có thích lập ra mục tiêu cho nhóm và đảm bảo cả nhóm hoàn thành được mục tiêu đó không?

Bạn có giỏi giữ bình tĩnh trong khi mọi người xung quanh đang bị căng thẳng quá mức không?

Bạn có thích giúp đỡ người khác giải quyết vấn đề không?

Nếu có vài điều trong những điều trên làm bạn thấy hứng thú, có thể bạn đã sẵn sàng để chuyển sang công việc quản lý. Tuy nhiên, bạn nên chuẩn bị cho một thay đổi sâu sắc sẽ xảy ra đối với loại hình công việc bạn đang làm.

Bạn có thể tham gia chương trình huấn luyện quản lý để sẵn sàng cho thử thách mới. Ngoài ra, cân nhắc tìm kiếm một huấn luyện viên hoặc người hướng dẫn có thể giúp bạn chuẩn bị thật tốt cho việc trở thành quản lý. Quan trọng nhất phải nhớ là hãy đối mặt thử thách với sự lưu tâm cao độ. Hãy chắc chắn rằng bạn có một danh sách những chức năng, trách nhiệm và mục tiêu rõ ràng trong công việc.

Khiến mọi người lắng nghe bạn

Nếu bạn muốn làm một lãnh đạo, phải có ít nhất một người đi theo bạn. Nếu muốn chỉ đạo người khác, bạn phải biết cách lôi kéo sự chú ý của họ, đặt ra mục tiêu rõ ràng mà bạn trông đợi họ đạt được, và giám sát thành tích của họ.

Dưới đây là cách để bạn nhận ra người khác có lắng nghe bạn không:

Mọi người ở chỗ làm đều chú ý những gì bạn nói.

Các đồng nghiệp tham khảo ý kiến hoặc lời khuyên của bạn về các vấn đề trong công việc.

Bạn có thể thay đổi hành vi của người khác.

Mọi người coi bạn là người có nguồn thông tin phong phú hoặc mới nhất.

Mọi người nghĩ bạn là người đáng tin cậy và thường tìm đến bạn để thổ lộ.

Bạn có thể nâng cao khả năng thu hút sự lắng nghe từ mọi người. Họ sẽ không tự động tôn trọng hay quy thuận tất cả mọi mệnh lệnh của bạn, nhưng bạn hoàn toàn có thể giành được nhiều sự chú ý tích cực hơn từ họ.

Một tố chất quan trọng không thể không nhắc đến của lãnh đạo chính là đáng tin cậy, hay trung thực. Tố chất này giúp bạn có được sự tôn trọng từ mọi người. Tuy nhiên, đáng tiếc là sự tin cậy không thể có được trong một sớm một chiều, mà phải được bồi đắp dần theo thời gian, mà một phần trong đó là học cách giữ lời. Khi bạn hứa hẹn hay cam kết điều gì, hãy nhớ rằng nói được là phải làm được đến cùng. Nếu vì bất cứ lý do nào mà bạn không thể thực hiện, phải luôn đưa ra lời giải thích thật trung thực hết sức có thể.

Ngoài ra, con người có xu hướng lắng nghe những người họ cảm thấy thật lòng thấu hiểu và coi trọng họ. Bạn có thể giành được sự tin tưởng này từ việc đồng cảm. Khi bạn thể hiện sự đồng cảm, sẽ dễ để họ hợp tác hơn vì bạn cho thấy mình quan tâm đến lợi ích của họ. Nếu bạn luôn tỏ ra chỉ quan tâm đến bản thân, chắc chắn họ sẽ có xu hướng lảng tránh bạn.

Link bài viết

Dưới đây là một vài việc bạn có thể làm để trở nên đồng cảm hơn với mọi người khi làm việc:

Để tâm đến những người đồng nghiệp xung quanh bạn.

Tìm hiểu sở thích của các đồng nghiệp.

Xem lại những gì bạn hiểu từ những gì đồng nghiệp nói với bạn, đảm bảo rằng bạn nắm chính xác những điều họ đang băn khoăn.

Kiểm tra xem bạn đã hiểu đúng cảm xúc của người khác sau khi họ thổ lộ với bạn chưa.

Cho mọi người biết rằng bạn quan tâm đến họ, gia đình của họ và lợi ích của họ.

Cần tránh việc biến bản thân thành trung tâm của sự chú ý.

Nếu bạn đủ lịch sự và lòng yêu thương để chú ý đến mọi người xung quanh, khả năng thu hút sự chú ý của mọi người đến bạn cũng sẽ được nâng lên theo. Thông qua việc để tâm đến người khác, đồng thời không thể hiện mình chỉ quan tâm đến bản thân, bạn sẽ giành được sự tin tưởng từ tất cả mọi người.

Khơi dậy sự hợp tác từ người khác

Sau khi bắt đầu có được sự chú ý từ mọi người, bước tiếp theo của bạn là thu hút sự hợp tác của họ.

Nhìn chung, con người có xu hướng làm những gì có lợi cho bản thân nhất. Nếu muốn thuyết phục ai đó làm việc cho mình hoặc thuận theo đề nghị của mình, bạn phải cho họ biết rằng chắc chắn họ sẽ có một phần quyền lợi trong đó. Lợi ích có thể đơn giản là họ muốn giúp đỡ bạn, và họ cũng cảm thấy vui khi thấy bạn vui. Hoặc bạn cần phải xây dựng các tương tác phức tạp hơn với việc cung cấp những lợi ích rõ ràng cho người kia, có thể ngay lập tức hay vào một thời điểm nào đó trong tương lai.

Loại hình hợp tác tốt nhất chính là đối phương nguyện ý muốn giúp đỡ và hỗ trợ bạn. Thường loại hợp tác này có được thông qua việc bản thân bạn giúp đỡ và hỗ trợ người khác, có những tính cách tích cực và đáng mến, từ đó dần có được sự yêu quý của mọi người.

Bạn có thể học cách trở nên hữu dụng với mọi người xung quanh. Tuy nhiên, có thể bạn sẽ thấy việc thay đổi tính cách khá là thử thách. Giữ cho mình luôn thoải mái và tích cực trong các mối quan hệ có thể giúp việc thay đổi này dễ dàng hơn. Nhưng sẽ luôn có một vài người có khả năng trở nên dễ mến trong mắt người khác một cách tự nhiên hơn so với những người còn lại.

Là một phần trong chiến thuật thay đổi mọi người, hãy cố giành được sự yêu quý của người khác. Các yếu tố trong mô hình trí thông minh cảm xúc của Bar-On có thể hữu ích với bạn là:

Tự trọng: Nghĩa là bạn hiểu rõ các thế mạnh và đểm yếu của chính mình. Để hiểu được điều này đòi hỏi bạn phải có đủ kiến thức về bản thân mình cũng như biết cân bằng hiệu quả giữa tự tin và tự mãn. Tất cả mọi người đều cảm thấy dễ chịu hơn khi giúp đỡ một người có thái độ khiêm tốn đúng mực.

Lạc quan: Lạc quan và hạnh phúc luôn được nhìn nhận là có sức thu hút người khác. Mọi người thường dễ hợp tác với những cá nhân lạc quan hơn bởi họ có khả năng cho thấy được sự hợp tác sẽ đem lại lợi ích cho tất cả mọi người. Khi có ý định giúp đỡ một ai đó, phần lớn bạn sẽ thiên về những người lạc quan hơn là bi quan, những người tự tin hơn là tự mãn hoặc tự ti, và những người hạnh phúc hơn là buồn rầu, chán nản.

Đây là một vài mẹo nhỏ bạn có thể áp dụng để trở thành một lãnh đạo lạc quan:

Tập trung vào những mặt tích cực của tình hình và con người, thậm chí kể cả trong lúc khó khăn nhất.

Hướng vào giải pháp, chứ không phải vấn đề.

Nói cho mọi người biết điểm mạnh của họ là gì.

Tập trung vào thành công, chứ không phải thất bại.

Nhìn thất bại như bài học để rút kinh nghiệm và nâng cao vốn hiểu biết cũng như phát triển thành tích trong tương lai.

Lãnh đạo người khác

Các giáo sư kinh tế, nhà tâm lý học, và các chuyên gia quản lý đã tiến hành rất nhiều nghiên cứu chuyên sâu về việc thế nào là một lãnh đạo tốt. Trong đa số các học thuyết, trí thông minh cảm xúc giữ một vị trí quan trọng.

James Kouzes và Barry Nosner từng đề xuất một học thuyết, sau khi đã hỏi hàng ngàn người về việc phẩm chất lãnh đạo nào đã ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Kết quả thu được cho thấy tất cả các kiểu lãnh đạo, không ngoại trừ ngành nghề nào, đều có chung một nhóm phẩm chất. Mặc dù mỗi lãnh đạo có phong cách và đặc điểm riêng, nhưng họ đều có chung một khuôn mẫu.

Từ các khuôn mẫu đó, Kouzes và Posner định dạng 5 phương pháp lãnh đạo hiệu quả nhất:

1/ Làm gương: Hãy làm gương thông qua lời nói và hành động của mình. Một lãnh đạo thành công nói ra điều họ muốn làm và thực sự hành động để hoàn thành mong muốn đó. Nếu muốn mọi người đi theo mình, anh ta phải là người nói được làm được.

Phương pháp này yêu cầu phải có tính quyết đoán và độc lập. Những người quyết đoán thường không gặp khó khăn trong việc thể hiện suy nghĩ, cảm giác và niềm tin của mình. Ngoài ra, những người độc lập biết lắng nghe và tiếp thu lời khuyên của người khác nhưng vẫn tự đưa ra quyết định của bản thân. Tính độc lập ám chỉ việc hành động nhằm thực hiện công việc.

2/ Truyền cảm hứng về một tầm nhìn chung: Tạo dựng viễn cảnh tích cực về tương lai và chia sẻ tầm nhìn đó với người khác. Là một lãnh đạo, bạn phải biết thuyết phục mọi người hiểu được việc bạn luôn thấu tỏ nhu cầu cũng như lợi ích của họ. Cùng chung tay, các bạn hoàn toàn có thể xây dựng tầm nhìn đó thành hiện thực.

Truyền tải cảm hứng về tầm nhìn chung yêu cầu rất nhiều đức tính đồng cảm và lạc quan. Sự lạc quan của bạn sẽ thổi tinh thần tích cực và khao khát vào tầm nhìn đó, và làm dấy lên mong muốn được chia sẻ từ người khác. Bạn cần biết cách diễn tả hình ảnh trong tâm trí mình sao cho thu hút được sự chú ý của mọi người vào kết quả và khiến họ hoàn toàn tin tưởng. Sự đồng cảm bảo đảm bạn đưa ra lựa chọn chính xác phù hợp với những gì người khác muốn thấy và muốn nghe từ bạn.

3/ Thách thức quy trình: Đấu tranh để thay đổi. Tìm kiếm các cơ hội để phát triển và vươn lên. Ngoài ra, hãy thử nghiệm và chấp nhận rủi ro. Không phải tất cả các vụ đầu tư mạo hiểm đều thành công, nhưng thất bại cũng như thành công đều có thể mang đến cho bạn các loại thông tin hữu ích.

Một trong những kỹ năng trí thông minh cảm xúc quan trọng mà bạn cần để thách thức hiện tại chính là sự linh hoạt. Người linh hoạt thường có xu hướng thích thử những thứ mới, chấp nhận rủi ro, không sợ hãi thử thách. Ngoài ra, sự đồng cảm cũng cần thiết để thách thức quy trình. Bạn có thể thu được các ý tưởng về việc nên đi hướng nào nếu bạn lắng nghe cẩn thận người khác – khách hàng, đồng nghiệp, nhà nghiên cứu, tư vấn quản lý, huấn luyện viên thương mại, tác giả sách kinh tế hay rộng hơn là cộng đồng.

4/ Cho mọi người quyền hành động: Để thành công trong môi trường làm việc hiện nay thường đòi hỏi phải làm việc dưới hình thức một nhóm (và bởi lãnh đạo, theo khái niệm, cần phải có người theo mình), chính vì vậy, bạn cần phải cho mọi người quyền được hành động. Lãnh đạo có thể trao quyền cho người khác dưới nhiều hình thức. Bạn có thể đánh giá khả năng thành công của lãnh đạo trong lĩnh vực này bằng cách đếm số lần người đó dùng từ chúng tôi, chứ không phải tôi.

Bạn có thể ủy thác cho người khác thông qua việc cổ vũ hợp tác và xây dựng lòng tin với họ. Bạn phải biết cách làm thế nào để gắn kết mọi người trong cả quá trình làm việc. Lãnh đạo thành công là biết chia sẻ quyền hạn, ủy nhiệm hiệu quả, và làm mọi điều cần thiết để giúp người khác thể hiện.

Một lãnh đạo tốt biết cách tìm những người có khả năng bù đắp vào các khiếm khuyết của chính mình.

Bạn cần có khả năng tự trọng và kỹ năng giao tiếp giữa người với người tốt để trao cho người khác quyền hạn. Một lãnh đạo tốt biết cách tìm những người có khả năng bù đắp vào các khiếm khuyết của chính mình. Để xây dựng được các mối quan hệ thành công, bạn cần có kỹ năng gắn kết và liên hệ với người khác một cách có ý nghĩa.

5/ Cổ vũ tinh thần: Rất dễ để nhìn ra mối liên hệ giữa phương pháp này với trí thông minh cảm xúc. Nhân tố then chốt ở đây chính là nhận biết được những cống hiến của mọi người xung quanh. Chẳng hạn, hãy gửi những mẩu tin biết ơn tới người đã giúp bạn. Ngoài ra, hãy ăn mừng chiến thắng để nâng cao tinh thần của toàn đội cũng như toàn cộng đồng. Khen thưởng mọi người vì đã cống hiến cho bạn cũng sẽ giúp tiến một bước dài trong việc tạo động lực giữa họ lại làm thành viên trong nhóm của bạn.

Để cổ vũ tinh thần, bạn cần phải biết đồng cảm, nhưng bạn cũng cần cả trách nhiệm xã hội nữa. Những lãnh đạo khi định cổ vũ ai đó không chỉ phải nhận ra được người kia nghĩ gì, mà còn phải có khả năng xây dựng mối quan hệ với họ. Các hành vi trách nhiệm xã hội là biểu hiện của khả năng thấu hiểu và cống hiến cho mọi người xung quanh.

Bạn cần trí thông minh cảm xúc để trở thành một lãnh đạo thành công. Trên thực tế, các yếu tố chủ chốt trong mọi học thuyết lãnh đạo thời hiện đại đều có liên quan trực tiếp đến nhu cầu về các kỹ năng cảm xúc.

Nhận diện một nhà lãnh đạo hiệu quả trong công việc

Không khó để nhận thấy đa số những học thuyết lãnh đạo hiện hành đều hướng tới công việc, thể hiện qua 4 trụ cột:

- Ổn định và vững chãi

- Có năng lực thành công

- Có phong cách quản lý hợp tác

- Cương quyết

Điều thú vị là tất cả những khả năng trên đều có yếu tố trí thông minh cảm xúc cấu thành trong đó.

Ổn định và vững chãi

Khi những nhà lãnh đạo thành công thể hiện được sự ổn định và vững chãi, những người xung quanh nhìn vào họ sẽ thấy họ luôn không dao động, kể cả những lúc khó khăn nhất. Không hề xuất hiện các hành vi khó đoán hoặc cư xử bất thường ở những lãnh đạo này, và họ thường có htiên hướng sở hữu những đặc tính sau:

- Tự trọng cao: Những lãnh đạo tốt thường có lòng tự trọng cao. Còn những người lúc nào cũng tự nhận là biết tất cả mọi thứ lại có xu hướng là lãnh đạo tồi. Một người lãnh đạo tốt hiểu được thế mạnh của họ – như khả năng diễn thuyết hay mạng lưới quan hệ tốt – và tận dụng hữu hiệu các điểm mạnh đó, cũng như nhận thức rõ ràng các nhược điểm hiện có – như khả năng phân tích tài chính – và biết cách bồi đắp khiếm khuyết thông qua việc tuyển chọn những cá nhân có kỹ năng thành thạo về mảng đó.

- Duy trì cân bằng trong cuộc sống: Những lãnh đạo tốt có vẻ rất am hiểu phương pháp cân bằng giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Kỹ năng quản lý thời gian tốt giúp họ tránh được việc bị vắt kiệt sức trong cuộc sống hằng ngày. Nếu bạn có khả năng quản lý cuộc sống riêng tốt – bao gồm căng thẳng, vấn đề đời tư, chế độ ăn uống, chế độ sức khỏe - thì khả năng bạn quản lý công việc tốt cũng sẽ cao hơn.

- Thẳng thắn và nhận thức rõ bản thân: Mọi người thường biết rõ lập trường của các lãnh đạo giỏi về các vấn đề. Những lãnh đạo kém thường không có chính kiến rõ ràng. Những lãnh đạo giỏi hiểu rõ cảm giác và động lực của mình. Do nắm chắc lập trường – giá trị và niềm tin – của bản thân, họ có xu hướng kiên định hơn khi tiếp cận mọi vấn đề.

- Bình tĩnh trước mọi áp lực: Một lãnh đạo giỏi không sợ hãi hoặc mất kiểm soát trong bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.

Các yếu tố trí thông minh cảm xúc cấu thành khả năng này gồm có:

+ Trách nhiệm xã hội: Thông qua việc quan tâm đến người khác, bạn sẽ giảm thiểu khả năng đưa bản thân vào trung tâm của sự chú ý.

+ Chịu đựng căng thẳng: Quản lý căng thẳng bao gồm việc giữ bản thân tập trung vào những thứ quan trọng và không bị ảnh hưởng nặng nề trước phản ứng của bản thân hay của người khác đối với căng thẳng.

+ Kiểm soát bốc đồng: Người biết kềm chế cơn bốc đồng tốt có thể tránh được việc bị xao nhãng và mất kiểm soát trong mọi hoàn cảnh.

+ Lạc quan: Bằng cách tìm kiếm các giải pháp khả thi cho các vấn đề, bạn sẽ hạn chế được việc đặt mình vào trung tâm của tất cả mọi chuyện.

Có năng lực hành động

Những lãnh đạo thành công đưa ra quyết định và ghi lại cả quá trình đưa ra quyết định đó. Là một phần của quá trình ra quyết định, họ xem thật kỹ lưỡng những lập trường của người khác. Cuối cùng, họ đưa ra quyết định đúng đắn nhất dựa trên các thông tin thu thập được.

Một lãnh đạo tốt không dừng lại sau khi quyết định được đưa ra. Thay vào đó, họ hành động. Họ thường không dễ bỏ cuộc ngay khi một loạt các hoạt động lựa chọn được tiến hành. Họ biết rằng đi đến cùng là một phần vô cùng quan trọng trong cả quá trình đưa ra quyết định. Họ đánh giá hiệu quả của từng lựa chọn trên cả con đường để từ đó sử dụng cả thành công lẫn sai lầm theo một cách thật hữu ích. Những thang đo trí thông minh cảm xúc liên quan đến khả năng này gồm có:

+ Quyết đoán: Người quyết đoán đưa tất cả mọi người vào quá trình thực hiện bằng việc nói rõ dự định của mình.

+ Độc lập: Người độc lập biết hành động. Họ đánh giá các phương án và chủ động thực hiện.

+ Lạc quan: Người lạc quan định sẵn mục tiêu để hướng tới. Những cá nhân này thường rất tự tin vào khả năng thực hiện những hành động cần thiết để đạt được mục đích.

Có phong cách quản lý hợp tác

Loại hình chỉ huy sử dụng mệnh lệnh và kiểm soát đã trở nên lỗi thời từ lâu – ngay cả đối với quân đội hiện đại, huống chi là trong môi trường làm việc. Con người luôn bất mãn khi bị bắt phải làm gì. Các lãnh đạo ngày nay thường phải học cách có được tình cảm và lòng tin từ những người đi theo mình. Thường con người hiện nay đều có suy nghĩ “Làm vậy thì tôi được lợi gì?”. Những lãnh đạo kiểu này cần phải có một số khả năng sau:

- Lôi kéo mọi người tham gia: Nếu không trợ giúp cho ý tưởng kế hoạch, chiến thuật, những người đi theo bạn sẽ không có động lực để hoàn thiện công việc. Mọi người đều muốn cảm thấy mình là một phần của việc lên kế hoạch cho công việc hoặc nhiệm vụ họ sẽ được giao phó. Cần phải khiến họ cảm thấy họ đang cống hiến cho bức tranh toàn cảnh của toàn tập thể. Càng cảm thấy mình có quyền hành động bao nhiêu, học càng mong muốn được nhìn thấy thành công của hành động đó bấy nhiêu.

- Có kỹ năng lắng nghe và giao tiếp tốt: Mặc dù có khả năng nhiều lãnh đạo biết cách trình bày ý tưởng và hướng dẫn cho người khác, nhưng lại có ít người nắm rõ cách lắng nghe người khác một cách chủ động để đảm bảo họ đang thật sự nắm được dự án, tầm nhìn hoặc nhiệm vụ hiện hành. Một lãnh đạo giỏi thường khá nhạy cảm và có thể nhìn ra cả những sự phản đối nhỏ đối với các ý tưởng và đề nghị. Ngay sau khi nhận thấy được những sự phản đối đó, họ đều dễ dàng có các phương án đối phó. Có thể là cố gắng vượt qua sự phản đối hoặc đưa ra các điều chỉnh phù hợp cho kế hoạch. Những lãnh đạo này hướng tới điều tốt nhất cho cả tổ chức, chứ không chỉ cho riêng họ.

- Làm mọi người cảm thấy thoải mái: Một lãnh đạo tồi làm mọi người sợ hãi. Chỉ khi thoải mái, mọi người mới có thể nói ra những gì mình đang nghĩ, đưa ra gợi ý và ý tưởng của họ. Một lãnh đạo tuyệt vời ghi nhận công lao, cống hiến của mọi người và khiến họ cảm thấy mình là một phần quan trọng của toàn nhóm. Những lãnh đạo tuyệt vời hơn nữa nhận trách nhiệm về tất cả quyết định sai lầm và sơ suất đưa ra bởi nhóm hoặc tổ chức của họ.

- Khiến mọi người ủng hộ quyết định của mình: Xây dựng sự đồng lòng đòi hỏi bạn phải biết lắng nghe tất cả mọi người. Lãnh đạo thành công là người bảo đảm rằng mình nắm rõ vị trí của tất cả, cũng như cái lợi và cái hại, sau đó dùng kỹ năng của mình để làm mọi người nhất trí với bất cứ quyết định nào định đưa ra. Những lãnh đạo giỏi hiểu được nếu các thành viên trong nhóm cảm thấy mình là một phần của cả quá trình thì họ sẽ dễ dàng đồng lòng với số đông hơn.

Dưới đây là những kỹ năng trí thông minh cảm xúc có liên quan nhiều nhất đến khả năng này:

+ Đồng cảm: Đồng cảm giúp người lãnh đạo thật sự lắng nghe người khác đang nói gì và đang cảm thấy gì.

+ Trách nhiệm xã hội: Những lãnh đạo có trách nhiệm xã hội (quan tâm đến xã hội và những người kém may mắn, tôn trọng kỷ luật xã hội) thường hợp tác nhiều hơn trong phong cách lãnh đạo của mình.

+ Quan hệ giữa người với người: Kỹ năng này giúp người lãnh đạo gây dựng các mối quan hệ cần thiết với người khác.

+ Kiểm soát bốc đồng: Bình tĩnh không chỉ giúp bạn không làm phiền người khác mà còn cho phép bạn lắng nghe ý kiến của họ.

+ Hạnh phúc: Hạnh phúc kéo mọi người lại gần. Bất cứ ai cũng đều thích làm việc với một lãnh đạo hạnh phúc hơn là những người không có tính cách này.

Link bài viết

Cương quyết

Những lãnh đạo thành công thường rất kiên cường khi phải giải quyết trở ngại và các hoàn cảnh khó khăn. Họ luôn xoay sở và kiên trì đến cùng để vượt qua thử thách, đối mặt chướng ngại và xử lý áp lực tốt. Những người này đều tỏ ra vô cùng tự tin khi dẫn dắt mọi người đi qua khoảng thời gian khó khăn.

Các kỹ năng cảm xúc liên quan đến khả năng này gồm:

- Tự trọng: Là những người quả quyết vào bản thân. Họ nắm rõ thế mạnh và điểm yếu của mình. Họ dùng sự tự tin để vượt qua các hoàn cảnh và thời điểm khó nhọc nhất.

- Chịu được căng thẳng: Kỹ năng này tốt đồng nghĩa với việc biết rõ cách đối mặt với thách thức khi chúng xuất hiện cũng như giữ được khả năng tập trung và không bị mất kiểm soát dưới áp lực cao.

- Kiểm soát bốc đồng: Những người có tính cương quyết thường rất kiên nhẫn. Họ không bộc phát đưa ra quyết định và cũng không dễ dàng thay đổi chúng. Họ biết giữ cảm xúc của mình trong giới hạn và có khả năng tập trung cao độ trong một thời gian dài.

Vươn đến cơ hội trở thành một lãnh đạo tốt

Nếu quyết định trở thành một lãnh đạo trong công việc, bạn có thể áp dụng một số kỹ năng cảm xúc trên để nâng cao khả năng thành công của mình.

Nếu bạn đang là một lãnh đạo trong công việc, hãy luôn ghi nhớ những gợi ý sau:

- Chú ý đến đồng nghiệp. Hãy tìm hiểu những người bạn đang dẫn dắt. Khám phá thứ họ thích và không thích. Hiểu được suy nghĩ của họ về nơi làm việc và công việc đang làm. Tiếp nhận ý kiến cho vấn đề bạn đang cân nhắc. Dù không thể làm theo tất cả những gì mọi người muốn bạn làm, nhưng ít nhất bạn có thể lắng nghe họ. Biết rõ các ưu điểm và nhược điểm của các vấn đề khác nhau trước khi đưa ra quyết định.

- Có trách nhiệm xã hội hơn. Một trong những bất ngờ được chỉ ra trong kết quả nghiên cứu lãnh đạo được Trung tâm Lãnh đạo Sáng tạo tiến hành là trách nhiệm xã hội thường xuất hiện ở các lãnh đạo thành công. Hãy nghĩ đến những việc bạn có thể làm để trở nên có trách nhiệm với xã hội hơn với vai trò là một lãnh đạo. Làm thế nào để khiến mọi người hiểu rằng bạn không chỉ hướng tới những người xung quanh bạn mà là cả cộng đồng nơi bạn sống.

- Chính trực. Sự tôn trọng không chỉ yêu cầu mà có, bạn phải nỗ lực để giành được. Chính vì vậy, hãy làm những gì bạn nói ra. Giữ lời hứa, hoặc có lý do chính đáng khi bạn không thể làm được, giúp bạn có được niềm tin từ mọi người. Niềm tin và sự chính trực đã được các nhà khoa học chứng minh là một trong những khía cạnh quan trọng của lãnh đạo.

- Đồng cảm. Đề duy trì được kỹ năng này trong công việc đòi hỏi bạn phải có một khả năng lắng nghe tốt. Bạn cần phải lắng nghe mọi người xung quanh mình. Bạn không cần phải làm theo những gì họ muốn, tất cả những gì bạn cần làm chỉ là thực sự lắng nghe họ. Ngoài ra, hãy cho họ biết bạn thật sự hiểu cặn kẽ ý kiến của họ.

- Quyết đoán. Phải nhớ rằng, quyết đoán chứ không phải gây hấn. Tính cách này chỉ ra cho mọi người thấy quan điểm của bạn trước những vấn đề quan trọng. Một lãnh đạo không thể thành công nếu luôn tỏ ra yếu ớt và thiếu kiên định. Ngoài ra, quyết đoán cũng đồng nghĩa với việc biết hỏi những câu hỏi đúng theo cách thức đúng khi bạn không biết câu trả lời cho một vấn đề nào đó. Hãy thật trung thực. Phải biết để có được câu trả lời thì bạn cần tìm hiểu những gì. Quyết đoán còn bao gồm kha năng truyền tải cả những tin tức tốt và xấu cho người khác.

- Lạc quan. Là một lãnh đạo, nếu muốn người khác theo bạn, bạn phải khiến họ nhận ra mình đang được chỉ hướng tới một nơi tốt hơn. Suy cho cùng, ai lại muốn theo bạn đến một nơi vừa lạnh vừa tối cơ chứ. Ngay cả khi trong những lúc khó khăn nhất, lúc mà tương lai có vẻ ảm đạm, một lãnh đạo lạc quan biết cách để thúc đẩy mọi người làm việc hăng hái hơn.

-  Tìm người tốt nhất. Nếu bạn chưa tìm ra được cách để vượt qua khó khăn trước mắt, hãy tìm sự trợ giúp của mọi người. Lãnh đạo tốt là người biết thu hút những cá nhân xuất sắc nhất đến bên cạnh mình, đặc biệt là người có kỹ năng có thể bổ khuyết cho bạn. Hiện nay có quá nhiều lãnh đạo lại tìm những người tương tự đến bên họ. Đừng nhìn lãnh đạo như một cơ hội để kiếm thêm bạn bè – đương nhiên là trừ khi những người bạn đó mạnh về một lĩnh vực là điểm yếu của bạn.

Thông qua việc phát triển và ứng dụng những kỹ năng cảm xúc và xã hội, bạn hoàn toàn có thể nâng cao khả năng lãnh đạo thành công của mình. Đầu tư vào các bộ kỹ năng này mang đến cho bạn thành quả lãnh đạo tốt hơn. Bạn sẽ không chỉ trở thành một lãnh đạo tuyệt vời hơn trong công việc, mà còn giải quyết các vấn đề vợ chồng và con cái trong gia đình tốt hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bí quyết để trở thành nhà lãnh đạo thành công thực sự
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO