Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc ước tính, trong hai thập kỷ tới, 137 triệu người ở Campuchia, Indonesia và Thái Lan có nguy cơ mất việc làm do công nghệ tự động hóa, tương đương hơn một nửa lực lượng lao động của các quốc gia này. Những lao động có nguy cơ mất việc cao là những công việc có tay nghề thấp trong các ngành sản xuất, bán lẻ...
Đồng thời, các ngành công nghiệp khác sẽ đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân tài. Một nghiên cứu từ Korn Ferry đã phát hiện rằng khu vực châu Á Thái Bình Dương có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt 47 triệu công nhân vào năm 2030. Khoản thâm hụt này sẽ ảnh hưởng đến các ngành dịch vụ tài chính và kinh doanh.
Ngay cả Singapore, quốc gia có tỉ lệ lao động tay nghề cao hơn nhiều so với các nước Đông Nam Á (ĐNÁ) khác, cũng đang bị chững lại vì khoảng cách nhân lực trên. Đã có những ước tính rằng, mỗi năm, Singapore sẽ cần 600 lao động nước ngoài có tay nghề mới để hoàn thành các mục tiêu phát triển Fintech do quốc gia này đặt ra. Một báo cáo từ Google và Temasek đã nhận định rằng sự thiếu hụt nhân tài đang kìm hãm doanh nhân khởi nghiệp tại khu vực này phát triển.
Vậy làm thế nào ĐNÁ có thể giải quyết vấn đề lao động? Dưới đây là ba giải pháp do James Nguyễn - đồng sáng lập Masso International, Giám đốc điều hành Masso Group Việt Nam đề xuất. Masso là một công ty tư vấn các giải pháp tiếp thị với kinh nghiệm hơn 18 năm ở Việt Nam.
1. Giáo dục và tái đào tạo kỹ năng
Những kỹ năng cần thiết để nền kinh tế thành công thay đổi không ngừng, và chưa có dấu hiệu dừng lại. Theo ước tính, trong tương lai, 65% học sinh tiểu học hiện nay sẽ làm những công việc chưa hề tồn tại ở giai đoạn hiện tại.
Cơ hội giáo dục và tái đào tạo kỹ năng là điều cần thiết trong nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt tại khu vực ĐNÁ. Các cơ hội giáo dục và tái đào tạo kỹ năng vừa hỗ trợ các lao động có nguy cơ mất việc làm do công nghệ tự động hóa, vừa giúp các công ty phát triển năng lực của lực lượng lao động trẻ, ít kinh nghiệm. Điều này đặc biệt cần thiết trong khu vực có độ tuổi lao động trung bình là 30 tuổi.
Một báo cáo gần đây của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy sự thay đổi trong chương trình giáo dục là cần thiết để phát triển các kỹ năng làm việc thực tế. Ngoài ra, chương trình giáo dục cần khuyến khích các nghiên cứu về kỹ thuật, y tế và khoa học tự nhiên nhiều hơn. Trong bối cảnh ĐNÁ sẽ có khoảng 480 triệu người dùng internet vào năm 2020 thì giáo dục trực tuyến có thể đóng một vai trò quan trọng trong các sáng kiến xây dựng kỹ năng lao động.
2. Thay đổi chính sách nhập cư
Chính sách nhập cư không phải là giải pháp hoàn hảo nhất, nhưng có thể đóng vai trò quan trọng trong giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân tài trên toàn khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Một số nhà lãnh đạo và chuyên gia khuyến khích 10 quốc gia thành viên của ASEAN tăng cường lượng lao động nhập cư giữa các quốc gia trong khu vực cũng như với các quốc gia châu Á khác. Một bài báo kinh tế gần đây đã chỉ ra lợi ích của việc cho phép lao động nhập cư ĐNÁ vào các nước như Trung Quốc. Cụ thể, lao động nhập cư có thể giải quyết tình trạng lao động thiếu kỹ năng ở các mảng chăm sóc cá nhân và các ngành công nghiệp khó tự động hóa khác. Các chuyên gia như Benjamin Harkins của ILO ủng hộ một cuộc kiểm tra sắc thái về tác động của di dân. Ông chỉ ra rằng nhóm lao động nhập cư trong điều kiện kém thuận lợi dễ bị vi phạm quyền lao động hơn các nhóm lao động khác.
Mặt khác, nhóm lao động nhập cư tay nghề cao có thể giúp các quốc gia như Singapore có thêm nhân tài trong các mảng kỹ thuật, quản lý. Điều này đã thúc đẩy sự gia tăng các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau (MRAs). Thỏa thuận này cho phép lao động kỹ năng trong ngành du lịch, nhà hàng, khách sạn có thể làm việc tại các quốc gia cùng ký kết.
Ngân hàng Thế giới tuyên bố rằng việc giảm rào cản di cư cho người lao động ở ĐNÁ có thể cải thiện phúc lợi của người lao động thêm 14% nếu áp dụng cho người lao động có tay nghề cao và 29% nếu được nhắm vào tất cả người lao động.
3. Nền tảng tuyển dụng tốt hơn
Các công cụ tuyển dụng nếu hoạt động độc lập có thể chưa khắc phục được hoàn toàn tình trạng thiếu lao động. Song, các đơn vị trung gian này có thể giúp doanh nghiệp tìm kiếm tài năng và người lao động tay nghề cao đang tìm việc có thể gặp được nhau. Từ đó, các bên đều có được lợi ích trong thị trường lao động khó khăn hiện nay.
Các công ty khởi nghiệp đang đáp ứng nhu cầu tuyển dụng khá giống nhau. GetLinks, được Fast Company mô tả là “Tinder dành cho dân công nghệ” (Tinder là ứng dụng hẹn hò nổi tiếng thế giới), đang nổi lên tại thị trường công nghệ ĐNÁ. Startup Helpster hoạt động với định hướng kết nối các công nhân và bán công nhân có tay nghề cao tìm được nhà tuyển dụng ĐNÁ phù hợp thông qua ứng dụng điện thoại thông minh.
Khi thị trường lao động toàn cầu thắt chặt, một loạt các nền tảng tuyển dụng mới phát sinh để cung cấp công nghệ tuyển dụng mới trên quy mô toàn cầu. Startup BHIRED.io sử dụng blockchain để thu thập dữ liệu tuyển dụng chất lượng cao và tạo ra một hệ sinh thái có năng suất cao, nhằm kết nối ứng viên, nhà tuyển dụng và các chuyên gia săn đầu người. Tương tự, HireVue áp dụng trí thông minh nhân tạo (AI) để người tuyển dụng, sử dụng lao động sàng lọc ứng viên thông qua kỹ năng mềm hiệu quả hơn.