![]() |
Nhà văn Lê Vũ Trường Giang - biên tập viên Tạp chí Sông Hương, một cây viết trẻ từng giành Giải B Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V (2008-2013) cho tập truyện ngắn về đề tài lịch sử Ngủ giữa trùng sơn, nhìn nhận: “Tác phẩm văn học về đề tài lịch sử cơ bản là lý giải lịch sử. Nhìn chung, đề tài lịch sử trong văn học xoay quanh những vấn đề còn bỏ ngỏ trong lịch sử dân tộc, nhất là đời sống chính trị của tầng lớp trên. Những chuyện đấu đá nội cung, tranh giành vương vị, bi kịch thân phận nữ nhân trong lịch sử... đã vẽ nên một bức tranh sống động, chân thật của thời đại xa xăm. Qua văn học càng thấy thân phận con người thời quá vãng”.
Sự sáng tạo không thay thế được sự thật lịch sử. Chẳng hạn, trong truyện ngắn Bắt đầu và kết thúc (Báo Văn Nghệ số 50, ra ngày 16/12/2017) của nhà văn Trần Quỳnh Nga, Trần Ích Tắc cần được miêu tả về sự trăn trở, đau đớn, dằn vặt khi đầu hàng quân Nguyên Mông, phản bội nhà Trần chứ không nên sáng tạo tùy tiện, biến một nhân vật phản bội nhà Trần thành một điệp viên của nhà Trần, để cố tình giải oan cho nhân vật này. “Vì sử liệu và quan điểm dân gian đều đã đồng thuận khi đánh giá về nhân vật Trần Ích Tắc”, TS. Nguyễn Văn Hùng (Khoa Ngữ Văn, Đại học Khoa học - Đại học Huế) nhận định.
Do đó, TS. Nguyễn Văn Hùng cho rằng: “Sự sáng tạo trong tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử giống như việc thả một con diều. Nhà văn có thể thỏa sức để sự sáng tạo bay bổng. Nhưng, “con diều” cần có “sợi dây” để điều khiển nó từ mặt đất. “Sợi dây” đó chính là sự hợp lý với lôgic lịch sử, với lôgic tình cảm và đời sống”.
Một năm trước, dư luận “dậy sóng” về cuốn tiểu thuyết lịch sử Chim ưng và chàng đan sọt (NXB Hội Nhà văn) của nhà văn Bùi Việt Sỹ vì đoạn miêu tả cảnh tính dục giữa Trần Khánh Dư với công chúa Thiên Thụy một cách thô tục.
Chuyện tính dục trong tác phẩm văn học về đề tài lịch sử phải được viết theo kiểu văn chương, chứ không thể viết theo kiểu truyện trên các trang web khiêu dâm. “Không ít nhà văn dường như quá lạm dụng sex, chạy theo thị hiếu để câu khách và đội lốt nhu cầu “đổi mới, hiện đại” của văn chương. Tuy vậy, một khi các yếu tố bản năng bị dịch chuyển khỏi các giá trị văn hóa của cá nhân và cộng đồng, của cảm xúc thánh thiện thì con người sẽ đánh mất nhân tính, biến thành một sinh vật tầm thường và văn học mất đi ý nghĩa tồn tại đích thực của nó”, TS. Nguyễn Văn Hùng nhận xét.
Tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử có cảnh “nóng” không phải là công thức thành công. Các nhà văn có vô vàn lối đi, họ không cần phải lấy yếu tố tính dục, liều lượng yếu tố tính dục bao nhiêu để tạo nên sự thành công. Đặc biệt, yếu tố tính dục không nên đưa vào tác phẩm nhằm mục đích câu khách. Theo nhà văn Lê Vũ Trường Giang, nhiều tác phẩm văn học viết về đề tài lịch sử không có yếu tố tính dục vẫn thu hút bạn đọc. Không nên vì mục đích câu khách để đưa vấn đề tính dục một cách thô tục vào trong tác phẩm. Nếu viết về tính dục phải hướng đến cái thiện, cái đẹp.