nên bắt đầu dạy con cái về tiền ngay từ khi còn nhỏ, khoảng 5 hoặc 6 tuổi |
Theo Ken Eyler - Giám đốc điều hành của Công ty Dịch vụ tài chính Aquilance, với thâm niên hơn 31 năm kinh nghiệm cố vấn tài chính cho các gia đình giàu có thì cha mẹ không nên đợi đến khi con mình trưởng thành, bắt đầu đi kiếm tiền rồi mới dạy về tiền bạc.
Ông Ken Eyler khuyên khách hàng của mình nên bắt đầu dạy con cái về tiền ngay từ khi còn nhỏ, khoảng 5 hoặc 6 tuổi. Điều này sẽ giúp trẻ xây dựng những thói quen tư duy bền vững và mối quan hệ tích cực với tiền bạc.
“Khi 11, 12, 13 tuổi và bắt đầu bước vào tuổi vị thành niên, hầu hết những đứa trẻ đã khá thành thạo về cách mà đồng tiền vận hành trong xã hội. Tiền là một công cụ và mục đích để kiếm tiền đóng vai trò vô cùng quan trọng”, Ken Eyler nói với CNBC Make It.
Dưới đây là 3 kiến thức mà vị chuyên gia này cho rằng, tất cả các bậc cha mẹ nên cân nhắc dạy con khi trẻ còn nhỏ.
1. Tầm quan trọng của tiết kiệm
Từ kinh nghiệm bản thân, Eyler cho rằng, một trong những điều đầu tiên mà cha mẹ nên dạy con cái họ là tầm quan trọng của việc tiết kiệm tiền. “Tiết kiệm là một thói quen cực kỳ quan trọng. Sẽ có rất nhiều thời điểm mà bạn buộc lòng phải cần tới một số tiền lớn khẩn cấp. Không ai đảm bảo bạn có thể vay mượn thành công từ người khác, do đó, hãy tự tiết kiệm”, Eyler chia sẻ.
Minh chứng là việc cha mẹ của Eyler đã có những quy định nghiêm khắc về cách chi tiêu của ông còn là một cậu bé. “Nếu tôi có 100 đô la, tôi có thể tiêu một phần ba số đó tùy hứng, sau đó phải tiết kiệm một phần ba và tìm cách làm việc gì đó có ích với một phần ba còn lại”, Eyler cho biết.
Và Eyler cũng cho biết thêm, thường có rất nhiều lựa chọn để làm một việc gì đó có ích, chẳng hạn như quyên góp hoặc thử buôn bán một mặt hàng nhỏ lẻ nào đó. Vậy nên, ngoài việc tiết kiệm, có được hiểu biết cơ bản về đầu tư và lãi suất kép có thể là bài học vô giá.
2. Giúp con hiểu về thuế
Eyler nói rằng trẻ em cũng nên có hiểu biết cơ bản về thuế, đặc biệt là những loại thuế gắn liền với đời sống hàng ngày, có quan hệ mật thiết trong tương lai.
“Thực tế là mọi người trong xã hội đều đóng thuế. Các con của tôi đã từng rất kinh ngạc khi nhìn thấy những khoản thuế không hề nhỏ trong hóa đơn mua sắm. Điều đó khiến tôi nhận ra rằng, mình phải giúp con hiểu tại sao cần phải nộp thuế và khoản tiền đó sẽ đi đâu, dùng để làm gì…”, Eyler chia sẻ.
Và điều này, theo Eyler việc giúp trẻ em tìm hiểu về thuế ngay khi còn nhỏ có thể giúp trẻ tránh được những cảm xúc bất ngờ đầy khó chịu khi bắt đầu tự kiếm tiền. Đồng thời giúp chúng hiểu rõ trách nhiệm và nghĩa vụ, cũng là một cách để trẻ có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình.
Tiết kiệm là một thói quen cực kỳ quan trọng. Sẽ có rất nhiều thời điểm mà bạn buộc lòng phải cần tới một số tiền lớn khẩn cấp. |
3. Kiểm tra các khoản thu - chi
Cho trẻ làm quen với các tài liệu thông thường về tài chính khi còn nhỏ cũng có thể giúp trẻ nắm bắt các khái niệm quan trọng về tiền bạc. Đặc biệt, nắm được thói quen kiểm tra các khoản thu - chi thường xuyên sẽ giúp ích rất nhiều trong tương lai.
“Bạn có thể bắt đầu dạy trẻ cách kiểm tra sao kê thẻ tín dụng. Khi mới bắt đầu sử dụng thẻ tín dụng, tôi tin rằng ắt hẳn mọi người đều bỡ ngỡ và mắc không ít sai lầm. Điều đó trực tiếp ảnh hưởng tới quyền lợi của mình”, Eyler nói.
Eyler khuyến khích các bậc cha mẹ đồng hành cùng con cái khi kiểm tra các bảng sao kê thẻ tín dụng. Họ có thể giải thích những khoản chi tiêu cũng như cách thức vận hành của thẻ.
“Một chiếc thẻ có giới hạn tín dụng 10.000 đô la không đồng nghĩa với việc chúng ta có thể tiêu hết 10.000 đô la, bởi vì chưa chắc chúng ta đã có thể hoàn trả số tiền đó. Đây là điều phải nhắc nhở trẻ”, Eyler khuyên các bậc cha mẹ.
Eyler cũng nhận định, cha mẹ nên để con cái biết về các khoản chi liên quan đến bản thân trẻ - chẳng hạn như các khoản học phí tại trường, chi phí trả cho trại hè hoặc số tiền chi ra cho những món đồ chơi. Thông qua đó, trẻ sẽ thấy được cuộc sống của chính mình.
“Hãy giúp con cái của mình hiểu rằng, tay làm hàm nhai, phải lao động thì mới đạt được thành quả. Khi bạn muốn đạt được một điều gì đó, bạn phải trả một cái giá tương xứng. Đó là giáo dục cần thiết ở bất kỳ cấp độ nào” , Eyler khuyên các bậc phụ huynh.
(*) Theo Trí Thức Trẻ