Cụ thể, APCI 2018 gồm 2 chỉ số thành phần, phản ánh 2 loại chi phí chủ yếu mà doanh nghiệp phải chi trả khi thực hiện thủ tục hành chính, bao gồm chi phí thời gian và chi phí trực tiếp (tiền) mà doanh nghiệp phải bỏ ra kể từ khi bắt đầu tìm hiểu cho đến khi hoàn tất thủ tục.
Báo cáo khảo sát trên 480.702 thủ tục đối với 8 nhóm thủ tục hành chính quan trọng gồm thủ tục hành chính khởi sự doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh, thuế, đầu tư, giấy phép, chứng chỉ hành nghề, hải quan, đất đai, môi trường và xây dựng. Theo kết quả khảo sát, quán quân của bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục thuế với chi phí tuân thủ là 73.750 đồng/thủ tục và thời gian thực hiện trung bình của doanh nghiệp cho một thủ tục trong nhóm này là 2,9 giờ làm việc.
Đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng chỉ số APCI 2018 là nhóm thủ tục khởi sự doanh nghiệp và đăng ký kinh doanh với chi phí tuân thủ là 720.700 đồng, thời gian thực hiện là 10,5 giờ làm việc. Nhóm thủ tục hải quan đứng ở vị trí thứ 3 và vị trí thứ 4 là nhóm thủ tục đất đai.
Các nhóm thủ tục hành chính đứng ở vị trí tiếp theo là giấy phép, chứng chỉ hành nghề, điều kiện kinh doanh, đầu tư, môi trường và xây dựng. Trong đó, nhóm thủ tục xây dựng đứng sau cùng trong bảng xếp hạng với chi phí tuân thủ là 64,1 triệu đồng, gấp nhiều lần nhóm thủ tục quán quân của APCI 2018.
Theo ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính thuộc Văn phòng Chính phủ, chi phí tuân thủ của thủ tục xây dựng là gánh nặng lớn nhất đối với doanh nghiệp. Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên "đắt đỏ" bậc nhất. Với mỗi triệu đồng mà doanh nghiệp phải chi trả thì 0,93 triệu đồng là chi phí trực tiếp doanh nghiệp cần để hoàn thiện hồ sơ và 0,07 triệu đồng là chi phí thời gian.
APCI 2018 cũng cho thấy chi phí thực hiện cùng một thủ tục hành chính có sự khác biệt giữa các địa phương. Cụ thể về thủ tục xây dựng, các tỉnh tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Bắc có mức chi phí tuân thủ cao nhất, gấp gần 2,3 lần so với mức trung bình trên cả nước. Trong khi đó, mức chi phí tuân thủ tại các tỉnh Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ tương đương 20% mặt bằng chung toàn quốc.
Từ kết quả APCI 2018, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng, những nhóm thủ tục có mức chi phí tuân thủ thấp nhất (thuế, khởi sự kinh doanh và hải quan) cũng chính là những nhóm thủ tục có các thủ tục hành chính đang được ứng dụng dịch vụ công trực tuyến ở mức cao hơn so với các nhóm thủ tục còn lại.
Vì vậy, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ 3 nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện với công tác này. Đầu tiên là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính nhằm xây dựng được môi trường kinh doanh thuận lợi. Tiếp đó, gắn việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính với ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tăng cường hiệu quả phục vụ doanh nghiệp, tăng tính minh bạch, trách nhiệm giải trình và giảm thiểu nhũng nhiễu, tiêu cực. Ba là, dựa vào kết quả của APCI 2018, Chính phủ sẽ có thêm một công cụ được lượng hóa để so sánh nỗ lực cải cách của từng bộ, ngành, địa phương, từ đó tạo động lực và cạnh tranh trong cải cách thủ tục hành chính.