Bao nhiêu doanh nghiệp đang rời khỏi thị trường vì rào cản thủ tục hành chính?

TS. ĐẬU ANH TUẤN(*)| 27/06/2018 03:28

Đến nay, Việt Nam vẫn chưa lọt được vào top 4 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN dù môi trường kinh doanh đã tăng 14 bậc.

Bao nhiêu doanh nghiệp đang rời khỏi thị trường vì rào cản thủ tục hành chính?

Môi trường kinh doanh tốt thể hiện ở nhiều chỉ số, trong đó có chỉ số về doanh nghiệp (DN) gia nhập thị trường.

Để hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của DN, hai năm qua, hàng loạt chính sách đã được ban hành, điển hình như Nghị quyết Trung ương 5 của Đảng về phát triển kinh tế tư nhân, hay Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đồng thời Chính phủ cũng đã ban hành Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020...

Tất cả đều rất đồng bộ, nhất quán ở mọi cấp, mọi ngành về thúc đẩy phát triển DN.

Những con số về phát triển DN thời gian qua là thuyết phục với gần 120.000 DN đăng ký thành lập. Việt Nam tăng tới 14 bậc trong báo cáo xếp hạng Môi trường kinh doanh 2018 (Doing Business 2018), Cạnh tranh quốc gia tăng 5 hạng. Trong năm 2017, chương trình cắt giảm điều kiện kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành đều được đẩy mạnh.

Các bộ, ngành ban hành chương trình cắt giảm theo yêu cầu của Nghị quyết 01 năm 2018 của Chính phủ đảm bảo đến tháng 10 năm nay phải cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh. Những động thái này cho thấy phần nào chương trình cải cách thủ tục hành chính và phòng chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước đã có những chuyển động tương đối đồng đều ở các bộ ngành và địa phương.

Điều tra của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng ghi nhận sự lạc quan hơn từ phía cộng đồng DN. Theo đó, năm 2017, có 52% DN trong nước cho biết sẽ mở rộng quy mô kinh doanh. Khu vực đầu tư nước ngoài lạc quan hơn, với 64%. Như vậy, kể từ năm 2012, thời điểm chỉ số này ở mức rất thấp, đến nay đã có xu hướng tích cực hơn với DN trong và ngoài nước.

Lần đầu tiên trong 5 năm liên tiếp, theo  điều tra của VCCI, chi phí không chính thức có xu hướng đảo chiều. Điều tra năm 2017 cho thấy, tỷ lệ DN phản ánh về chi phí không chính thức đã giảm 59% thay vì 66% trong hai năm 2015 và 2016. Đây là dấu hiệu tích cực không chỉ về tần suất mà còn cả quy mô của chi phí này. Song, tỷ lệ 59% DN chi trả chi phí không chính thức vẫn là con số rất cao, có nghĩa cứ 10 DN thì có 6 DN đã phải chi trả chi phí không chính thức.

Nửa cuối năm 2018 rất cần có thêm những cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thúc đẩy DN phát triển mạnh hơn. Bởi cách tiếp cận hiện nay là chưa đủ để thay đổi tình trạng "sức khỏe" của DN, đặc biệt là khu vực tư nhân. Trong Nghị quyết 19 năm 2017, Chính phủ đặt mục tiêu khá tham vọng: cuối năm 2017, chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt mục tiêu trung bình của các nước ASEAN 4. Nhưng trên thực tế, đến nay, Việt Nam vẫn chưa lọt được vào top 4 nước đứng đầu trong khu vực ASEAN dù môi trường kinh doanh đã tăng 14 bậc.

Tại hội nghị về cải cách môi trường kinh doanh của các nước ASEAN, tổ chức ở Luangprabang (Lào) tháng trước, đại biểu của Singapore cho biết, ở quốc đảo này, giấy phép kinh doanh đều được cấp qua mạng. Trong khi đó, tại Việt Nam, ứng dụng công nghệ thông tin vẫn mang tính "nửa vời", DN chỉ nộp hồ sơ qua mạng, rất nhiều thủ tục khác vẫn phải giao dịch trực tiếp, thậm chí phải gặp công chức nhà nước để hoàn tất thủ tục, dù đã có những con số được các cơ quan quản lý khẳng định rằng tại các thành phố lớn, đăng ký qua mạng đạt 80 - 90%.

Nhiều văn bản của Đảng, Nhà nước đều xác định DN tư nhân của Việt Nam nhỏ, yếu và gặp rất nhiều khó khăn. Theo quan sát của VCCI, về căn bản , "sức khỏe" của DN tư nhân chưa thay đổi, thậm chí có xu hướng nhỏ đi về quy mô. Tỷ lệ DN làm ăn có lãi thấp, chỉ xấp xỉ 40% trong nhiều năm liền và không được cải thiện. Tỷ lệ đóng góp của DN tư nhân vào xuất khẩu giảm.

Năm 2017, tỷ lệ này giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm qua, chỉ 28%. Trong khi đó, nhiều nghiên cứu đánh giá mức độ kết nối của khu vực DN tư nhân Việt Nam vào chuỗi kinh tế toàn cầu chưa thành công, thậm chí kết nối với các DN nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam cũng chưa đạt như kỳ vọng.

Hiện nay, tỷ lệ thành lập DN cao nhưng tỷ lệ DN rời thị trường cũng vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Báo cáo thành lập DN trong 5 tháng đầu năm 2018, số lượng DN thành lập là 52.322 và nếu tính cả số DN trở lại hoạt động là 65.589.

Nhưng một điểm cần lưu ý, nếu tính cả DN tạm ngừng hoạt động có thời hạn hoặc số DN hoàn tất thủ tục giải thể, gọi chung là nhóm rời thị trường, con số này lên tới gần 39.000. Như vậy, nhóm rời thị trường vẫn chiếm tới 74,4% so với số lượng DN thành lập, chiếm khoảng 59% so với nhóm vào thị trường. Tức là cứ 10 DN bước vào thị trường lại có 7,4 DN rời thị trường, nếu tính cả số DN quay trở lại hoạt động tỷ lệ này là 6/10.

Môi trường kinh doanh của Việt Nam đang được cải thiện. Tuy nhiên, nhìn vào DN tư nhân vẫn còn một câu hỏi lớn: Đã có bao nhiêu DN rời khỏi thị trường hay tạm ngừng hoạt động vì rào cản thủ tục hành chính, vì những quy định pháp luật chưa phù hợp?

(*) Tác giả là Trưởng Ban pháp chế VCCI

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Bao nhiêu doanh nghiệp đang rời khỏi thị trường vì rào cản thủ tục hành chính?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO