Giải pháp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp: Phát hiện cái sai, và sửa

Thanh An| 02/09/2022 01:00

Doanh nghiệp không có văn hoá cũng giống như một con người sống không có mục tiêu cuộc đời, không biết đi về đâu.

Tăng trưởng là nhiệm vụ hàng đầu trong quá trình phát triển của bất kỳ doanh nghiệp nào. Nhưng để doanh nghiệp phát triển một cách bền vững, theo ông David Tân Nguyễn - tác giả sách Sức mạnh tăng trưởng - Ứng dụng mô hình BrainBos, một trong những nhiệm vụ quan trọng khác của doanh nghiệp là phát hiện ra những vấn đề cần phải hoàn thiện trong cách quản trị, vận hành, và sửa nó.

Bằng kinh nghiệm hơn 20 năm tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp, Chủ tịch BrainGroup kiêm Giám đốc Chiến lược Công ty tư vấn BrainMark Tân Nguyễn cho biết, “ngôi nhà” quản trị doanh nghiệp phải được tạo dựng trên một nền móng vững chắc, đó chính là văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp được biết đến là toàn bộ giá trị được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển, từ đó trở thành quy tắc, tập quán ăn sâu trong mọi hoạt động, đồng thời chi phối tình cảm, cách suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên trong việc theo đuổi và thực hiện các mục tiêu của doanh nghiệp. 

Văn hoá doanh nghiệp được ví như "linh hồn của doanh nghiệp", cần phải được xây dựng ngay từ khi mới tạo lập, dựa trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau. Doanh nghiệp lớn mạnh hay không phụ thuộc vào tầm nhìn và cách vận hành của lãnh đạo. 

-6438-1662084467.jpg

Văn hoá doanh nghiệp còn thể hiện ở sự tôn trọng nhân viên, bất kể họ ở vị trí nào

Ông Tân Nguyễn nhận định, tình trạng doanh nghiệp có “văn” nhưng không có “hoá” rất thường gặp. Khi xây dựng văn hoá doanh nghiệp phải dựa trên nền tảng của sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau, nơi mà giá trị bản thể luôn được khuyến khích. Tuy nhiên, rất nhiều lãnh đạo đã mắc lỗi khi áp đặt văn hóa mà không khơi gợi nhận thức của nhân viên về các giá trị văn hóa. Việc không giảng giải rõ ràng về lợi ích của hệ thống các giá trị văn hóa đối với tổ chức sẽ dẫn đến hệ quả là mọi hình thức triển khai chỉ là phong trào. 

“Các tập đoàn lớn hay là các công ty Việt Nam đều có những quy tắc được viết ra. Đó là văn. Làm thế nào để chuyển hóa lời văn đó thành hành động cho nhân viên là câu chuyện không phải doanh nghiệp nào cũng làm được. Nên cuối cùng doanh nghiệp chỉ có văn nhưng không có hóa”, ông Tân Nguyễn đánh giá. 

Theo ông, xây dựng văn hóa doanh nghiệp là việc cần có quá trình, nhưng trên hết phải bắt đầu từ tư tưởng của lãnh đạo. “Nếu chúng ta đã xây ra rồi mà không biết cách truyền thông nội bộ thì nó mãi mãi chỉ là văn. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần phải có trách nhiệm bồi đắp để văn hóa lớn dần theo thời gian, đưa văn hóa trở thành tài sản của doanh nghiệp. Chính vì thế, lãnh đạo doanh nghiệp cần giúp nhân viên hiểu được, cảm nhận được tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để họ hành động. Từ đó, trong nội bộ tổ chức sẽ dần hình thành nên văn hóa doanh nghiệp, rồi được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác”, ông giải thích.

-6038-1662084467.jpg

Việc tập trung quá nhiều vào những cá nhân xuất sắc có thể làm mất cảm xúc của đội ngũ, mất tính kết nối giữa các nhóm nhân viên trong công ty

Cuối cùng, văn hoá doanh nghiệp còn thể hiện ở sự tôn trọng nhân viên, bất kể họ ở vị trí nào. Người lãnh đạo doanh nghiệp cần xây dựng đội ngũ nhân viên có tầm nhìn hướng về mục tiêu chung, trên tinh thần màu cờ sắc áo. Tác giả sách Sức mạnh tăng trưởng - Ứng dụng mô bình BrainBos còn nhấn mạnh, việc tập trung quá nhiều vào những cá nhân xuất sắc trong công ty có thể làm mất cảm xúc của đội ngũ, mất tính kết nối giữa các nhóm nhân viên trong công ty. 

Văn hoá tiếp thu và lắng nghe, đồng thời chấp nhận sai sót của nhân viên sẽ tạo ra một môi trường làm việc an toàn và kích thích sáng tạo. Đó là một môi trường làm việc lý tưởng, thúc đẩy sự tăng trưởng cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải pháp tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp: Phát hiện cái sai, và sửa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO