Giải ngân gần 700.000 tỷ đầu tư công: Hai vướng mắc cần xử lý

Song Anh| 28/04/2020 06:00

Đầu tư công sẽ được Chính phủ đẩy mạnh nhằm thúc đẩy kinh tế trong bối cảnh các động lực tăng trưởng khác chậm lại", Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Nguyễn Thanh Tuấn nhận định.

Giải ngân gần 700.000 tỷ đầu tư công: Hai vướng mắc cần xử lý

Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019, đạt 59.500 tỷ đồng, tương đương 13,2% kế hoạch năm, cao hơn mức 11,2% so với quý I/2019.

* Theo ông, trong năm nay, việc giải ngân lượng vốn đầu tư công lên đến 700.000 tỷ đồng sẽ có những thách thức nào?

- Đó là lượng vốn tương đương 30 tỷ USD, khoảng 11% GDP cả nước. Do đó, nếu các bộ, ngành, địa phương không thật quyết tâm thì khó hoàn thành mục tiêu giải ngân toàn bộ 700.000 tỷ đồng ấy trong năm nay. Trong các dự án giao thông, quy mô vốn rất lớn và thực hiện gần như đồng thời, nên việc chọn được các tổng thầu có đủ tiềm lực tài chính và năng lực đảm bảo là rất quan trọng. 

Trong quý I, giải ngân vốn đầu tư công tăng 16,4% so cùng kỳ năm 2019, đạt 59.500 tỷ đồng, tương đương 13,2% kế hoạch năm, cao hơn mức 11,2% so với quý I/2019. Đó là dấu hiệu cho thấy Chính phủ quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công sớm hơn và nhanh hơn so với nhận định chung trước đây. 

* Từ nền tảng giải ngân vốn quý I, ông hình dung thế nào về tiến độ giải ngân đầu tư công quý II?

- Chúng tôi cho rằng quý II là thời điểm để các cơ quan chức năng kiện toàn quy trình và kế hoạch, trước khi tăng giải ngân vốn đầu tư công từ quý III trở đi. Do vậy, trong quý II, cần nhất là tập trung giải ngân để đền bù giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư của các dự án cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cao tốc Bắc - Nam, sửa chữa đường băng sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Chính phủ cũng sẽ chuẩn bị sẵn sàng kế hoạch cho các mảng đầu tư khác, như năng lượng tái tạo, viễn thông, số hóa hành chính công, thương mại và giao dịch trực tuyến. 

* Theo quan sát của ông, việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công sẽ tác động thế nào đến thị trường?

- Hiện tại, quyết tâm của Chính phủ về đẩy mạnh đầu tư công đã phần nào đem đến tâm lý tích cực cho thị trường. Khi những thông tin về kế hoạch thực tế được công bố, có thể là từ cuối quý II, thì các nhóm ngành được hưởng lợi trực tiếp từ đầu tư công sẽ được nhà đầu tư đón nhận. Khi đó, nhóm ngành được hưởng lợi nhất là xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, hạ tầng viễn thông, xây dựng điện, công nghệ. 

Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Nguyễn Thanh Tuấn

Trưởng phòng Phân tích Cổ phiếu, Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT Nguyễn Thanh Tuấn

* Theo ông, có những vướng mắc gì trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công?

- Theo tôi thì có hai vướng mắc cần giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo đúng chủ trương của Chính phủ. Thứ nhất, quy trình cấp phép, phê duyệt và thực hiện dự án còn phức tạp, chồng chéo khiến quá trình thực hiện bị kéo dài. Thứ hai là khó khăn trong vấn đề giải phóng mặt bằng. 

Điển hình như tại cao tốc Bắc - Nam phía Đông, mặc dù hiện tại dự án đã giải phóng mặt bằng được khoảng 70% nhưng đây là phần dễ, do chủ yếu là đất nông nghiệp, 30% còn lại gặp rất nhiều khó khăn vì là đất ở, khu dân cư hoặc có nhiều công trình hạ tầng. 

* Chính phủ chủ trương thúc đẩy đầu tư công nhằm chặn đà suy giảm kinh tế do dịch Covid-19, ông nhận định thế nào?

- Đầu tư công đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2020. Chính sách tài khóa vẫn còn nhiều dư địa để đẩy mạnh đầu tư công. Một điều đáng chú ý là số liệu về chi tiêu thực tế cho đầu tư phát triển trong ba năm qua của Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính có sự chênh lệch lớn.

Số liệu năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy chi tiêu đầu tư công giảm khoảng 5,2% so với cùng kỳ năm trước và chỉ hoàn thành 57,5% so với kế hoạch cả năm. Tuy nhiên, nếu tính cả số tiền chưa được giải ngân chuyển sang năm 2020, theo ước tính của Bộ Tài chính, chi đầu tư phát triển là 443.400 tỷ đồng, cao hơn 3,3% so với kế hoạch cả năm. Điều này cho thấy tiến độ giải ngân đầu tư công vẫn còn chậm và thâm hụt ngân sách thực tế sẽ thấp hơn so với số liệu ghi nhận.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết thâm hụt ngân sách thực tế đã giảm từ 3,5% GDP xuống còn 2,7% GDP trong năm 2017 do giải ngân chậm đối với đầu tư công. Chúng tôi ước tính thâm hụt ngân sách ở mức xấp xỉ 2,5% GDP trong năm 2018-2019, thấp hơn số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính. 

Thâm hụt ngân sách giảm và tăng trưởng kinh tế đã giúp nợ công của Việt Nam giảm từ 61,3% GDP trong năm 2017 xuống còn 56,1% GDP trong năm 2019. Theo kế hoạch ngân sách năm 2020-2022, nợ công sẽ giảm xuống còn 52,7% GDP vào năm 2022.

Theo dự toán ngân sách năm 2020 được Quốc hội phê duyệt vào tháng 11/2019, chi tiêu cho đầu tư phát triển ước tính đạt 470.600 tỷ đồng (tăng 6,1% so với cùng kỳ 2019, khoảng 6,9% GDP). Chính phủ sẽ tăng 8,2% chi đầu tư công trong năm 2021-2022, cao hơn mục tiêu tăng trưởng 6,1% trong năm 2020. 

Thâm hụt tài khóa sẽ được phép tăng 3,5% GDP trong năm 2021-2022, tăng nhẹ so với mức dự kiến 3,4% GDP trong năm 2020. Trong trường hợp giải ngân hoàn toàn vốn đầu tư công cả năm theo kế hoạch sẽ giúp GDP tăng thêm 0,42% trong năm nay. Vốn đầu tư công sẽ tập trung giải ngân vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đặc biệt thông qua các dự án lớn. 

* Cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giải ngân gần 700.000 tỷ đầu tư công: Hai vướng mắc cần xử lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO