Ngược lại, giá vàng SJC trong nước dường như đang tăng chậm hơn, khi chỉ tăng thêm xấp xỉ 500.000 đồng/lượng trong cùng khoảng thời gian, mức tăng trưởng chưa đến 1%. Diễn biến này khiến chênh lệch giữa giá vàng quốc tế quy đổi và giá vàng trong nước thu hẹp lại, dù vậy vẫn đang ở mức khá cao xấp xỉ 7 triệu đồng/lượng. Điều này khiến rủi ro đầu tư vào vàng vật chất trong nước hiện nay vẫn rất lớn.
Yếu tố đẩy thị trường vàng quốc tế bật tăng mạnh trong những ngày gần đây đến từ báo cáo việc làm tiêu cực của Mỹ. Cụ thể, trong tháng 8/2021 nền kinh tế số một thế giới chỉ tạo ra thêm 235.000 việc làm, thấp hơn rất nhiều so với dự báo trước đó là 720.000 việc làm. Điều này cho thấy đà phục hồi của thị trường lao động đang chậm lại hơn dự kiến ban đầu, trong bối cảnh chủng Delta đang gây ra các đợt bùng phát lây nhiễm mới tại Mỹ.
Vì vậy, giới phân tích cũng cho rằng với những dữ liệu kinh tế không tăng trưởng mạnh trở lại, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sớm thay đổi quan điểm từ nới rộng chính sách sang từng bước thu hẹp sẽ có thể kéo dài hơn dự kiến lâu nay của giới đầu tư. Trước đó, cơ quan này cho biết có thể sẽ bắt đầu tăng lãi suất trở lại từ năm 2023, trong khi chương trình mua tài sản sẽ bắt đầu thu hẹp từ cuối năm nay. Thực tế, đồng USD cũng đã điều chỉnh giảm sau báo cáo việc làm của Mỹ, càng làm tăng sự hấp dẫn của vàng vốn được định giá theo đồng bạc xanh.
Trước tình hình này, giới phân tích đang nhìn nhận đầy lạc quan trở lại của thị trường kim loại quý này. Mới đây, các chuyên gia phân tích thị trường thuộc Bank of America cho rằng quý IV năm nay có nhiều yếu tố thuận lợi cho giá vàng, giúp quý kim này có thể đạt mức giá đỉnh 1.900 USD/oz. Bank of America cho rằng, điểm sáng duy nhất của vàng là lạm phát dai dẳng, vì khi nền kinh tế Mỹ tăng tốc, lạm phát sẽ tăng lên, và điều này có thể sẽ hỗ trợ tích cực cho giá vàng.
Giá vàng cho tín hiệu phục hồi trở lại |
Dù vậy, khả năng tăng giá trở lại của đồng USD và lợi suất trái phiếu tăng cũng đang tạo ra một số thách thức cho thị trường vàng. Bối cảnh vĩ mô toàn cầu vẫn không mấy hấp dẫn và tiếp tục không khuyến khích dòng vốn đầu tư vào vàng. Ngoài ra, việc thắt chặt chính sách tiền tệ từ FED cũng không mấy rõ ràng cũng khiến thị trường này có thể diễn biến khó lường hơn. Tâm điểm của thị trường hiện nay sẽ là cuộc họp chính sách của FED diễn ra trong tháng 9 này.
Đáng chú ý là bất chấp đà đi lên của thị trường gần đây, các nhà đầu tư lớn vẫn đang ở vị thế bán ròng, cũng phần nào ảnh hưởng đến tâm lý thị trường. Quỹ đầu tư tín thác vàng lớn nhất thế giới là SPDR Gold Trust trong tháng 8 đã bán ròng 31,78 tấn, khiến khối lượng vàng dự trữ của quỹ này chính thức tuột khỏi mốc 1.000 tấn, hiện chỉ còn 998,52 tấn, thấp nhất kể từ tháng 4 năm ngoái đến nay.
Nếu giữ vững được vùng giá tâm lý 1.800 USD/oz, mục tiêu quan trọng nhất của giá vàng trên đà đi lên vẫn đạt tại vùng 1.920 USD/oz, đỉnh cao gần nhất đạt được trong những ngày đầu tháng 6/2021. Xa hơn nữa là kỷ lục cũ ở 2.070 USD/oz thiết lập cách đây một năm. Trước đó, hồi đầu năm nay, nhiều dự báo của các tổ chức cũng từng đưa ra mục tiêu 2.300 USD/oz cho giá kim loại quý này.
Dù triển vọng tăng giá của thị trường vàng quốc tế khá lạc quan, nhưng việc đầu tư ở thị trường vàng trong nước ngày càng trở nên khó khăn, khi mà hai thị trường gần như mất sự liên thông với chênh lệch giá luôn duy trì ở mức quá lớn, khiến rủi ro của người mua luôn thường trực ở mức cao.
Thực tế, trong tình hình nền kinh tế hiện nay, các nhà đầu tư cá nhân trong nước có nhiều lựa chọn đầu tư khác hấp dẫn hơn, từ thị trường cổ phiếu cho đến trái phiếu của các DN, trong khi việc nắm giữ vàng nhiều năm trở lại đây cho thấy khả năng sinh lời rất hạn chế, ngược lại rủi ro chênh lệch giá có thể đẩy nhà đầu tư thua lỗ lớn ngay khi mua vào.
Vì vậy, nhiều ý kiến gần đây cũng cho rằng các cơ quan quản lý nên nối lại việc nhập khẩu vàng cho các DN trong nước, bổ sung thêm nguồn cung cho thị trường, qua đó giúp thu hẹp khoảng cách chênh lệch với thế giới. Và cũng là để người tiêu dùng tránh phải mua vàng với biên độ quá cao như hiện nay.
Cách đây hai tháng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã ban hành dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2020/TT-NHNN, theo đó cho phép DN có vốn đầu tư nước ngoài có nhu cầu nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ được nộp hồ sơ đề nghị cấp phép dưới dạng điện tử đến cổng thông tin một cửa quốc gia để được cấp giấy phép nhập khẩu vàng nguyên liệu.