Giá trị văn hóa trong Di chúc của Bác Hồ

31/08/2014 04:57

Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần “công việc đối với con người”.

Giá trị văn hóa trong Di chúc của Bác Hồ

Với bản Di chúc lịch sử, dẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh coi chỉ là “mấy lời... phòng khi tôi sẽ đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin và các vị cách mạng đàn anh khác, thì đồng bào cả nước, đồng chí trong Đảng và bầu bạn khắp nơi đều khỏi cảm thấy đột ngột...”, nhưng hơn bao giờ hết, gửi gắm trong đó là hết thảy ham muốn và tâm nguyện trọn cuộc đời của Người.

Di chúc là cương lĩnh xây dựng đất nước sau chiến tranh, thể hiện tầm nhìn văn hoá rộng lớn và trí tuệ văn hoá sâu sắc của người Cha già dân tộc.

Quan tâm đến con người với ý nghĩa là chủ thể sáng tạo của mọi giá trị văn hoá, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành nhiều tâm huyết chăm lo phần “công việc đối với con người”. Trong Di chúc, Người căn dặn: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

Suốt cuộc đời, Bác đã “hết lòng hết sức phục vụ tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân”, lúc sắp ra đi, không màng danh vọng, không ham bia đá, tượng đồng, Bác vẫn chỉ nghĩ đến việc chăm lo hạnh phúc cho con người, tiết kiệm thì giờ và tiền bạc cho nhân dân: “Sau khi tôi đã qua đời, chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân...”.

Lúc sinh thời, Bác chỉ ở một ngôi nhà sàn đơn sơ, đi đôi dép caosu, mặc bộ quần áo kaki, ăn những bữa cơm thanh đạm mang đậm đà mùi vị quê hương. Khi qua đời, Bác chỉ đề nghị xây trên mộ Người “một ngôi nhà giản đơn, rộng rãi, chắc chắn, mát mẻ, để những người thăm viếng có chỗ nghỉ ngơi”. Những dòng Người gửi lại trong Di chúc về việc riêng chính là bài học lớn cho mọi thế hệ về đạo đức “Cần - kiệm - liêm - chính, chí công vô tư”.

Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm đến từng đối tượng, những người đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác căn dặn phải quan tâm, chăm lo và ngay cả với những người được coi là nạn nhân của chế độ xã hội cũ, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng mong muốn “Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện”. Quan điểm này thể hiện rõ lòng nhân ái, đức hiếu sinh, văn hoá khoan dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nó cũng chứng tỏ, sự nghiệp cách mạng mà chúng ta tiến hành thực sự là “chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”. Đó là một cuộc cách mạng chính nghĩa và nhân văn, xuất phát từ lợi ích chính đáng của nhân dân, hợp với lòng dân, hợp với xu thế của thời đại và thực sự là cuộc hành trình đến những giá trị văn hóa đích thực nhất.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được công bố cách đây 45 năm. 45 năm qua, Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo toàn dân thực hiện Di chúc và đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa: Giành độc lập và thống nhất trọn vẹn cho đất nước; tạo dựng được hình ảnh một đất nước Việt Nam vững vàng, ổn định về chính trị, vượt qua khủng hoảng kinh tế - xã hội, tiến hành công cuộc đổi mới thành công, đưa kinh tế phát triển liên tục với tốc độ khá cao, cải thiện một bước đáng kể đời sống vật chất - văn hoá của nhân dân, có vị trí uy tín quốc tế ngày càng lớn trong khu vực và trên thế giới, ngày càng đậm nét.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Giá trị văn hóa trong Di chúc của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO