Một mỏ than ở Siberia. Ảnh: Getty Images |
Châu Âu đang vướng vào một cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng khi Nga sử dụng xuất khẩu năng lượng của mình để trả đũa các lệnh trừng phạt. Vì vậy, các quốc gia như Đức đang chuyển sang sử dụng than để đảm bảo nguồn cung cấp năng lượng trước khi mùa đông đến.
Dữ liệu của Rystad Energy (công ty tư vấn năng lượng độc lập lớn nhất ở Na Uy) cho thấy sản lượng điện sử dụng than đã tăng hơn 20% ở Pháp, Đức, Ý, Hà Lan, Tây Ban Nha và Anh kể từ năm ngoái. Các nước châu Âu đã tăng tiêu thụ than trong năm nay.
Ole Hvalbye, một nhà phân tích tại ngân hàng Thụy Điển SEB nhận định: “Than chắc chắn đang trở lại, với giá khí đốt tự nhiên tăng vọt và khan hiếm. Bây giờ tất cả là để sống sót qua mùa đông".
Trên Business Insider, các nhà phân tích đã đưa ra các yếu tố hình thành sự gia tăng nhu cầu đối với than, và liệu tình trạng giá nhiên liệu hóa thạch tăng cao sẽ tiếp tục leo thang hay không.
Giá khí đốt tự nhiên tăng vọt
Tuyên bố của Moskva về sự gián đoạn nguồn cung đã khiến giá khí đốt tự nhiên của châu Âu tăng 300% trong năm nay và đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8.
Điều đó đã thúc đẩy các công ty điện ở Áo, Hà Lan và Ý để mắt đến việc sử dụng than trở lại. Tập đoàn năng lượng khổng lồ Uniper của Đức đã hồi sinh một nhà máy chạy bằng nhiên liệu than cho đến tháng 4/2023.
Nhà phân tích Fabian Rønningen của Rystad Energy nói: “Than là lựa chọn rẻ hơn để sản xuất điện trong năm 2022 và cũng đã được thúc đẩy bởi tình hình thắt chặt nguồn cung khí đốt ở châu Âu".
Với mức giá hiện tại, than đá dự kiến sẽ là lựa chọn cạnh tranh hơn trong hai năm rưỡi tới, ông nói thêm.
Hồi tuần trước, giá than toàn cầu đạt mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008. Tại châu Âu, giá than đã tăng khoảng 150% kể từ đầu năm.
Hvalbye cho biết việc Nga cắt khí đốt của châu Âu đang ảnh hưởng đến thị trường năng lượng toàn cầu. Ông nói: “Các nhiên liệu hóa thạch như dầu và than đang chảy từ thị trường toàn cầu sang châu Âu do giá cả ở đó cao ngất ngưởng. Kết quả là, giá than ở châu Âu và Australia hiện cao hơn khoảng 5 lần so với mức bình thường".
Mùa đông đang tới
Áp lực đang đặt lên các chính phủ EU trong việc đảm bảo cung cấp năng lượng cho những tháng lạnh hơn, khi các hộ gia đình và doanh nghiệp sử dụng nhiều điện hơn.
"Chúng tôi thấy một mùa đông rất khó khăn ở phía trước. Quý 4 năm 2022 và quý 1 năm 2023 sẽ khó khăn, và châu Âu sẽ cần tất cả các giải pháp thay thế để họ có thể tiến vào cơn bão này", Hvalbye nói.
Tình hình càng tồi tệ hơn khi lệnh cấm nhập khẩu than từ Nga của EU có hiệu lực hồi tháng 8. Khối này vốn nhập khẩu gần một nửa than từ Nga, trong đó phần lớn dành cho Đức và Hà Lan, theo Commerzbank.
Những quốc gia này sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển sang nhập khẩu từ các nước như Mỹ, Úc và Nam Phi. Nhưng việc tìm kiếm người bán ở nơi khác để lấp đầy khoảng trống có thể rất khó khăn. Theo Rønningen, thị trường than toàn cầu hiện đang rất eo hẹp.
Ông nói: “Chúng tôi biết việc tăng cường sản xuất khá chậm chạp, đặc biệt là ở các nước như Úc hoặc Indonesia".
Một cuộc khủng hoảng thủy điện
Những đợt nắng nóng khắc nghiệt vào mùa hè ở châu Âu đã làm giảm mực nước trong các hồ chứa nước, gây ra sự thiếu hụt thủy điện, làm tăng sức hấp dẫn của than đá.
Na Uy, nhà cung cấp điện hàng đầu cho châu Âu, có kế hoạch cắt giảm lượng điện xuất khẩu để cho phép các hồ thủy điện của nước này tích nước. Theo số liệu của Rystad, 7 quốc gia châu Âu đã cắt giảm tổng sản lượng thủy điện hơn 18% trong năm nay.
“Trong tương lai, với giá khí đốt tự nhiên tăng cao và sản lượng điện từ thủy điện thắt chặt, nhu cầu ngày càng tăng về than có thể sẽ được duy trì”, Hvalbye nói.
Tuy nhiên, hạn hán cũng khiến nước ở sông Rhine lên tới mức khủng hoảng, ảnh hưởng đến một tuyến đường quan trọng để vận chuyển than qua châu Âu. Chính phủ Đức lo ngại nó có thể gây ra tình trạng thiếu than trong mùa đông này.
Sẽ kéo dài trong bao lâu?
Hvalbye cho biết SEB nhận thấy nhiều khả năng giá than sẽ tiếp tục tăng, vì không có dấu hiệu cho thấy sự ép giá của Nga sẽ sớm kết thúc.
Nhưng Rønningen tin rằng EU sẽ tăng tốc phát triển năng lượng tái tạo và điều đó sẽ dẫn đến nhu cầu than ở châu Âu có thể giảm vào năm 2024.
Ông nói: “Trong ngắn hạn, chúng ta đang chứng kiến sự trở lại của than. Tuy nhiên tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu".