Huyết mạch kinh tế châu Âu đối mặt nguy cơ bị cắt điện

Đức Trung| 12/09/2022 06:00

Các ngân hàng châu Âu, huyết mạch của kinh tế khu vực, chuẩn bị sẵn máy phát điện, giảm sử dụng đèn trước nguy cơ mất điện trong mùa đông.

Trong bối cảnh Nga thắt chặt nguồn cung khí đốt cho châu Âu, các ngân hàng lớn tại châu lục đang thử nghiệm hàng loạt biện pháp nhằm đối phó với kịch bản bị cắt điện luân phiên, có khả năng đe dọa hệ thống tiền tệ, nền tảng của nền kinh tế khu vực.

Theo Reuters, nhiều ngân hàng đang chuẩn bị máy phát điện dự phòng, nhằm duy trì máy ATM và ngân hàng trực tuyến không bị gián đoạn trong thời gian bị cắt điện kéo dài. Tình hình đặc biệt cấp bách đối với các công ty tài chính, do các khoản thanh toán và giao dịch có tầm quan trọng đáng kể đối với nền kinh tế châu Âu, vốn dễ tổn thương do ảnh hưởng từ chiến sự Nga - Ukraine.

Toàn cảnh khu tài chính Canary Wharf ở London, Anh, ngày 25/4/2021. Ảnh: Reuters.

Toàn cảnh khu tài chính Canary Wharf ở London, Anh, ngày 25/4/2021. Ảnh: Reuters.

Giới chuyên gia cho rằng các ngân hàng châu Âu đã thích ứng tốt với các lệnh phong tỏa ngăn Covid-19 và yêu cầu làm việc từ xa để chống dịch, nhưng cắt điện hay phân bổ năng lượng theo định mức là một thách thức rất khác.

"Ngân hàng là một phần của các hệ thống khác", giáo sư Gianluca Pescarolo, chuyên gia tại Đại học London (UCL), cho biết. "Tôi quan ngại về tác động liên hoàn tới xã hội khi máy ATM ngừng hoạt động hay ngân hàng không thực hiện được các giao dịch phi tiền mặt. Các ngân hàng cũng phụ thuộc vào các dịch vụ khác như Internet".

Các cơ quan quản lý cũng đang cảnh giác cao độ. Cơ quan giám sát Ngân hàng Trung ương châu Âu và Cơ quan Luật lệ An toàn (PRA) của Anh đều yêu cầu các ngân hàng có kế hoạch đối phó với với nguy cơ này. Các ngân hàng ở Anh phải xác định những dịch vụ "kinh doanh quan trọng" và phương pháp giải quyết lỗ hổng bảo mật trước kịch bản cắt điện.

Link bài viết

Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, các chi nhánh tại London, Anh và Frankfurt, Đức của ngân hàng Mỹ JPMorgan có thể chuyển sang sử dụng máy phát điện chạy bằng dầu diesel để duy trì các cơ sở trọng yếu hoạt động thêm vài ngày.

Ngoài vận hành một ngân hàng tiêu dùng của Anh, JP Morgan còn đóng vai trò quan trọng khi là ngân hàng Mỹ cho các công ty ở châu Âu vay tiền nhiều nhất, cũng như giao dịch cổ phiếu, trái phiếu.

UniCredit, ngân hàng lớn thứ hai Italy, cũng đã kiểm tra khả năng ứng phó kịch bản khẩn cấp vào mùa hè này, trong đó tập trung vào khả năng khôi phục quá trình xử lý dữ liệu khi xảy ra sự cố mất điện. Hai trung tâm dữ liệu cốt lõi của UniCredit được kết nối với hai trạm điện riêng, song không rõ chúng có thể duy trì được nguồn điện trong bao lâu.

Euronext, công ty điều hành các sàn giao dịch chứng khoán của Pháp và Italy, cho biết đã đánh giá lại mức sử dụng năng lượng kể từ khi chiến sự Ukraine bùng phát và bố trí các máy phát điện dự phòng, nhưng không nêu thêm chi tiết. Ngoài chuẩn bị nguồn điện dự phòng, các ngân hàng châu Âu cũng đang thực hiện những biện pháp tiết kiệm để đề phòng khủng hoảng năng lượng, như giảm diện tích văn phòng và tập trung nhân sự trong ít tòa nhà làm việc hơn.

Deutche Bank, ngân hàng tư nhân lớn nhất Đức, đã yêu cầu 1.400 tòa nhà chi nhánh trên toàn quốc tắt nước nóng trong nhà vệ sinh, điều chỉnh nhiệt độ nơi làm việc, tắt các đèn phụ và biển quảng cáo ngoài trời ban đêm. Đài phun nước ở trụ sở chính tại Frankfurt cũng ngừng hoạt động.

Kế hoạch này được cho là có thể tiết kiệm 4,9 triệu kWh điện mỗi năm, đủ để cung cấp năng lượng cho khoảng 49.000 bóng đèn hoạt động trong một giờ. Ngân hàng lớn nhất Pháp BNP Paribas cũng đang điều chỉnh mức tiêu thụ điện năng tại khoảng 2.750 chi nhánh, văn phòng và trung tâm dữ liệu đang vận hành khắp Pháp, Bỉ và Italy. Ngân hàng này đồng thời giám sát chặt chẽ khả năng cắt giảm tiêu thụ điện, được đề cập liên tục trong kế hoạch kinh doanh.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Những đường ống chuyển khí đốt Nga cho châu Âu.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng dù đã chuẩn bị kịch bản dự phòng, rất ít ngân hàng châu Âu có thể đối phó với kịch bản bị cắt điện quá vài ngày.

"Tình trạng này cho thấy lỗ hổng nghiêm trọng trong công tác lập kế hoạch", Avi Schnurr, CEO của Hội đồng An ninh Cơ sở hạ tầng Điện, nhận định. "Các ngân hàng cần sắp xếp để đảm bảo khả năng đối phó ngay cả trong tình trạng mất điện kéo dài".

Giá khí đốt của châu Âu tăng mạnh sau khi tập đoàn Gazprom của Nga tuyên bố đóng cửa vô thời hạn Nord Stream 1, nguồn cung khí đốt trọng yếu tới khu vực. Nord Stream 1 là đường ống dẫn khí đốt lớn nhất từ Nga sang Đức qua biển Baltic, vận chuyển khoảng 55 tỷ m3 khí đốt mỗi năm. Từ tháng 7, Nord Stream 1 đã hoạt động nhỏ giọt ở mức 33 triệu m3/ngày, tương đương 20% công suất tối đa, với lý do được Nga đưa ra là một số tuabin gặp trục trặc kỹ thuật.

Giới chức châu Âu cáo buộc Nga vũ khí hóa năng lượng để trả đũa các biện pháp trừng phạt từ phương Tây. Moskva bác bỏ, cho rằng làn sóng cấm vận là nguyên nhân chính khiến giá khí đốt leo thang. Trong trường hợp khủng hoảng năng lượng trong mùa đông diễn biến theo hướng tồi tệ, các ngân hàng, công ty tài chính châu Âu sẽ phải thực hiện những bước đi quyết liệt hơn như chỉ sử dụng một số tầng nhất định của tòa nhà và đóng cửa một số dịch vụ như phòng gym cho nhân viên, một quan chức ngành bảo hiểm ở châu lục cho hay.

(Theo VnExpress)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Huyết mạch kinh tế châu Âu đối mặt nguy cơ bị cắt điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO