Gia nhập AEC: Việt Nam nhiều lợi thế cạnh tranh

THANH VŨ thực hiện| 24/01/2015 06:18

Hội nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Malaysia.

Gia nhập AEC: Việt Nam nhiều lợi thế cạnh tranh

Hội nhậpCộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC), Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh so với Thái Lan và Malaysia.

Hội nhập Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN (AEC) trong năm nay, nhiều khả năng một số nhà đầu tư quốc tế sẽ nhìn ra vấn đề là chuyển đầu tư từ Thái Lan và Malaysia sang Việt Nam và Indonesia sẽ có lợi hơn, nhờ nguồn lao động rẻ hơn mà vẫn thâm nhập được vào cùng một thị trường. Đó là quan điểm của chuyên gia về kinh tế Đông Nam Á - Giáo sư David Dapice (Đại học Harvard) đưa ra tại toạ đàm "Tình hình kinh tế thế giới và tác động đến Việt Nam" do PACE tổ chức.

Đọc E-paper

* Ông đánh giá thế nào về triển vọng kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn?

- Có một số vấn đề trước đây Việt Nam gặp phải có vẻ như đã giải quyết được tương đối tốt. Đó là tốc độ lạm phát cao nay đã kiểm soát được, hay là thâm hụt thương mại rất cao nay cũng đã kiểm soát được, cho nên tôi nghĩ là trong những năm tới, điểm cộng về kinh tế Việt Nam sẽ tăng lên.

* Năm 2015, Việt Nam sẽ tham gia nhiều hiệp định quan trọng, như AEC... Ông đánh giá thế nào về cơ hội cũng như thách thức của Việt Nam khi gia nhập những hiệp định này?

- Trong tất cả các hiệp định thương mại tự do, kể cả với TPP, Việt Nam không ở thế cạnh tranh kể cả so với các nước giàu hơn. Điều tích cực là Việt Nam sẽ mở rộng được thị trường và dỡ bỏ được những cản trở như chống bán phá giá...

Lo ngại với TPP là Chính phủ Mỹ làm rất chặt về vấn đề sở hữu trí tuệ, do đó một số ngành của Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng, chẳng hạn như những loại thuốc chữa bệnh mà Việt Nam chưa sản xuất được... Có những điều chưa được tiết lộ do đó phải cân nhắc TPP có cả những điều tích cực lẫn tiêu cực cho Việt Nam.

Còn đối với cộng đồng AEC, thiệt nhiều hơn sẽ là Thái Lan và Malaysia. Một số nhà đầu tư sẽ nhìn ra là chuyển đầu tư từ Thái Lan và Malaysia sang Việt Nam và Indonesia thì sẽ có lợi hơn vì lao động dồi dào, rẻ hơn mà vẫn thâm nhập vào một thị trường.

* Đâu là lợi thế trong thu hút đầu tư của Việt Nam?

- Có một điểm tôi nhận thấy là lao động Việt Nam học nghề nhanh hơn công nhân của các nước khác trong khu vực. Nếu không tin, cứ đến kiểm chứng tại Indonesia sẽ thấy điều này. Về cơ sở hạ tầng, ví dụ về đường sá, hệ thống cung cấp điện thì Việt Nam cũng tương đối tốt so với Indonesia.

Thứ ba là Việt Nam có một thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh do thu nhập của người dân tăng lên và không có những bất bình đẳng lớn về thu nhập. Thứ tư là Việt Nam mở cửa, giao lưu với thế giới cho nên thị trường nước ngoài cũng mở rộng.

* Nhưng một trong những hạn chế của Việt Nam là đầu tư công vẫn còn dàn trải, thưa ông?

- Có khoảng 20 tỉnh - thành ở Việt Nam đã đầu tư với mức ưu đãi thấp hơn số tiền đầu tư bỏ ra. Cũng có nhiều tỉnh - thành không có nguồn tiền để đầu tư bởi vì nguồn thu địa phương thấp hơn mức chi phí, và những tỉnh - thành này phải chạy ra Trung ương để xin tiền đầu tư dự án này, con đường kia và hầu như Chính phủ phải thỏa mãn những yêu cầu này.

Có một người bạn tôi làm ở Bộ Tài chính Việt Nam, ông ấy nói là "Chúng tôi rất là nghiêm khắc". Tôi nói đúng là các ông rất là nghiêm khắc, mỗi năm có khoảng 48 ý tưởng đầu tư tồi tệ nhưng mà chỉ phê chuẩn có 12 ý tưởng thôi, tức quá nhiều!

Thế thì, thay vì đầu tư vào những dự án không hợp lý, phải dựa vào thành công của cụm ngành, điều này cũng giúp thỏa mãn những yêu cầu của các địa phương, nhưng đầu tư vào các cụm ngành có khả năng phát triển, chứ không phải là cảm tính về hiệu quả đầu tư.

Điều này không dễ dàng chút nào, bởi rất khó để cho tất cả chính quyền địa phương liên kết lại với nhau và đi đến quyết định hợp tác với nhau, để mảng này sẽ cùng đầu tư.

Ví dụ như dệt may đầu tư vùng này và sản xuất điện tử, xe máy đầu tư vùng kia... Điểm mấu chốt hiện nay là các tỉnh - thành ở Việt Nam không hợp tác trong thu hút đầu tư. Những tỉnh - thành không có cụm ngành nhưng vẫn tiếp tục xin tiền để đầu tư dự án.

>Gia nhập AEC: Cơ hội lớn, thách thức nhiều
>70% doanh nghiệp vẫn lơ mơ về AEC
>Việt Nam hưởng lợi khi gia nhập AEC

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Gia nhập AEC: Việt Nam nhiều lợi thế cạnh tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO