Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài, lạm phát thế giới leo thang, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ và hậu quả của đại dịch Covid-19 đã làm suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, đồng thời tạo ra nhiều rủi ro tài chính, tiền tệ và mất an ninh năng lượng.
Tại Việt Nam, áp lực lạm phát ngày càng gia tăng, giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh đã ảnh hưởng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực. Trong khi đó, dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp đã tác động tiêu cực đến quá trình sản xuất, kinh doanh.
Dù vậy, Việt Nam vẫn đạt được những kết quả khả quan trong phát triển kinh tế, xã hội. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm tăng vượt dự kiến, đạt 8,83%. Ước tính cả năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra là 6 - 6,5% và tạo đà quan trọng cho các năm tiếp theo thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế của kế hoạch 5 năm 2021 - 2025. Theo dự tính, năm 2022, Việt Nam có 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội đạt mục tiêu kế hoạch được Quốc hội giao. Đặc biệt, tăng trưởng kinh tế, nợ công, nợ nước ngoài, nợ quốc gia được kiểm soát an toàn.
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng phục hồi tích cực và đạt kết quả tăng trưởng toàn diện trên nhiều lĩnh vực |
Ngoài tốc độ tăng tưởng kinh tế khả quan, Việt Nam cũng ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, có nhiều chuyển biến tích cực về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực ưu tiên và nâng cao thu nhập và đời sống của người dân.
Bên cạnh đó, kinh tế xã hội đạt được một số thành quả quan trọng như đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, phát triển nguồn nhân lực gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số…
Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, dự kiến trong năm 2023, Việt Nam có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường. Trong đó, chỉ tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6,5%, chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5 - 6%, tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Để đạt được những mục tiêu này, Chính phủ đề ra 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng nhất là tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Ngoài ra, cần giữ vững thành quả chống dịch Covid-19, theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh thế giới và có phương án ứng phó hiệu quả với các tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, nhất là nguy cơ “dịch chồng dịch”.
Mặt khác, Chính phủ cũng sẽ cố gắng hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, ổn định và phát triển thị trường lành mạnh, bền vững, hội nhập, đồng thời đẩy mạnh kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…