Để được vào làm việc trong công ty do cha mình sáng lập, Duy Quang phải "xin ba" và bắt đầu công việc từ một công nhân và làm tất cả các khâu và công việc như các công nhân khác trong nhà máy.
Tốt nghiệp ngành học marketing và kinh doanh quốc tế tại Mỹ và Úc, năm 2014 Duy Quang về Việt Nam và đi cùng anh em công ty sang Myanmar khảo sát thị trường. Cơ hội thị trường và con người chân chất của một đất nước chưa mở cửa như Myanmar đã khiến Quang không còn ý định ở lại Mỹ làm việc mà muốn về nước "xin ba" cho làm quản lý để khai phá thị trường này.
Quang giải thích: "Mặc dù GreenFeed là công ty gia đình nhưng ba tôi không quản trị theo kiểu công ty gia đình mà theo mô hình của các công ty nước ngoài: thuê các CEO giỏi về điều hành và không bắt buộc con cái phải kế nghiệp. Đó là lý do tôi phải "xin làm việc" như bao nhiêu nhân viên khác.
Năm 2014, Myanmar có nhiều thay đổi về thể chế chính trị nên Quang về làm việc tại công ty. Sau nhiều năm vận hành thành công mảng kinh doanh feed - cung cấp thức ăn chăn nuôi cho lợn, bò, gà và thủy sản; farm - chăn nuôi với các giải pháp chăn nuôi, con giống và được công ty đặt nhiều tâm huyết, nhất là việc xây dựng thương hiệu thịt G Kitchen vốn được người dùng tin dùng và quen gọi là "thịt thật thà" do thịt vừa sạch, mềm, ngọt vị, đảm bảo tiêu chuẩn châu Âu về thịt mát, năm 2019, công ty ra đời mảng food (thực phẩm) bao gồm thịt tươi sống, các sản phẩm chế biến từ thịt và các sản phẩm giá trị gia tăng, Quang đã góp sức tạo được nhiều kết quả mới cho công ty.
Với 8 nhà máy thức ăn chăn nuôi trên khắp Việt Nam, Campuchia và Myanmar và ba trang trại heo nọc ở Việt Nam, không có gì ngạc nhiên khi GreenFeed đã đạt được thành công khi các sản phẩm của công ty được phân phối bởi 3.000 đại lý và trang trại. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, công ty đạt được doanh thu hơn 500 triệu USD. Quang nhấn mạnh: "Đổi mới chính là điều cốt lõi trong những năm qua và sắp tới trong việc kinh doanh của công ty. Đặc biệt, khi dịch tả heo châu Phi đang ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi heo công nghiệp nhưng nhờ áp dụng công nghệ do đối tác ở Mỹ cung cấp ngay từ đầu nên không có trang trại nào của chúng tôi bị dịch tả tấn công".
Với nguồn thực phẩm sạch và an toàn, chúng tôi luôn đổi mới bằng cách mang đến cho khách hàng không chỉ những khẩu vị mới mà còn là những giải pháp thực phẩm sáng tạo để cải thiện hoạt động kinh doanh và cuộc sống của họ. Bên cạnh đó, công ty tập trung đầu tư mạnh vào công nghệ giúp tiết kiệm tài nguyên, ví dụ như hệ thống chuồng lợn đan hầm giúp giảm sử dụng 50% lượng nước, hệ thống cách nhiệt tiết kiệm điện, cho ăn tự động và hệ thống thông gió giảm tỷ lệ tử vong cho heo.
Một "bí quyết" thành công mà Duy Quang chia sẻ, đó là 16 năm qua, công ty đã giữ được mối quan hệ hợp tác của nhiều nhà cung cấp. "Khi chúng tôi chọn một đối tác có cùng những giá trị, cùng những nguyên tắc cốt lõi, chúng tôi sẽ cùng nhau phát triển và cùng làm được nhiều điều hơn cho xã hội. Song, sau hết là mình có thể mang lại điều gì đó quan trọng cho xã hội và nhân viên, đó cũng là yếu tố quan trọng để giữ niềm gắn bó và đam mê cho đội ngũ. Kinh nghiệm tôi rút ra: "Mọi người sẽ làm việc tốt khi họ có cuộc sống hạnh phúc".
Theo Quang, thói quen người tiêu dùng vẫn quen mua thịt nóng, họ thích ra chợ, sờ thấy miếng thịt thật nóng mới yên tâm mua, trong khi thịt mát là thịt sau khi giết mổ được qua phòng lạnh từ 8-12 tiếng, đảm bảo thịt tươi sạch và diệt được một số vi khuẩn. Vì vậy, muốn thay đổi thói quen người dùng chuyển từ thịt nóng sang thịt mát, chúng tôi rất mong có thêm nhiều công ty tham gia thị trường này.
Để có những bài học kinh nghiệm trong quản lý, Quang cho biết anh đã trải qua hai lần thất bại với gần 20 tỷ đồng mất trắng cho hai công ty. Quang kể: "Với tham vọng của tuổi trẻ, tôi đã mở công ty riêng và từng kỳ vọng sẽ có một chuỗi cửa hàng nước uống healthy dành cho những người có nhu cầu chăm sóc bản thân và sức khỏe. Tuy nhiên, sai lầm của Quang là vừa điều hành GreenFeed lại mở thêm công ty riêng nên không đặt hết thời gian cho công việc, chưa thật tâm huyết để nuôi nấng nó mà chỉ xem như đứa con thêm nên giao quyền cho người khác quản lý.
Bài học rút ra: "Với một công ty khởi nghiệp, việc thuê CEO điều hành chưa hẳn đúng. Và điểm chết chính là sự lơ là của chính người sáng lập ra nó".
Mở công ty thứ hai với thương hiệu Gà rán J&G theo mô hình nhượng quyền của Đài Loan. Tuy nhiên, sau khi mở hai cửa hàng được vài tháng, dịch Covid-19 xảy ra và phải đóng cửa. Song dịch bệnh chỉ là một trong những lý do, điểm chết cốt lõi mà Quang rút ra sau cú "ngã ngựa" lần hai, đó là cứ nghĩ mua nhượng quyền là dễ làm vì họ sẽ cung cấp và hướng dẫn tất cả mọi thứ cho mình. Nhưng "té" ra, họ chỉ cung cấp sản phẩm còn mình phải tự quản lý, kinh doanh. Trong khi đó, bản thân tôi cũng chưa chuẩn bị cho việc kinh doanh chuỗi, mở cửa hàng nên đuối về nhân sự, kinh nghiệm lẫn quản lý và con đường dẫn đến phải "trả giá" là không tránh khỏi.
Bài học rút ra: Lợi nhuận từ nhượng quyền thương hiệu không nhiều. Tốt nhất nên tự mình xây dựng thương hiệu và đó mới là đứa con của mình. Muốn vậy, phải có sự chuẩn bị nghiêm túc, đặt hết tâm huyết, thời gian, nguồn lực và cả trí lực để nuôi nó lớn lên và khỏe mạnh.