Nhắc đến FFA, hội viên thường nhớ ngay các vị trong Ban Thường trực năng động, gắn bó với công tác Hội, như bà Lý Kim Chi - Chủ tịch, ông Nguyễn Ngọc An - Phó Chủ tịch thường trực, ông Kao Siêu Lực, ông Lê Minh Hải - Phó chủ tịch...
Nhân sự Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Nhiệm kỳ IV có nhiều biến động, tuy nhiên tập thể lãnh đạo FFA đã đoàn kết, đồng lòng xây dựng Hội ngày càng vững mạnh. Bộ máy Văn phòng Hội nhỏ gọn nhưng vẫn đảm bảo được các công việc thường xuyên của Hội.
Website của Hội: Thiết thực với hội viên
Trong 8 năm hoạt động, website của FFA đã trở thành một trong những địa chỉ thu hút sự quan tâm của hội viên, của các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc tìm kiếm, cập nhật những tin tức hữu ích và kịp thời liên quan đến ngành lương thực, thực phẩm, như thông tin về thị trường, thông tin về doanh nghiệp, thông tin về chất lượng sản phẩm, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành của Nhà nước, các chương trình xúc tiến thương mại trong và ngoài nước.
Website của FFA còn là nơi để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận với những đối tác, khách hàng thông qua các banner quảng cáo thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ. Sự ủng hộ thông qua việc trả phí quảng cáo trên website của các doanh nghiệp, như Vissan, Bidrico, Cầu Tre, SaiGon Food, San Hà... đã góp phần vào nguồn thu của Hội để bổ sung kinh phí hoạt động.
FFA với công tác xã hội - từ thiện
- Hằng năm, gửi tặng 500 phần quà đến từng gia đình và cá nhân có hoàn cảnh khó khăn tại các xã vùng sâu, vùng xa tỉnh Bến Tre.
- Hằng năm, tặng 300 phần quà (trị giá 500.000 đồng/phần) cho các gia đình, cá nhân bị ảnh hưởng chất độc màu da cam tại TP.HCM.
- Tặng 100 triệu đồng làm quỹ học bổng cho học sinh, sinh viên là nạn nhân chất độc da cam.
- Năm 2017 ủng hộ 500 triệu đồng cho Quỹ Doanh nhân vì cộng đồng của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM.
Thông qua email, điện thoại, công văn, FFA kịp thời cung cấp thông tin đến từng hội viên về các văn bản pháp luật, chính sách của Nhà nước, các chương trình đào tạo, hội thảo, hội chợ - triển lãm trong và ngoài nước của Bộ Công Thương, Cục Xúc tiến thương mại, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Sở Công Thương TP.HCM...
Đặc biệt, số điện thoại hotline của Hội, số điện thoại của Chủ tịch và các thành viên Ban Chấp hành luôn công khai, là nơi Ban Chấp hành nắm bắt nhanh những phản ánh, nhu cầu bức xúc của doanh nghiệp, từ đó có những hỗ trợ kịp thời cho doanh nghiệp hội viên.
Tham vấn và phản biện chính sách
Trao đổi với chúng tôi về những kết quả hoạt động, bà Lý Kim Chi - Chủ tịch FFA cho biết: Nhiệm kỳ IV vừa qua, Hội đã tích cực tham vấn và phản biện chính sách, tạo được hiệu quả nổi bật. Cụ thể, năm 2016, những thông tin mập mờ, sai lệch về "nước mắm nhiễm hàm lượng arsen quá mức cho phép" do các phương tiện truyền thông đưa ra một cách sai lệch đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống, ngay sau đó Hội đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến của doanh nghiệp sản xuất nước mắm và các nhà khoa học về hàm lượng arsen.
Từ đó, Hội đã có công văn gửi Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế kiến nghị làm rõ một số thông tin liên quan đến quy định sản xuất nước mắm an toàn. Sự phản ánh kịp thời của Hội cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ đã làm rõ và phủ nhận thông tin sai lệch về hàm lượng arsen, đã phần nào làm giảm thiệt hại cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước mắm truyền thống.
Năm 2017, Hội nhận được phản ánh của doanh nghiệp hội viên liên quan đến thủ tục xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm theo Nghị định số 38 ngày 25/4/2012 và quy định về sử dụng muối iốt trong chế biến thực phẩm theo Nghị định 09 ngày 28/1/2016 của Chính phủ, Hội đã kịp thời kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng sớm sửa đổi 2 nghị định trên để giải tỏa khó khăn cho doanh nghiệp.
Liên quan đến Nghị định 38/2012/NĐ-CP, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thuộc ngành chế biến lương thực, thực phẩm đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, đặc biệt là khâu lưu thông hàng hóa do những bất cập khi áp dụng nghị định này. FFA đã cùng với các hội bạn kiến nghị lên Chính phủ thay thế và sửa đổi Nghị định 38.
Sau 6 tháng với nhiều buổi làm việc, phối hợp với các bộ, ban ngành trung ương, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, kết quả là ngày 2/2/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định 15/2018/NĐ-CP thay thế Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật An toàn thực phẩm. Nghị định 15 được các chuyên gia đánh giá là bước đột phá trong phương thức quản lý an toàn thực phẩm, được xây dựng theo hướng cắt giảm mạnh thủ tục hành chính, công bố, kiểm tra chuyên ngành về thực phẩm, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm.
Theo tính toán của các chuyên gia ngành lương thực, thực phẩm, việc thực thi Nghị định 15 sẽ làm giảm trên 90% chi phí hành chính, giúp tiết kiệm 10 triệu ngày công, 3.700 tỷ đồng. Đó cũng là cách thể hiện quyết tâm của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan trong việc cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.
Bà Lý Kim Chi chia sẻ: "Thời gian qua FFA đã kịp thời tham vấn và phản hồi ý kiến của doanh nghiệp về một số chính sách của Nhà nước để nếu chưa hợp lý thì sửa chữa, nên đã thiết thực giúp doanh nghiệp hội viên gỡ khó trong quá trình sản xuất, kinh doanh".
Với những thành quả nêu trên, FFA đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba, UBND TP.HCM phong tặng Tập thể lao động xuất sắc các năm 2015, 2016, 2017, Sở Công Thương TP.HCM tặng giấy khen vì đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2016, 2017.
Ngày 19/12, Hội Lương thực - Thực phẩm TP.HCM tổ chức Đại hội Nhiệm kỳ V (2018 - 2023). Tin rằng nhiệm kỳ này, FFA sẽ tiếp tục đạt được những thành quả cao hơn nữa.