Theo phân tích của Goldman Sachs, việc lạm phát tăng nhanh có thể khiến FED quyết liệt hơn trong cách tăng lãi suất vào năm nay.
Chủ tịch FED Jerome Powell |
Lạm phát tăng khiến FED dự kiến tăng lãi suất
Chuyên gia kinh tế David Mericle của Goldman Sachs dự báo, sẽ có 4 lần tăng lãi suất phần trăm trong năm nay, và chênh lệch tỷ giá do ảnh hưởng từ sự lây lan của biến chủng Omicron đang làm trầm trọng thêm việc tăng giá cũng như có thể đẩy FED vào cuộc đua tăng lãi suất nhanh hơn.
"Dự báo cơ bản của chúng tôi rằng sẽ có 4 lần tăng giá vào tháng 3, tháng 6, tháng 9 và tháng 12. Chúng tôi cũng nhận thấy rủi ro rằng [Ủy ban Thị trường Mở Liên bang] sẽ muốn thực hiện một số hành động thắt chặt cho đến khi bức tranh lạm phát thay đổi", Mericle nói.
Nhận định trên được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp 2 ngày của nhóm hoạch định chính sách FED sẽ bắt đầu vào thứ Ba. Nếu FED tăng lãi suất vào tháng 3/2022, đây sẽ là lần tăng tỷ lệ chuẩn đầu tiên của cơ quan này kể từ tháng 12/2018.
Tăng lãi suất được xem là một cách để đối đầu với việc lạm phát tại Mỹ đang tăng vọt, ở mức cao nhất trong gần 40 năm. Theo Mericle, những biến chứng kinh tế từ sự lây lan của Covid-19 đã làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng giữa nhu cầu bùng nổ và nguồn cung hạn chế.
Thứ hai, tăng trưởng tiền lương đang tiếp tục ở mức cao, nhất là ở các công việc được trả lương thấp hơn, dù trợ cấp thất nghiệp được nâng cao đã hết hạn và thị trường lao động lẽ ra phải nới lỏng.
"Chúng tôi nhận thấy rủi ro rằng FED sẽ muốn thực hiện một số hành động thắt chặt cho đến khi bức tranh đó thay đổi", vị chuyên gia nói.
Hiện, các nhà giao dịch dự đoán gần 95% khả năng tăng lãi suất sẽ xuất hiện tại cuộc họp tháng 3 và hơn 85% cho rằng sẽ có 4 động thái như vậy trong cả năm 2022. Tuy nhiên, thị trường hiện đang bắt đầu nghiêng về việc sẽ có cả đợt tăng thứ 5 trong năm nay và đây sẽ là đợt tăng mạnh mẽ nhất của FED mà các nhà đầu tư từng chứng kiến, kể từ thời điểm chuyển giao thế kỷ và nỗ lực xoa dịu bong bóng dot-com 20 năm về trước.
Không nên kỳ vọng có thể mở cửa bình thường mới, lại đón được dòng vốn đầu tư nước ngoài mạnh, kể cả đầu tư trực tiếp và gián tiếp trong bối cảnh lộ trình tăng lãi suất của FED. |
Không ảnh hưởng lắm đến Việt Nam
Theo chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên Đại học FulBright Việt Nam, FED gần đây đã đưa ra một thông điệp gây sốc cho thị trường chứng khoán (TTCK) và chưa có tiền lệ là, nếu như giữa năm nay lạm phát Mỹ không có khả năng suy giảm, FED sẽ tính cả chuyện hút tiền về.
Trước đây trong khủng hoảng toàn cầu, sau khi bơm tiền ra, FED chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Nhưng lần này trước áp lực lạm phát, FED đã đưa ra ý kiến này. "Nếu nhìn vào tác động, khả năng cao FED sẽ chưa hút tiền về, mà chỉ ngưng bơm tiền và tăng lãi suất. Trong trường hợp này, thị trường tài chính vẫn chịu đựng được và các điều chỉnh của TTCK vừa qua đã tính đến điều này", ông Thành đánh giá.
Về tác động đến Việt Nam, ông nhận xét, kịch bản này sẽ không ảnh hưởng đến vấn đề tỷ giá cũng như lãi suất. Việt Nam vẫn sẽ giữ được mặt bằng lãi suất hiện tại, không phải điều chỉnh tăng lãi suất. Song, vấn đề ảnh hưởng là dòng vốn đầu tư chứng khoán nước ngoài vào các TTCK mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam.
"Việt Nam sẽ tốt hơn rất nhiều thị trường mới nổi, là không bị dòng vốn đảo chiều. Bao giờ FED tăng lãi suất sẽ có hiện tượng dòng vốn đảo chiều, Việt Nam có thể không bị, nhưng cũng không nên kỳ vọng dòng vốn sẽ về.
Thị trường phải đi lên bằng nội lực thực sự của doanh nghiệp
Trong khi đó, theo Kinh tế trưởng Chứng khoán MBS Hoàng Công Tuấn, quan điểm vĩ mô 2022 sẽ gói gọn trong 3 chữ "bình thường hóa".
Dù vậy, ông cho rằng có một yếu tố vĩ mô cần lưu ý là năm 2021 thị trường tăng trưởng nhờ chính sách nới lỏng của các ngân hàng trung ương. Nhưng sang năm nay, khi nền kinh tế đã trở lại bình thường, ngân hàng trung ương đã bắt đầu cắt giảm chính sách nới lỏng tiền tệ và có những động thái về việc sớm tăng lãi suất.
"TTCK đang phản ánh kỳ vọng FED tăng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Tuy nhiên, nếu quá trình được đẩy nhanh có thể sẽ gây những áp lực và tạo nên cú sốc bất ngờ với TTCK", ông Tuấn đánh giá.
Do đó, vị chuyên gia cho rằng TTCK toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ phải đi lên bằng nội lực thực sự của các doanh nghiệp. Dự báo, các doanh nghiệp niêm yết sẽ tăng trưởng lại sau khi chịu áp lực suy giảm bởi Covid-19. Từ những yếu tố trên, vị chuyên gia cho rằng năm 2022 vẫn là một năm khởi sắc của TTCK, song sẽ có sự chọn lọc hơn rất nhiều.
Nhìn nhận trên góc độ khác, Giám đốc Nghiên cứu Khách hàng cá nhân MBS Trần Hoàng Sơn cho rằng việc tăng lãi suất của FED không tác động quá nhiều đến TTCK Việt Nam, mà động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm nay. Ngoài ra, lịch sử cho thấy sau khi FED tăng lãi suất, thị trường đều tăng điểm trong 3-6 tháng sau đó.
Việc FED tăng lãi suất không tác động quá nhiều đến TTCK Việt Nam, mà động lực tăng trưởng sẽ đến từ tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp năm nay. |
Còn với VinaCapital, động thái của FED là không quá đáng ngại. Hầu hết nhà đầu tư và giới phân tích kỳ vọng FED tăng lãi suất 3 lần trong năm, gây tổn hại với giá cổ phiếu ở các TTCK mới nổi và cận biên, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi không tin FED sẽ tuân thủ theo những kế hoạch dự kiến về tăng lãi suất 3 lần mà họ thông cáo và quan trọng hơn, Việt Nam đang ở vị thế đủ thuận lợi để giữ bình tĩnh trước những đợt tăng lãi suất quyết liệt từ FED.
Bên cạnh đó, các chuyên gia từ VinaCapital cho rằng, năm nay sẽ là năm rất tốt cho TTCK Việt Nam từ sau mức tăng 37,3% tính bằng USD (hoặc 35,7% tính bằng VND) của VN-Index trong năm 2021.