Năm 2021, bán ròng kỷ lục
Năm 2021 là năm thứ hai liên tiếp nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trên thị trường chứng khoán (TTCK), với giá trị lên đến hơn 62.300 tỷ đồng, mức cao nhất từ trước đến nay. Dù vậy giá trị bán ròng tại Việt Nam vẫn thấp hơn mức trung bình các nước châu Á khác.
Trong vòng 10 năm qua (2011-2021), chỉ có ba năm khối ngoại bán ròng là 2016, 2020, 2021, đặc biệt là năm 2021 với giá trị bán ròng gấp 3,3 lần năm 2020 là 18.794 tỷ đồng và gấp 2,5 lần tổng lượng khối ngoại "xả hàng" trong hai năm 2016 và 2020 cộng lại.
Bị bán ròng mạnh nhất vẫn là các cổ phiếu vốn hóa lớn (bluechip) thuộc nhóm VN30, gồm HPG bị bán ròng hơn 18.900 tỷ đồng, đây cũng là cổ phiếu tăng giá mạnh mẽ trong nửa đầu năm 2021 nhờ hưởng lợi từ việc giá thép tăng mạnh. VPB cũng bị bán ròng hơn 9.300 tỷ đồng sau khi giảm tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài từ 23% về 15%. Kế tiếp là VNM bị bán ròng hơn 6.600 tỷ đồng, VIC hơn 6.100 tỷ đồng, CTG 5.198 tỷ đồng, SSI 4.098 tỷ đồng, NLG 3.058 tỷ đồng và MSN 2.560 tỷ đồng.
Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, cộng thêm chuỗi cung ứng bị đứt gãy trong thời gian Việt Nam thực hiện giãn cách xã hội, đã tác động mạnh lên chiến lược giao dịch của nhóm nhà đầu tư nước ngoài. Cụ thể, tính từ khi dịch Covid-19 bắt đầu xuất hiện tại Việt Nam đầu năm 2020, tổng lượng bán ròng của khối nhà đầu tư ngoại đã đạt 81.152 tỷ đồng, tương đương hơn 3,5 tỷ USD bị rút ra khỏi thị trường.
Những lo ngại về việc thắt chặt chính sách tiền tệ trở lại của ngân hàng trung ương các nước dường như cũng đã thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi các TTCK đang phát triển như Việt Nam, đặc biệt là càng về cuối năm. Trong các cuộc họp cuối cùng của năm 2021, Anh đã quyết định tăng lãi suất từ 0,1% lên 0,25%, còn Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết sẽ tiếp tục cắt giảm chương trình mua trái phiếu đồng thời dự kiến sẽ tăng lãi suất từ năm 2022, sớm hơn kế hoạch trước đó.
Năm 2022, khối ngoại lại mua ròng?
Nhìn về năm 2022, giới phân tích cho rằng, áp lực bán ròng của khối ngoại trong giai đoạn đầu năm sẽ chưa sớm kết thúc, nhưng tình hình có thể khả quan hơn về nửa cuối năm. Trước cơ hội TTCK Việt Nam có thể được nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp FTSE vào tháng 9/2022 nếu hoàn thành triển khai hệ thống giao dịch mới trong nửa đầu năm 2022, nhà đầu tư nước ngoài có thể quay lại mua ròng sớm hơn.
Dòng tiền ngoại tại các nước châu Á (triệu USD) trong năm qua |
Sau khi đã chốt lời các khoản đầu tư trong năm 2021, các quỹ đầu tư nước ngoài sẽ bị áp lực giải ngân trở lại. Thực tế là năm 2021, dù bán ròng lên đến 2,3 tỷ USD trên TTCK, nhưng khối ngoại chỉ rút ròng khoảng 1,2 tỷ USD ra khỏi Việt Nam, không nhiều so với mức 1,05 tỷ USD của năm 2020, nên có khả năng sẽ sớm giải ngân tìm kiếm cơ hội trở lại.
Theo dữ liệu của Bloomberg, VN-Index đang giao dịch ở mức P/E trượt 12 tháng là 16,7 lần, thấp hơn so với mức P/E hồi đầu năm 2021 ở mức 17,3 lần. Mức P/E này cộng với dự báo tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp niêm yết trên HoSE trong năm 2022 và 2023 ở mức 23% và 19% nhờ sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành xuất khẩu, dầu khí và bất động sản. Do đó, các công ty chứng khoán cho rằng định giá thị trường vẫn đang ở mức hấp dẫn với P/E dự phóng 2022 và 2023 lần lượt ở mức 13,4 lần và 11,5 lần, thấp hơn P/E trung bình ba năm gần nhất là 16,1 lần.
Theo Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng, năm 2022 sẽ tiếp tục triển khai nhiều sản phẩm mới trên TTCK nhằm phát triển bền vững, chuyên nghiệp, tiếp cận với các chuẩn mực chung và thông lệ quốc tế, hội nhập với thị trường khu vực và thế giới. Từ đó, tạo nền móng vững chắc để đưa TTCK Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới, phát triển mạnh mẽ hơn, chất lượng hơn và bền vững hơn. Dựa trên những điều kiện này, cùng với hệ thống giao dịch mới đưa vào áp dụng, có thể thúc đẩy khối ngoại quay trở lại. Cần lưu ý là tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HoSE giai đoạn đầu năm 2021 cũng là một trong những lý do gây ra tình trạng bán ròng của nhóm này.
Tín hiệu lạc quan là trong tuần cuối năm 2021, trên sàn HoSE, khối ngoại đã chấm dứt chuỗi hai tuần bán ròng liên tiếp bằng việc mua ròng 1.234 tỷ đồng, trong đó mua ròng thông qua khớp lệnh đạt 1.311 tỷ đồng. Với dự báo kinh tế phục hồi trong năm 2022 khi tỷ lệ tiêm vaccine ngừa nCoV tại Việt Nam đã đạt mức cao và sự khôi phục sản xuất, kinh doanh, giá trị tiền đồng vẫn ổn định, kỳ vọng TTCK được nâng hạng trong giai đoạn 2023-2025 sẽ là động lực giúp dòng vốn từ các quỹ chủ động quay trở lại từ năm 2022.