Lãi suất, tỷ giá: Một năm thành công

Anh Khoa| 29/12/2021 06:30

Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Việt Nam tiếp tục có một năm tỷ giá và lãi suất giữ ổn định, góp phần ổn định nền kinh tế và hỗ trợ phần nào hoạt động của doanh nghiệp.

Tiền đồng giữ vững giá trị

Tính đến ngày 19/12/2021, tỷ giá trung tâm USD/VND nằm tại 23.217 đồng, tăng chưa đến 0,4% so với đầu năm và cách khá xa mục tiêu 2% đặt ra hằng năm, cho thấy giá trị của tiền đồng ngày càng vững chắc. Đây là kết quả đáng khích lệ nếu so với sự mất giá của nhiều đồng tiền trong khu vực so với đô la Mỹ, trong bối cảnh sức mạnh đồng USD thể hiện sự vượt trội trong năm nay.

Cụ thể, chỉ số USD-Index đo lường giá trị USD so với rổ 6 ngoại tệ mạnh như euro, yên Nhật, bảng Anh, đô la Canada, krona Thụy Điển, franc Thụy Sĩ, đã tăng xấp xỉ 8,5% từ đầu năm đến nay, trước triển vọng kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ sau khi mở cửa trở lại, cũng như những dự báo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm thắt chặt chính sách tiền tệ.

Đáng lưu ý là tiền đồng thậm chí còn tăng giá so với đô la Mỹ nếu quan sát trên các kênh khác. Đơn cử như giá mua vào USD tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã giảm hơn 2% so với đầu năm nay sau ba lần điều chỉnh giảm. Trong khi đó, giá USD bán ra sau khi có ngày giảm đến 706 đồng hôm 8/12/2021 - động thái NHNN nhằm bình ổn thị trường, ngăn chặn đà tăng vọt của tỷ giá những ngày trước đó, khiến mức giảm so với đầu năm, cũng lên đến hơn 2,6%. 

Tương tự, giá mua bán USD các ngân hàng (NH) dù trong nửa đầu tháng 12 tăng mạnh trở lại, nhưng nếu so với đầu năm thì mức giảm tương ứng 0,9% và 0,5%. Trên thị trường tự do, vốn thường có sự chênh lệch khá lớn so với giá chính thức, tỷ giá USD/VND cũng chỉ tăng 1,2% so với đầu năm và phần lớn mức tăng diễn ra trong cùng khoảng thời gian nửa đầu tháng 12.

Sau khi thâm hụt cán cân thương mại hàng hóa trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất siêu trở lại từ đầu quý IV, giúp lũy kế 11 tháng xuất siêu 1,46 tỷ USD. Theo ước tính mới đây của Bộ Công Thương, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 có thể đạt  660 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020 và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.

Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến ngày 20/11/2021, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt 26,46 tỷ USD, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Vốn FDI thực hiện tại Việt Nam 11 tháng năm 2021 ước tính đạt 17,1 tỷ USD. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 có thể đạt mức kỷ lục 18,1 tỷ USD, trong bối cảnh kinh tế và thị trường lao động của các nước đang dần hồi phục.

tr17a-Ty-gia-trung-tam-copy-8041-1640582

Diễn biến tỷ giá trung tâm USD/VND từ đầu năm đến nay

Mặt bằng lãi suất tiếp tục giảm

Giá trị tiền đồng được giữ vững cũng là một trong những yếu tố giúp lãi suất tiếp tục đi xuống trong năm nay. Dù trong nửa đầu tháng 12 này, lãi suất tiền gửi tại một số NH có dấu hiệu tăng trở lại, nhưng so với đầu năm nay, lãi suất huy động bình quân kỳ hạn 1-5 tháng vẫn giảm hơn 0,1%, kỳ hạn 6-11 tháng giảm gần 0,3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên giảm hơn 0,2%. Trong khi đó, lãi suất liên NH dù đã tăng trở lại từ mức thấp lịch sử vào cuối năm 2020, nhưng vẫn còn rất thấp so với mức trước đại dịch.

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 1,66% so với trước dịch. Từ khi có dịch đến nay, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất với tổng mức khoảng 30.000 tỷ đồng và tiếp tục giảm đến cuối năm nay.

Nếu như trong năm 2020, lãi suất cho vay thường giảm chậm hơn lãi suất tiền gửi, thì trong năm nay lãi suất cho vay tại nhiều NH đã giảm sâu hơn, với mức giảm từ 1-2% dành cho những khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, trong khi khách hàng thông thường có thể được giảm từ 0,5-1%. Có được kết quả này là nhờ định hướng cũng như những chính sách khuyến khích của NHNN, như nới mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao hơn dành cho các NH giảm lãi suất cho vay thực chất, đặc biệt là sau đợt đồng thuận giảm lãi suất cho vay hồi tháng 7 vừa rồi. 

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân đã giảm khoảng 1,66% so với trước dịch. Từ khi có dịch đến nay, các tổ chức tín dụng cũng đã giảm lãi suất với tổng mức khoảng 30.000 tỷ đồng và tiếp tục  giảm đến cuối năm nay. NHNN đang thực hiện gói cấp bù lãi suất 3.000 tỷ đồng với mức lãi suất cho vay chỉ 3-4%/năm đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng mạnh bởi đại dịch. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đọc nhiều
Lãi suất, tỷ giá: Một năm thành công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO